Cổ phiếu thép được nung nóng

Cổ phiếu thép được nung nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá bán thép và giá thành sản xuất thép đang trong xu hướng tăng trở lại có thể giúp doanh nghiệp thép Việt Nam kéo dài thêm một năm hưởng lợi. Do đó, nhóm cổ phiếu thép cũng được dịp nung nóng.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 6,44 điểm, tương đương 0,43%, lên 1.505,33 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE hơn 836 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 4,89% so với tuần trước

Chỉ số HNX-Index tăng 10,42 điểm, tương đương 2,37%, lên 450,59 điểm. Khối lượng khớp lệnh trên HNX đạt trung bình gần 115 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 1,89%.

Bên cạnh nhóm dầu khí và than, cổ phiếu thép có một tuần giao dịch vô cùng sôi động sau khoảng thời gian im hơi lặng tiếng.

Cổ phiếu thép lại nóng

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 25/2 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 4/3 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

DTL

HOSE

44.700

58.400

30,65

NKG

HOSE

41.300

48.750

18,04

HSG

HOSE

35.850

40.800

13,81

VGS

HNX

35.500

39.900

12,39

TVN

UPCoM

15.100

16.800

11,26

TLH

HOSE

18.750

20.850

11,20

POM

HOSE

14.000

15.300

9,29

HPG

HOSE

45.900

49.800

8,50

VIS

HOSE

16.200

17.450

7,72

Cổ phiếu DTL của CTCP Đại Thiên Lộc là cổ phiếu thép nóng nhất tuần qua nếu xét về mức độ tăng giá. Trong phiên đầu tuần, DTL đứng tại mốc tham chiếu 44.700 đồng/CP để lấy đà bật tăng trần 4 phiên sau đó, giúp cổ phiếu leo 30,65% lên 58.400 đồng/CP. Tuy nhiên, thanh khoản của DTL vẫn nhỏ giọt, chỉ cải thiện nhẹ so với tuần trước với trung bình đạt 3.440 đơn vị/phiên.

Bộ đôi NKG và HSG có diễn biến tương đồng suốt cả tuần giao dịch, qua đó, hai mã này lần lượt tăng 18,04% và 13,81%. Phiên thứ hai đầu tuần, NKG và HSG cùng tăng kịch trần và duy trì đà tăng tích cực trong 3 phiên tiếp theo. Chỉ đến phiên thứ sáu, một vài yếu tố kém tích cực đã lấy đi 2,11% của NKG và 3,09% của HSG.

Nối tiếp đà tăng là mã VGS của Ống thép Việt Đức VG PIPE. VGS đã tăng từ 35.500 đồng/CP lên 39.900 đồng/CP, tương đương 12,39% trong tuần. Ngày 3/3, thanh khoản của VGS đạt hơn 1,22 triệu đơn vị, đánh dấu phiên giao dịch sôi động nhất kể từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, “anh cả” ngành thép - HPG cũng tăng 8,50% và đóng cửa tuần với mức giá 49.800 đồng/CP. Đặc biệt, phiên ngày 3/3 đã mang lại niềm hứng khởi cho cổ đông HPG, sau khoảng 4 tháng (từ tháng 11/2021), HPG mới quay lại vùng giá 50.000 đồng/CP. Đáng chú ý, thanh khoản cổ phiếu cũng lập kỷ lục với hơn 76,2 triệu đơn vị được khớp lệnh, cao nhất từ khi niêm yết đến nay.

Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu thuộc ngành thép cũng có tuần giao dịch rực rỡ như: TVN tăng 11,26% ; TLH tăng 11,20%; POM cũng tăng 9,29% hay VIS tăng 7,72%,…

Giá thép tiếp tục leo thang

Ở quốc tế, giá quặng sắt tương lai trên sàn giao dịch Đại Liên (DCE) và Singapore (SGX) đã tăng mạnh vào phiên ngày 3/3, nhờ kỳ vọng nhu cầu nguyên liệu sắt thép ở Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại, sau khi các báo cáo về khả năng nới lỏng hạn chế Covid-19 ở nước này được phát hành.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2022 trên sàn DCE đã kết thúc phiên giao dịch trong ngày ở mức 126,27 USD/tấn, cao hơn 6,8% so với đầu phiên và đã tăng 9,7% lên mức cao nhất kể từ ngày 11/2. Đồng thời, giá quặng sắt SZ FJ2 giao tháng 4/2022 trên sàn SGX tăng 7% ở mức 159,55 USD/tấn, trước đó, mức cao nhất trong ngày của hợp đồng là 162,40 USD/tấn.

