Hiện tại, chỉ khoảng 5% sản lượng hàng hóa đầu ra của Trung Quốc được bán sang Mỹ, tập trung tại các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp như linh kiện điện tử, quần áo, nội thất… Trong kịch bản xấu nhất là giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm xuống một nửa, Đại lục sẽ cần tìm thị trường mới cho khoảng 2,5% sản lượng hàng hóa đầu ra. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với nhà đầu tư cổ phiếu?
Theo các chuyên gia kinh tế, trong mọi kịch bản, các cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán Trung Quốc hầu như không chịu ảnh hưởng tiêu cực nào. Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp này hầu như không có mối liên hệ với hoạt động xuất khẩu sang Mỹ. Đa phần doanh nghiệp xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thế giới tại Trung Quốc là các công ty nhỏ, vốn hóa không lớn.
Trong khi đó, về phía Mỹ, các doanh nghiệp lớn trên sàn lại có nhiều hoạt động liên quan tới xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Cụ thể, Top 20 công ty vốn hóa lớn thuộc chỉ số S&P 500 có doanh số bán hàng ra nước ngoài chiếm 44% tổng doanh số. Ở phía bên kia, tại chỉ số Hang Seng China Enterprises (HSCEI), con số này chỉ là 4% (tính cả Alibaba, dù doanh nghiệp này hiện đang giao dịch cổ phiếu tại New York).
Có thể nhận thấy, các hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc vẫn chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Trường hợp ngoại lệ duy nhất có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn là Huawei, nhưng doanh nghiệp này chưa đưa cổ phiếu lên sàn. Thực tế, những tên tuổi như Tencent, Alibaba, Baidu và hàng loạt thương hiệu lớn của Đại lục có thể nhanh chóng lớn mạnh như ngày hôm nay bởi giới chức Trung Quốc đã kìm chân những gã khổng lồ như Amazon và Google bên ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã có những thành công ban đầu trong việc hạn chế phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu như Mỹ và phương Tây, đồng thời phát triển tập trung vào nhu cầu tiêu dùng nội địa. Tỷ trọng xuất khẩu đóng góp cho GDP của Trung Quốc đã giảm từ mức 36% năm 2008 xuống còn 18% năm 2018. Các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao tại Trung Quốc nhận được sự bảo trợ của chính quyền, có không gian riêng để phát triển tại thị trường nội địa, không cần cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp chủ yếu tập trung cho hoạt động xuất khẩu.
Các nhà kinh tế ước tính, trong trường hợp Mỹ áp thuế 25% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm khoảng gần 1%, từ mức hơn 6% xuống hơn 5%. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng và điều chỉnh chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hạn chế thấp nhất tác động kể trên.
Như vậy, với các nhà đầu tư chỉ quan tâm tới biến động của giá cổ phiếu, cổ phiếu của các doanh nghiệp tại Đại lục vẫn đang ở vị thế an toàn hơn giữa tâm bão chiến tranh thương mại.