Không mấy khi người lãnh đạo cao nhất chia sẻ suy nghĩ cá nhân của mình về giá cổ phiếu, nhưng ông Thái đã nói như vậy sau một chuỗi nỗ lực thúc đẩy Ngân hàng Quân đội đạt kết quả vượt trội năm 2017 và cũng trình bày với cổ đông kế hoạch tăng trưởng cao hơn trong năm 2018.
Nhưng giá cổ phiếu MBB phiên cuối tuần qua chỉ quanh mốc 23.300 đồng/cổ phiếu. Mức giá MBB này nếu không tính việc điều chỉnh do Ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ 100:5) và thưởng cổ phiếu (100:14) vào tháng 7 vừa qua, thì cũng còn khá thấp so với giá kỳ vọng của lãnh đạo Ngân hàng.
Ở vai trò người lãnh đạo, các doanh nhân chịu áp lực nhiều chiều, trong đó áp lực lớn nhất là thúc “con tàu” doanh nghiệp tăng trưởng. Áp lực tiếp theo là làm sao để giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, nhưng đây lại luôn là bài toán khó, bởi giá cổ phiếu trên sàn do cung - cầu quyết định. Cổ phiếu càng thanh khoản thì giá trên sàn càng khó “nắn dòng”.
TTCK tăng trưởng tích cực trong năm 2017 và kéo sang quý I/2018 khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sẽ gọi vốn bằng công cụ cổ phiếu và trái phiếu.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cấp phép cho gần 200 hồ sơ xin phát hành, nhưng số doanh nghiệp kịp huy động vốn thời chứng khoán khởi sắc đầu năm chỉ chiếm thiểu số.
Ða số doanh nghiệp vẫn đang chờ cơ hội thị trường tốt lên để giá cổ phiếu của doanh nghiệp cải thiện, từ đó doanh nghiệp mới có cơ hội gọi thêm vốn mới từ thị trường.
Tại CTCP Nhựa Ðông Á (DAG), với kết quả kinh doanh năm 2017 khả quan, DAG đặt kế hoạch doanh thu 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận 95 tỷ đồng trong năm 2018, nhưng thị giá DAG hiện chỉ có 7.600 đồng/cổ phiếu.
Công ty dự tính, sau khi tăng vốn điều lệ từ 493 tỷ đồng lên 517 tỷ đồng bằng thưởng cổ phiếu (5%) cho cổ đông hiện hữu, sẽ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để phát hành trên 90 triệu cổ phần.
Là doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất nhựa Việt Nam, có tăng trưởng bình quân doanh thu 19%/năm, lợi nhuận sau thuế 28%/năm kể từ năm 2011 đến 2017, nhưng cổ phiếu DAG chịu cảnh giao dịch dưới mệnh giá cả năm trời.
DAG có 2 nhà đầu tư chuyên nghiệp (một quỹ Việt Nam, một quỹ Singapore) sở hữu 5% vốn, đồng thời Ngân hàng Phát triển Nhật Bản đã đầu tư vào DAG và đi cùng 10 năm (khoản đầu tư này kết thúc vào năm 2017 do hết chu kỳ đầu tư), nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp hiếm khi trên mệnh giá.
Vì sao doanh nghiệp hoạt động vững vàng, mà giá cổ phiếu không hấp dẫn dòng tiền? Câu hỏi này làm đau đầu lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, vì chính việc giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp đã khiến doanh nghiệp gặp thách thức trong gọi dòng vốn mới từ TTCK Việt Nam.
Gần 200 hồ sơ gọi vốn của doanh nghiệp đã được UBCK chấp thuận đang chờ đợi sự khởi sắc của thị trường, sự quan tâm của dòng tiền đến mã cổ phiếu doanh nghiệp mình để thực hiện kế hoạch tăng vốn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có kịp tăng vốn trong năm 2018 không, hay sẽ phải làm lại hồ sơ xin phát hành (quá 90 ngày, giấy phép phát hành sẽ hết hiệu lực), vẫn là câu hỏi ngỏ trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Trong khi nhà quản lý ghi nhận thành tích TTCK Việt Nam là lớn nhanh về quy mô (đạt 180 tỷ USD vốn hóa tính đến cuối tháng 8/2018) như một yếu tố tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư chuyên nghiệp, thì góc nhìn của nhiều doanh nghiệp lại chia sẻ rằng, TTCK rộng mở khiến nguy cơ cổ phiếu của doanh nghiệp bị lẫn, bị bỏ quên cứ lớn dần, thậm chí lớn hơn cơ hội doanh nghiệp gọi được dòng vốn mới.