Cổ phiếu thủy sản chỉ chờ có “sóng”

Cổ phiếu thủy sản chỉ chờ có “sóng”

(ĐTCK) Ngành thủy sản Việt Nam, nhất là đối với các DN xuất khẩu tôm và cá tra đang có những tín hiệu khả quan. Do đó, thời điểm thích hợp để trở lại với các cổ phiếu ngành này đã xuất hiện.

Hoạt động xuất khẩu thủy sản 9T/2013

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/9, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm các loại đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 24%, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng 79,6% của tôm thẻ chân trắng. Lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng mạnh và vượt tôm sú, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, do diện tích nuôi và sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng mạnh trong những tháng đầu năm, dẫn đến nguồn cung cho xuất khẩu tăng theo.

Cổ phiếu thủy sản chỉ chờ có “sóng” ảnh 1

Đầu ra cho ngành thủy sản Việt Nam năm nay vẫn tốt, song đầu vào có nguy cơ thiếu trầm trọng

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP nhận định, hiện là thời điểm tốt để xuất khẩu tôm, do nhu cầu ở những thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tăng cao.

“Kế hoạch xuất khẩu 2,5 - 2,6 tỷ USD đối với con tôm trong năm 2013 là có thể đạt được, thậm chí tốt hơn”, ông Hải nói.

Trái với diễn biến tích cực của mặt hàng tôm, xuất khẩu cá tra trong 9T/2013 gặp nhiều khó khăn, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 1,25 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vẫn khả quan khi tổng giá trị xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/1 - 15/8/2013 đạt 245,9 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang EU chỉ đạt 237 triệu USD, giảm 12,8%.

 

Dự báo thị trường cá tra và tôm cuối năm 2013

Đối với mặt hàng cá tra, kinh doanh thua lỗ kéo dài đã khiến diện tích và sản lượng nuôi trồng tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp sụt giảm. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện lượng cá tra đạt kích cỡ 0,6 - 0,7kg còn khoảng 50.000 tấn, chỉ bằng 25% cùng kỳ năm trước; trong khi lượng cá có trọng lượng trên 1 kg không còn đáng kể. Nguy cơ thiếu nguyên liệu trong những tháng cuối năm đã hiện hữu.

Đối với mặt hàng tôm, thiếu hụt tôm nguyên liệu cũng đang là trở ngại lớn cho các DN trong ngành. Việc thiếu hụt tôm nguyên liệu xuất phát từ: (1) yếu tố dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt, ảnh hưởng đến sản lượng tôm trong nước, (2) sự cạnh tranh thu mua nguyên liệu từ các thương lái nước ngoài; (3) người nuôi tôm găm hàng chờ giá tăng cao hơn.

Việc thiếu nguyên liệu thủy sản đầu vào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các DN và việc hoàn thành các đơn đặt hàng. Giá nguyên liệu bị đẩy lên cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của DN những tháng cuối năm.

Hiện EU vẫn là thị trường lớn thứ hai của cá tra Việt Nam . Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn trong 9 tháng đầu năm. Mặc dù gặp khó khăn ở những thị trường chính như Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan…, nhưng thị trường xuất khẩu cá tra vẫn được mở rộng. Tuy nhiên, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm ngày càng khắt khe (chứng nhận quốc tế như ASC, Global GAP...) là trở ngại không nhỏ. Tín hiệu khả quan là hoạt động xuất khẩu cá tra trong tháng 8 và 9 đã tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng mặt hàng tôm khả quan hơn, khi sản lượng tôm nuôi của Thái Lan giảm mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm ở những thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tăng cao. Đặc biệt, mặt hàng tôm Việt Nam đã thoát 2 “tròng” thuế khi xuất khẩu vào Mỹ. Tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn 1/2/2011 - 31/1/2012. Theo đó, 33 DN xuất khẩu vào thị trường này đều nhận mức thuế 0%. Hiện thuế suất cho các DN trên toàn quốc vẫn ở mức 25,76%.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) đã ra quyết định hủy bỏ vụ kiện chống trợ giá tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Như vậy, tôm của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ không phải chịu thuế chống trợ giá, thay vì chịu mức thuế suất từ 1,15 - 7,88% như DOC đặt ra.

Ngoài ra, nhiều khả năng, tỷ giá USD/VND sẽ được nới rộng trong những tháng cuối năm. Tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ đáng kể cho hoạt động xuất khẩu, nhất là những DN đã có hợp đồng xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ khoản chênh lệch tỷ giá tăng thêm này.

 

Những cổ phiếu đáng quan tâm

Dự báo, các DN xuất khẩu tôm (như MPC, FMC, CMX…) sẽ có mức tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm, nhờ nhu cầu gia tăng và giá tôm duy trì ở mức cao.

Cổ phiếu thủy sản chỉ chờ có “sóng” ảnh 2

Xuất khẩu cá tra đã tăng trưởng trở lại ở thị trường châu Âu trong tháng 8 và 9, mang lại triển vọng cho các DN trong lĩnh vực này. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cá tra lớn của thế giới. Do đó, việc thiếu hụt nguyên liệu có thể khiến cho lượng hàng cung cấp trên thế giới trong thời gian tới sụt giảm và có khả năng giá bán sẽ được điều chỉnh tăng.

Cổ phiếu thủy sản chỉ chờ có “sóng” ảnh 3

Tuy nhiên, việc thiếu nguyên liệu đầu vào đang là trở ngại cho các DN. Do đó, nên ưu tiên đầu tư những DN có sự đảm bảo về nguồn nguyên liệu như MPC, FMC (ngành tôm, có thể đảm bảo tự chủ nguyên liệu từ 10 - 20%), hay HVG, VHC, ANV... (ngành cá, có thể đảm bảo tự chủ nguyên liệu đến 70%); cũng như những DN có lượng tồn kho 6 tháng đầu năm ở mức cao, giúp duy trì lượng hàng sản xuất và tận dụng lợi thế giá nguyên liệu tăng.