Xuất khẩu thép sang EU được dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới

Xuất khẩu thép sang EU được dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới

Cổ phiếu thép vẫn "cứng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều cổ phiếu thép tăng giá mạnh, nhưng vẫn được xếp vào nhóm đầu tư có triển vọng trong nửa cuối năm 2023.

Ngành thép có dấu hiệu khởi sắc

Những gì khó khăn nhất đối với ngành thép đã diễn ra trong nửa cuối năm 2022, khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao, còn nhu cầu thép sụt giảm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành thép có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thép đạt 3,154 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 5/2023, sản lượng thép tiêu thụ đạt 619.165 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 15,6% so với tháng liền trước.

EU là thị trường nhập khẩu thép lớn của Việt Nam. Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu thép sang thị trường này thời gian tới sẽ tiếp tục khả quan khi EU sửa đổi quy định về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu.

Theo đó, EU duy trì cách thức phân bổ hạn ngạch kết hợp giữa phân bổ hạn ngạch riêng theo từng nước và hạn ngạch chung cho các nước còn lại. Thuế ngoài hạn ngạch là 25%. Tuy nhiên, lượng hạn ngạch không chịu thuế giai đoạn 1/7/2023 - 30/6/2024 sẽ tăng 4% so với giai đoạn 1/7/2021 - 30/6/2023.

Xuất khẩu thép đang có dấu hiệu tích cực, trong khi nhu cầu trong nước dự kiến sẽ tăng nhờ đầu tư công được thúc đẩy.

Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch thuế quan chung với các nước khác theo từng quý đối với 8 nhóm sản phẩm bao gồm: nhóm 1 (tấm thép cán nóng); nhóm 3B (tấm thép kỹ thuật điện); nhóm 4A, 4B (tấm thép mạ), nhóm 5 (tấm thép mạ phủ hữu cơ), nhóm 9 (tấm thép cán nguội không gỉ), nhóm 25B (các loại ống thép lớn); nhóm 26 (các loại ống thép khác). Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%).

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đánh giá, các quốc gia hưởng lợi từ việc EU mở rộng hạn ngạch với thép nhập khẩu là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Brazil, Moldova, Bắc Macedonia, Oman, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập.

Trong nước, nhiều dự án đầu tư công được khởi công trong tháng 6 vừa qua được kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép gia tăng.

Chẳng hạn, ngày 25/6/2023, dự án đường Vành đai 4 được khởi công đồng thời tại Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Vành đai 4 - vùng thủ đô có chiều dài toàn tuyến 112,8 km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5 km, Hưng Yên là 20,3 km, Bắc Ninh là 21,2 km. Dự án cao tốc Vành Đai 4 - vùng thủ đô có 3 cây cầu lớn gồm cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở và cầu Hoài Thượng, với bề rộng 24,5 m.

Ngày 18/6/2023, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được khởi công.

Với dự án Sân bay Long Thành, siêu dự án này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thi công từ tháng 8/2023, tạo ra nhu cầu lớn về sắt thép, đá xây dựng.

Ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam nhận định, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công, sự quan tâm từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc đưa ra những cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó cho các ngành nghề, trong đó có bất động sản, chính sách nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất…, tăng trưởng kinh tế sẽ tích cực hơn trong 2 quý cuối năm 2023, từ đó nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng, bao gồm sản phẩm thép được cải thiện.

Khó khăn vẫn còn, nhưng dự kiến lợi nhuận khả quan

Ông Nguyễn Minh Như, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Thiên Nam Group, mã chứng khoán TNA) chia sẻ, thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn nên Công ty đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất năm nay là 5.888,9 tỷ đồng, giảm 8,6%, nhưng phấn đấu lợi nhuận trước thuế đạt 81,7 tỷ đồng, gấp 3 lần mức thực hiện năm ngoái.

Để đạt được kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, Thiên Nam Group sẽ tập trung kinh doanh hàng nội địa như thép dự ứng lực, chỉ nhập khẩu mặt hàng có biên lợi nhuận cao, quản trị tồn kho tốt, giảm chi phí vận chuyển, đưa Công ty trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong ngành thép. Bên cạnh đó, Thiên Nam Group sẽ khai thác thị trường xuất khẩu, tìm kiếm các đối tác phù hợp, xây dựng gian hàng trên nền tảng Alibaba.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát, mã chứng khoán HPG), ghi nhận sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) trong tháng 5/2023 đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 16% so với tháng liền trước. Đây là mức tiêu thụ thép cao nhất theo tháng của Hòa Phát kể từ đầu năm 2023. Trong đó, sản lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng đạt 243.344 tấn, tăng 19,1% so với cùng kỳ và tăng 1,6% so với tháng liền trước.

Năm 2023, Hòa Phát dự kiến đạt 150.000 tỷ đồng doanh thu và 8.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 5% về doanh thu và giảm 5,5% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2022.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2024 - 2025 của Hòa Phát sẽ tiếp tục phục hồi nhờ thị trường bất động sản cải thiện và Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công. HSC kỳ vọng, giá bán các sản phẩm thép sẽ tăng khoảng 2 - 3%/năm; tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2024 có thể tăng mạnh lên 15,3% nhờ hiệu suất hoạt động của các nhà máy gia tăng và chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm.

Với Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG), Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, Thép Nam Kim sẽ gặp khó khăn trong trung hạn khi nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu phục hồi chậm, giá thép cuộn cán nóng đang trên đà giảm... Mặc dù vậy, VDSC dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Thép Nam Kim có thể đạt 246 tỷ đồng, thoát khỏi tình trạng thua lỗ năm 2022.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), Công ty Chứng khoán Mirae Asset thông tin, Hoa Sen đã bán hết lượng hàng tồn kho giá cao và không còn rủi ro trích lập dự phòng. Mirae Asset dự phóng, Hoa Sen sẽ hoàn nhập 185 tỷ đồng dự phòng hàng tồn kho trong nửa cuối năm 2023; doanh thu niên độ tài chính 2023 - 2024 (năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9) đạt lần lượt 34.756 tỷ đồng và 40.233 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 246 tỷ đồng và 1.070 tỷ đồng tăng 335%.

Ngày 29/6//2023, Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) tổ chức đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng (riêng xuất khẩu là 1,5 triệu USD), tương đương năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 153 tỷ đồng).

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu thép từ đầu năm 2023 đến nay có diễn biến khả quan, một số mã tăng giá mạnh như HPG, HSG, NKG, DTL. Hiện tại, cổ phiếu thép vẫn được một số công ty chứng khoán xếp vào nhóm đầu tư có triển vọng trong nửa cuối năm 2023.

Tin bài liên quan