Bên cạnh thị trường xuất khẩu, nhu cầu thép trong nước được dự báo sẽ dần cải thiện.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, nhu cầu thép trong nước được dự báo sẽ dần cải thiện.

Cổ phiếu thép trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn khi giá bán giảm, nhưng nhu cầu tiêu thụ có tín hiệu tích cực trở lại, giúp cổ phiếu nhóm ngành này tăng giá mạnh so với thị trường chung.

Kỳ vọng phục hồi

Nhu cầu thép trên thế giới gần đây có dấu hiệu hồi phục, dù mức tăng còn chậm. Hiệp hội Thép thế giới dự báo, nhu cầu thép toàn cầu năm 2023 có thể đạt 1,82 tỷ tấn, sau khi giảm 3,2% trong năm 2022, xuống 1,78 tỷ tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng tiêu thụ thép thành phẩm là 12,481 triệu tấn, giảm 17,5%, trong đó xuất khẩu 3,881 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thép có diễn biến giảm liên tục kể từ giữa tháng 3/2023, nhưng đến giữa tháng 6 đã xuất hiện nhịp hồi phục.

Về giá thép, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNsteel, mã chứng khoán TVN) thông tin, giá thép thế giới có diễn biến tăng từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 3, sau đó liên tục giảm, đến giữa tháng 6 mới có một nhịp hồi phục. Tính chung nửa đầu năm nay, giá bình quân các mặt hàng trên thị trường thép giảm từ 13,9 - 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp có 19 đợt điều chỉnh giá bán thép xây dựng, gồm 6 đợt điều chỉnh tăng trong quý I và 13 đợt điều chỉnh giảm trong quý II.

Tín hiệu tích cực là sản lượng tiêu thụ thép gia tăng trong tháng 5 và 6/2023. Toàn hệ thống VNsteel ghi nhận sản lượng bán hàng trong tháng 6 là 233.000 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ, nhưng tăng 5% so với tháng 5 và là tháng có sản lượng bán hàng cao nhất kể từ đầu năm nay. Trong đó, thép xây dựng trong tháng 6 bán được hơn 176.900 tấn, giảm 27% so với cùng kỳ, nhưng tăng 8% so với tháng liền trước.

Mặc dù vậy, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm các loại của VNsteel trong quý II/2023 giảm 1% so với quý I, với 655.600 tấn thép thành phẩm các loại, còn so với cùng kỳ thì mức giảm là 19%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty cung cấp ra thị trường hơn 1,31 triệu tấn thép thành phẩm các loại, giảm 29% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng là 999.000 tấn, thép cuộn cán nguội 203.100 tấn, tôn mạ 115.800 tấn.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát, mã chứng khoán HPG), tổng sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 6/2023 đạt 634.762 tấn, tăng 2,5% so với tháng 5 và chỉ giảm 1% so với cùng kỳ.

Ngành thép nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kết quả kinh doanh quý II/2023 cũng như cả năm của một số doanh nghiệp được dự báo sẽ khả quan hơn trước.

Chẳng hạn, Công ty cổ phép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) được Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự phóng sẽ đạt lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng trong quý II/2023, tăng gần 10% so với quý I, nhờ sản lượng bán hàng phục hồi (tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5).

Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) nhận định, năm 2023, thị trường tôn mạ trong nước gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh gay gắt của các đơn vị sản xuất, một số nhà máy mới đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất đã ra sản phẩm với giá cả và chất lượng cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, Công ty sẽ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trực tiếp đến các xưởng, đại lý nhằm tăng doanh thu. Mục tiêu kinh doanh năm 2023 của Đại Thiên Lộc là đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng (trong đó, doanh thu từ xuất khẩu là 1,5 triệu USD), tương đương năm 2022; lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 152,3 tỷ đồng).

Thị trường xuất khẩu chính của Đại Thiên Lộc là châu Á (Lào, Campuchia, Indonesia), tiếp theo là châu Phi. Năm ngoái, Công ty không thể xuất khẩu vào thị trường Bangladesh và Ấn Độ, vì giá không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giá cổ phiếu thép bật tăng

Sau khi giảm sâu trong năm 2022, giá nhiều cổ phiếu nhóm ngành thép có diễn biến đi ngang trong 5 tháng đầu năm 2023 và bật tăng kể từ đầu tháng 6 đến nay, nhất là các mã HPG, HSG, NKG, TVN.

Nhà đầu tư Hoàng Anh (TP.HCM) chia sẻ, anh bắt đáy cổ phiếu HPG hồi quý IV năm ngoái, kiên định nắm giữ khi giá tiếp tục giảm và chờ đợi giá tăng trở lại cho đến nay, hiện đạt mức lãi khoảng 30%, nhờ đặt niềm tin vào những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bền vững trong dài hạn.

Theo Công ty Chứng khoán Dầu khí, ngành thép đang có chuyển biến tích cực, trong đó Hòa Phát sẽ mở lại lò cao cuối cùng trong quý III/2023, tiếp tục cải thiện công suất thép. Trước đó, 3 lò cao lần lượt được vận hành từ tháng 1, tháng 4 và tháng 6/2023.

Quý II/2023, Hòa Phát đạt doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21%; lợi nhuận sau thuế 1.448 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước, nhưng gấp 3,78 lần so với quý I/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch năm nay của Công ty là đạt doanh thu 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng.

Tình hình xuất khẩu của Hòa Phát hiện có dấu hiệu khả quan, khối lượng xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) tăng mạnh và đón nhận các đơn đặt hàng HRC từ EU cho tới tháng 9/2023. Biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng tiếp tục cải thiện khi giá bán thép xây dựng và HRC của Hòa Phát có mức giảm ít hơn nhiều so với mức giảm của giá quặng sắt và than cốc (nguyên liệu đầu vào). Cụ thể, giá bán thép xây dựng hiện có mức giảm khoảng 10%, giá bán HRC giảm khoảng 12%, nhưng giá quặng sắt giảm trên 20%, giá than cốc giảm 36% so với giữa tháng 3/2023.

Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ thép chưa phục hồi rõ ràng nên Hòa Phát có chiến lược sản xuất linh hoạt hai mặt hàng thép xây dựng và HRC trong nửa cuối năm nay.

Với Đại Thiên Lộc, thị trường xuất khẩu tiềm năng là Mỹ và châu Âu, chủ yếu yêu cầu hàng kẽm chất lượng cao, mặt hàng mà Công ty chưa có thiết bị để sản xuất. Trong năm 2023, Công ty sẽ nghiên cứu sản xuất dây chuyền mạ lạnh 1 để sản xuất tôn mạ kẽm có độ dày đến 2,5mm, độ mạ kẽm Z270-Z300 nhằm xuất khẩu.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, nhu cầu thép trong nước được dự báo sẽ dần cải thiện, với động lực tăng trưởng là đầu tư công. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thị trường thép vẫn còn thiếu động lực tiêu thụ trong trung và dài hạn.

Nói như ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Pomina, các chính sách của Chính phủ cần có thời gian để ngấm vào nền kinh tế. Thị trường bất động sản hồi phục cũng là lúc ngành thép thực sự trở lại. Ông Thái kỳ vọng, thị trường thép sẽ hồi phục rõ nét kể từ tháng 6/2024.

Tin bài liên quan