Doanh nghiệp thủy sản  dễ chịu tổn thương từ thị trường, nên tiềm ẩn rủi ro lớn

Doanh nghiệp thủy sản dễ chịu tổn thương từ thị trường, nên tiềm ẩn rủi ro lớn

Cổ phiếu thủy sản vô cảm với sức tăng xuất khẩu, vì sao?

(ĐTCK) Xuất khẩu thủy sản trong quý III và 3 quý đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhưng thông tin tích cực này dường như không có tác động gì đến diễn biến giao dịch của cổ phiếu nhóm ngành thủy sản trên sàn.

Tăng trưởng mạnh trong 9 tháng, cổ phiếu thủy sản vẫn rơi

Theo tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 27 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mảng thủy sản đóng góp 5,91 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu,  tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là kết quả khá bất ngờ so với những dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra hồi đầu năm nay.

Riêng trong quý III, thủy sản đạt mức tăng trưởng 5,42%, đóng góp 0,17% vào tăng trưởng chung của khu vực nông lâm nghiệp. Tính chung 9 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5,12 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3,7 triệu tấn, tăng 4,1%; tôm đạt 603.000 tấn, tăng 8%.

Với tốc độ tăng trưởng như trên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, thủy sản là điểm sáng của ngành nông nghiệp, góp phần đưa kinh tế Việt Nam quý III đạt mức tăng trưởng 7,43%.

Sản lượng cao, giá trị xuất khẩu tăng mạnh, nhưng thông tin này lại không có tác động tích cực nào đến diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành thủy sản. Trên thị trường, ngoài trừ một số cổ phiếu như ABT (của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre), MPC (của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú), VHC (của CTCP Vĩnh Hoàn) giữ được sự ổn định, nhiều cổ phiếu đang đi ngược với xu hướng tích cực của hoạt động sản xuất – kinh doanh của ngành.

Cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương là một ví dụ điển hình. Từng được giới đầu tư săn lùng, thị giá có lúc tăng lên 50.000 đồng/cổ phiếu, nhưng kể từ năm 2012, cổ phiếu này rơi về dưới mệnh giá cùng với đà lao dốc của kết quả kinh doanh.

Cổ phiếu ASM của CTCP Tập đoàn Sao Mai cũng vừa có 5 phiên giảm giá liên tiếp, rơi từ mức 11.150 đồng/cổ phiếu (26/9) xuống 10.750 đồng/cổ phiếu vào phiên 2/10, tương đương mất 3,7%. So với hồi đầu năm, mỗi cổ phiếu ASM mất 2.520 đồng (ngày 3/1/2017 cổ phiếu này giao dịch ở mức 13.270 đồng/cổ phiếu). Nếu tạm tính với 241.933.853 cổ phiếu ASM đang lưu hành, giá trị vốn hóa của ASM đã giảm hơn 610 tỷ đồng trong 9 tháng qua.

Cùng chung đà giảm giá với mã HVG, ASM là cổ phiếu FMC (của CTCP Thực phẩm Sao Ta). Trong 9 phiên giao dịch (từ 20/9 đến 29/9), cổ phiếu FMC có 5 phiên giảm và 2 hai phiên đứng yên.

Đáng chú ý, một số mã cổ phiếu thủy sản hầu như không có thanh khoản. Cổ phiếu SJ1 (của CTCP Nông nghiệp Hùng Hậu) thường xuyên không có giao dịch. Trong suốt tháng 9, cổ phiếu SJ1 chỉ có 6 phiên có giao dịch.

Cổ phiếu NGC (của CTCP Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền) cũng bị nhà đầu tư thờ ơ. Chín tháng qua, cổ phiếu này luôn ở tình trạng không có giao dịch, thi thoảng có lệnh mua 100 - 200 cổ phiếu. Hiện tại, NGC đang giao dịch ở mốc 8.800 đồng/cổ phiếu.

Vì sao cổ phiếu thủy sản kém hấp dẫn?

Việc nhà đầu tư thờ ơ với cổ phiếu ngành thủy sản trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong 9 tháng đầu năm nay khởi sắc mạnh không phải không có lý.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia phân tích một công ty chứng khoán cho rằng, doanh nghiệp thủy sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên nhà đầu tư mất dần sự kiên nhẫn. Điều này xuất phát từ thực tế thị trường xuất khẩu thủy sản thường xuyên biến động, doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản có khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, kéo lùi kết quả sản xuất - kinh doanh chung.

