Cổ phiếu thép nối dài chuỗi u ám

Cổ phiếu thép nối dài chuỗi u ám

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hưởng lợi từ giá thép thế giới phi mã, cổ phiếu ngành thép đã liên tục tăng nóng trong một thời gian dài với những phiên giao dịch bùng nổ. Tuy nhiên, đến nay, các mã này đã đồng loạt lao dốc mạnh.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 21,02 điểm, tương đương 1,43%, xuống 1.452,35 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12% lên 174.587 tỷ đồng, khối lượng tăng 10,5% lên 5.871 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 12,34 điểm, tương đương 2,79%, lên 453,97 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,4% lên 24.818 tỷ đồng, khối lượng tăng 16,3% lên 982 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu thép “đỏ lửa”

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 12/11 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 19/11 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

VCA

HOSE

18.200

17.600

-3,30

POM

HOSE

16.850

15.200

-9,79

TIS

UPCoM

15.300

13.700

-10,46

HPG

HOSE

54.600

48.000

-12,09

TVN

UPCoM

19.700

17.100

-13,20

TLH

HOSE

22.750

19.600

-13,85

NKG

HOSE

49.850

42.000

-15,75

HSG

HOSE

44.700

37.500

-16,11

SMC

HOSE

50.300

42.000

-16,50

Tuần qua là một tuần giao dịch mang nhiều cảm xúc tiêu cực và hoảng loạn cho nhà đầu tư cổ thép, khi chứng kiến tình trạng nhóm này đã đỏ lửa cả tuần dù thị trường có diễn biến tích cực.

SMC của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC là cổ phiếu thép giảm mạnh nhất với mức giảm 16,50%, qua đó kéo giá cổ phiếu từ 50.300 đồng/CP xuống chỉ còn 42.000 đồng/CP. Không chỉ trong tuần qua, SMC đã lao dốc kể từ đầu tháng 11, đến nay, cổ phiếu giảm sâu gần 28%. SMC chỉ ghi nhận 2 phiên tăng duy nhất trong tháng vào ngày 4/11 và 12/11, còn lại là chìm trong sắc đỏ.

Mã HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng có diễn biến tương tự với mức giảm 16,11%. HSG giảm điểm suốt cả tuần và chốt giá 37.500 đồng/CP vào phiên ngày 18/11. Từ mức đỉnh 49.850 đồng/CP vào ngày 18/10, đến nay, HSG đã giảm tương đương 25%.

Không tránh khỏi tình trạng chung, mã NKG của CTCP Thép Nam Kim đã bốc hơi 15,75% từ 49.850 đồng/CP xuống 42.000 đồng/CP. Tuy nhiên, kể từ vùng đỉnh 56.000 đồng/CP vào gần cuối tháng 10, NKG cũng giảm tới 25%, tương đương với đà lao dốc của HSG.

Tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ra mạnh cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Giới đầu tư không khỏi hốt hoảng khi chứng kiến mã này liên tục lao từ vùng đỉnh 58.000 đồng/CP vào cuối tháng 10 xuống mức 48.000 đồng/CP (chốt phiên ngày 19/11), tương đương giảm 20,8%. Riêng tuần qua, HPG giảm 12,09%.

Tiếp nối đà giảm chung của các cổ phiếu thép, TLH của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên bay hơi 13,85%; TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam giảm 13,20%; TIS của CTCP Gang thép Thái Nguyên cũng giảm 10,46%,…

Giá thép có dấu hiệu hạ nhiệt

Sau giai đoạn tăng phi mã do sự gián đoạn nguồn cung cũng như nhu cầu tiêu thụ, giá thép toàn cầu đã quay đầu giảm.

Ở Mỹ, giá thép HRC tăng mạnh từ năm ngoái đến đỉnh hồi cuối tháng 8 và bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ đến nay. Giá đóng cửa ngày 19/11 là 1.490 USD/tấn, giảm 45,6 USD/tấn hay giảm 2,97% so với mức giá cuối tháng 9 là 1.535,67 USD/tấn.

