Cổ phiếu thép, hy vọng từ cuối quý III

Cổ phiếu thép, hy vọng từ cuối quý III

(ĐTCK-online) Ngành thép hiện đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Thách thức đến từ nhiều phía như giá cả, cạnh tranh, nhu cầu và chính sách.

Khó khăn về nhu cầu

Nhu cầu thép hiện đang giảm. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau khi tăng 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I, nhu cầu thép đã giảm trong quý II/2011. Trong tháng 5, mức tiêu thụ thép đã giảm 11,4% so với tháng 4 và xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Khi mùa mưa là mùa thấp điểm trong ngành xây dựng đang tới gần, nhu cầu  thép xây dựng còn thấp hơn. Thị trường bất động sản hiện cũng đang trong tình trạng ảm đạm do thừa về nguồn cung và áp lực từ chính sách. Điều này có ảnh hưởng xấu đến nhu cầu thép trong nước. Một yếu tố nữa cũng có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới nhu cầu thép là quyết định cắt giảm đầu tư công của Chính phủ.

Lịch sử giá cho thấy có một sự tương quan giữa giá thép thế giới và giá thép trong nước. Giá thép thanh tại châu Á đi lên trong quý IV/2010, lập đỉnh trong quý I/2011 và đi ngang cho tới thời điểm này. Chúng tôi dự đoán giá thép thế giới sẽ không lập thêm đỉnh mới trong bối cảnh lượng cung thép khá lớn ở Trung Quốc, giá quặng sắt giảm và nhu cầu dự đoán sẽ không có nhiều biến chuyển trong thời gian tới.

Sau khi tăng trong năm ngoái, giá thép trong nước đi ngang trong quý II năm nay. Mặc dù nhu cầu thấp, nhưng giá thép cũng không thể giảm nhiều do giá vốn cao, nguời bán không muốn chịu lỗ.

 Cổ phiếu thép, hy vọng từ cuối quý III ảnh 2

Giá vốn cao do giá đầu vào tăng

Phần lớn các đơn vị sản xuất thép hiện nay không phải là các công ty thép có khả năng luyện thép từ quặng. Thay vì đó, các công ty Việt Nam thường sử dụng các nguyên liệu đầu vào là thép bán thành phẩm như phôi thép, thép phế và cán chúng ra thành các sản phẩm thép. Một phần lớn lượng phôi thép được nhập khẩu, vì vậy, giá vốn của các công ty thép lên xuống cùng với giá phôi thép thế giới. Giá phôi thép châu Á hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 24 tháng trở lại đây. Các công ty nhập khẩu được phôi thép giá rẻ trước năm 2011 hiện đã hết hàng giá vốn thấp, bởi hàng thường được bán hết trong vòng 3 tháng và nhu cầu thép trong quý I rất cao. Vì vậy, hiện nay, phần lớn công ty thép đang phải chịu mặt bằng giá vốn cao so với trước và sẽ ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận nếu giá thép giảm.

 Cổ phiếu thép, hy vọng từ cuối quý III ảnh 3

Chí phí tài chính cao

Do yếu tố ngành, các công ty thép phụ thuộc nhiều vào vốn vay (tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của ngành vào khoảng 1,12). Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cao như hiện nay, các DN đang chịu thêm các áp lực về chi phí tài chính. Các báo cáo tài chính quý I của một số công ty thép cho thấy tỷ lệ chi phí tài chính khá cao.

Khi 40% lượng phôi thép phải nhập khẩu, các công ty thép sẽ phải đối mặt với rủi ro về tiền tệ. Tuy các nỗ lực vừa qua của NHNN đã phần nào bình ổn nguồn cung USD, nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn trên thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm.

 

Khó khăn về chính sách

Có hai chính sách vừa được ban hành có thể gây ra những tác động tiêu cực đến ngành thép:

Thứ nhất, dự trữ lưu thông bắt buộc với thép: Bộ Công thương vừa đưa ra dự thảo (1) đặt mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến là 10% lượng thép và 3 - 5% lượng phôi thép mà thương nhân nhập khẩu năm trước và (2) giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%, giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra. Theo VSA, điều này sẽ làm DN thép chịu thêm chi phí tồn kho một cách không cần thiết đối với một mặt hàng không thực sự khan hiếm như thép. Hơn nữa, việc bán giá thấp hơn giá thị trường 10% sẽ làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty thép và làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty này đối với các công ty khác trong khu vực.

Thứ hai, đặt thuế xuất khẩu lên thép và phôi thép: Bộ Tài chính đã công bố mức thuế xuất khẩu 3% đối với phôi thép và các sản phẩm thép. Trong bối cảnh thị trường thép trong nước ảm đạm, xuất khẩu là một lối giải thoát cho các công ty thép trong nước. Trong năm 2010, tổng giá trị thép xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD. Việc tăng thuế xuất khẩu thép sẽ hạn chế việc tiếp cận lối thoát này.

 

Kết luận

Có vẻ như khó khăn đang chồng chất đối với ngành thép từ nhiều phía: nhu cầu, giá vốn, lãi suất cao và chính sách. Chúng tôi cho rằng, tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất cho tới hết quý III/2011. Sau thời điểm này, bức tranh ngành thép có thể tươi sáng trở lại nếu tình trạng lãi suất, thị trường bất động sản được cải thiện. Như vậy, các nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào cổ phiếu thép từ cuối quý III năm nay.