Có thể nhìn thấy rõ vấn đề này qua câu chuyện của CTCP Nam Việt (Navico, mã ANV). Từng là công ty số 1 trong ngành thủy sản cách đây chục năm nhưng giờ đây, Nam Việt đang loay hoay tìm kiếm lợi nhuận do sa đà vào đầu tư ngoài ngành. Nam Việt đã rót gần 1.000 tỷ đồng vào kinh doanh phân bón, bảo hiểm, ngân hàng, những lĩnh vực ‘trái tay” với doanh nghiệp.

Hay HVG, một thời được mệnh danh là “Vua cá tra” với những khoản lãi rất tốt, nhưng  tính đến 30/6/2017, HVG có khoản nợ phải trả 12.354 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn 7.105 tỷ đồng. Chi phí lãi vay và áp lực trả nợ đang đè nặng lên doanh nghiệp. Đầu tư thêm lĩnh vực mới là chăn nuôi heo, nhưng năm 2016, tình hình tiêu thụ heo khó khăn khiến Công ty càng trở nên bết bát.

Năm 2017, HVG đặt mục tiêu doanh thu chạm mốc 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2017 cho kỳ kế toán 1/10/2016 đến 31/3/2017 cho thấy, trong kỳ Công ty lỗ tới 140 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Để giải quyết bài toán nợ vay, HVG đã lên kế hoạch thanh lý hết các bất động sản hiện có thuộc Công ty Địa ốc An Lạc, công ty con của HVG. Tuy nhiên, bán đất để giảm nợ là hoạt động chẳng có gì thú vị với các nhà đầu tư.

Minh Phú, dù là doanh nghiệp sở hữu nhiều thế mạnh, nhưng những biến động của thị trường xuất khẩu cũng khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khi thăng khi giáng. Năm 2014, Công ty báo lãi 921 tỷ đồng, đến năm 2015, Công ty lỗ gần 7 tỷ đồng. Sang năm 2016, Công ty lại báo lãi gần 82 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, MPC ghi nhận lãi sau thuế 158,56 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đưa ra lý do chính khiến nhà đầu không mặn mà với cổ phiếu thủy sản.

Thứ nhất, nhìn vào dài hạn, nhà đầu tư lo ngại thị trường xuất khẩu thủy sản có nhiều biến động bất lợi. Hiện nay, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, Mỹ đang thắt chặt bằng cách chính sách bảo hộ, áp chính sách thuế nhập khẩu mới đối với thủy sản nhập khẩu vào thị trường này gây ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Mỹ kiểm soát chặt hơn về vấn đề an toàn thực phẩm, ô nhiễm, chất lượng hàng hóa.

Còn châu Âu hiện vẫn chưa thoát khỏi khó khăn của kinh tế, sức cầu giảm mạnh, lượng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm trong thời gian trở lại đây. Hai thị trường lớn nhất sụt giảm, buộc các doanh nghiệp thủy sản nâng cao chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc tăng cao chi phí trong khi nguồn cầu có hạn, đây là khó khăn về lâu dài.

Thứ hai, vấn đề nợ đọng của doanh nghiệp thủy sản là nỗi lo lớn của nhà đầu tư. Trường hợp của HVG là một ví dụ. Hiện tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp thủy sản tương đối cao, trong khi tăng trưởng doanh thu không tốt, đây là điểm nghẽn lớn khiến nhà đầu tư chưa có niềm tin vào cổ phiếu ngành này.

Thứ ba, trong ngắn hạn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng cao, nhưng đây có thể là tác động của việc Mỹ áp khung thuế chống bán phá giá đối với nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ tranh thủ mua gom hàng số lượng lớn trước khi có lệnh áp thuế chính thức có hiệu lực khiến tăng trưởng thủy sản tăng đột biến quý III vừa qua.

“Số liệu xuất khẩu cho thấy khối doanh nghiệp thủy sản đang phục hồi, nhưng về lâu dài, nội tại thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi giải quyết được bài toán thị trường, có hướng đi mới triển vọng, cổ phiếu thủy sản mới mong thu hút được nhà đầu tư”, ông Minh nhận định.

Tin bài liên quan