Ở Bắc và Tây Âu, giá thép HRC ổn định trong tháng 10, đầu tháng 11 giá thép tăng từ 1.122 USD/tấn lên 1.182 USD/tấn và từ giữa tháng 11 đi xuống, giá ngày 18/11 là 1.083 USD/tấn. Giá mới nhất giảm 3,3% so với giữa tháng 10.

Trong khi đó, tại Trung Quốc – công xưởng sản xuất 50% lượng thép thế giới, giá thép HRC đã giảm khoảng 20%.

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, giai đoạn gần đây, giá thép trên thị trường quốc tế đang sụt giảm mạnh. Đơn cử như giá của một hợp đồng tương lai thép cán nóng đã giảm gần 20% so với cùng thời điểm giữa tháng 10.

Ông Khoa cho rằng, nguyên nhân dẫn đến giá thép giảm chủ yếu do tình trạng mất cân đối cung cầu, thứ vốn làm giá thép tăng mạnh trước đó đã quay về mức cân bằng.

Riêng tại thị trường Trung Quốc, S&P Global Platts nhận định giá thép Trung Quốc giảm do nhu cầu thép giảm mạnh hơn đà giảm của sản lượng, nhất là nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng và Trung Quốc cũng sắp bước vào giai đoạn thấp điểm vì thời tiết giá lạnh. Đặc biệt, thị trường bất động sản Trung Quốc cũng đang chững lại trước cú sốc “Evergrande” cùng với những biện pháp siết chặt từ Chính phủ.

Tuy nhiên, biện pháp này cần có lộ trình và kế hoạch cụ thể, khiến các thành viên thị trường lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất khẩu thép ra bên ngoài và giá thép thế giới có thể giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới.

Cổ phiếu thép vẫn được kỳ vọng trong dài hạn

Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu thép sẽ tăng 4,5% trong năm 2021 và đạt 1.855,4 triệu tấn sau khi tăng trưởng 0,1% vào năm 2020.

Năm 2022, Worldsteel kỳ vọng vào tiến độ của việc tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới, sự lây lan của các biến thể virus Covid sẽ ít tổn hại và gián đoạn hơn so với các đợt trước. Điều này sẽ giúp nhu cầu thép tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn vào năm 2022.

Công ty Chứng khoán KIS đánh giá, mặc dù giá thép toàn cầu đang có xu hướng giảm, các công ty nghiêng về xuất khẩu vẫn có thể tăng doanh thu bằng cách xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU nhờ vào việc cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc. Việc cắt giảm được kỳ vọng ở mức đáng kể trong quý IV do mục tiêu môi trường của chính phủ Trung Quốc.

Chứng khoán VCBS đồng quan điểm khi cho rằng có nhiều yếu tố tác động tích cực đến ngành thép như Trung Quốc giảm dần sản lượng xuất khẩu, gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép và mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh thâm nhập vào thị trường này.

Do đó, các nhà máy sản xuất thép Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để mở rộng doanh số tại các thị trường Hoa Kỳ và EU khi các nước này đang phục hồi mạnh mẽ.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 10 tháng năm 2021, sản xuất và bán hàng thép thành phẩm các loại tăng trưởng lần lượt đạt 22,9% và 21,8%. Sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 27,7 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt gần 24,6 triệu tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 6,4 triệu tấn, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, KIS kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường nội địa sau khi chính sách giãn cách được nới lỏng và được hỗ trợ bởi mùa cao điểm xây dựng và gia tăng chi tiêu công. Vậy nên, nhiều khu vực xây dựng sẽ hoạt động trở lại sau giãn cách có thể góp phần vào bùng nổ nhu cầu trong quý IV.

Nhìn một cách tích cực, tình trạng u ám thời gian qua của cổ phiếu thép có thể chỉ là diễn biến bình thường trên thị trường, khi dòng tiền tạm thời rời thép và tìm đến các nhóm ngành nóng khác như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ,…

Còn về dài hạn, cổ phiếu ngành thép vẫn được giới đầu tư tin rằng sẽ còn tăng trưởng mạnh, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế cùng với gói hỗ trợ 800.000 tỷ đồng được Quốc hội chính thức thông qua và triển khai.

Tin bài liên quan