Ở Việt Nam, giá thép cả nước cũng tăng mạnh. Vào ngày 5/3, Thép Việt Đức công bố tăng giá sản phẩm phù hợp với chi tiêu đầu vào do giá phôi thép và giá nguyên vật liệu tăng. Vậy nên, Công ty sẽ điều chỉnh tăng giá bán hàng thép cây và cuộn các chủng loại VGS tăng 400 đồng/kg tại thị trường Miền Bắc và Miền Trung.

Cùng ngày, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên cũng quyết định tăng giá bán sản phẩm so với giá hiện tại với thép cây là 400.000 đồng/tấn và thép cuộn xây dựng 400.000 đồng/tấn(chưa bao gồm VAT) trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, ngày 6/3, ở miền Bắc, thép Hòa Phát vượt ngưỡng 17.000 đồng/kg khi thép cuộn CB240 có giá 17.020 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giá 17.120 đồng/kg. Thép Việt Ý cũng tăng với thép cuộn CB240 tăng thêm 310 đồng lên 16.970 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 250 đồng lên mức 17.070 đồng/kg.

Ở miền Trung, thép Hòa Phát điều chỉnh giá bán cao nhất trong 30 ngày qua với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đồng loạt tăng 300 đồng lên 17.070 đồng/kg và 17.220 đồng/kg. Thép CB240 Việt Đức tăng lên 17.100 đồng/kg và thép D10 CB300 chạm ngưỡng 17.410 đồng/kg.

Ở miền Nam, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát lên mức 17.020 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 là 17.120 đồng/kg.

Doanh nghiệp thép hưởng lợi

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VCBS đánh giá, ngành thép trong 2 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực. Giá thép từ thời điểm cuối năm 2021 đến tháng 2/2022 đã quay trở lại ở mức cao như trước, đặc biệt là tại khu vực châu Âu. Ngoài ra, tiêu thụ thép trong nước và xuất khẩu thép ra nước ngoài tiếp tục duy trì tình hình khả quan, nhất là tại thị trường xuất khẩu.

VCBS cho rằng, xung đột vũ trang giữa Ukraine và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép. Do Nga là nước xuất khẩu thép lớn, đặc biệt tại thị trường châu Âu (chiếm 15% thị trường xuất khẩu vào EU, cùng với hai nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).

Do đó, khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga, nguồn cung sẽ thiếu hụt mạnh, trong khi nhu cầu thép vẫn đang phục hồi nhanh trong năm 2022 sau đại dịch Covid-19.

“Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất xuất khẩu thép từ các thị trường khác, tiêu biểu như NKG, HSG với tăng trưởng doanh thu năm 2021 chủ yếu đến từ xuất khẩu sang thị trường EU”, chuyên gia phân tích VCBS đánh giá.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cũng cho biết: “Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Việc thiếu hụt nguồn cung thép trên thế giới sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp thép được hưởng lợi”.

Bên cạnh đó, giá bán thép và giá thành sản xuất thép sẽ tăng do giá các mặt hàng năng lượng tăng cao, Nga cũng là nước xuất khẩu các mặt hàng năng lượng quan trọng trên thế giới. Có thể thấy giá dầu khí, giá khí và giá than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021, điều này khiến cho giá thành sản xuất thép tăng trở lại.

Nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu sẽ bị thiếu hụt. Việc giá thép quay trở lại sẽ giúp các nước có chi phí sản xuất thép thấp như Việt Nam được hưởng lợi, tiêu biểu là các doanh nghiệp NKG, HSG và HPG.

Do đó, VCBS đánh giá cao khả năng các doanh nghiệp NKG, HSG và HPG có thể tiếp tục duy trì được quy mô doanh nghiệp và lợi nhuận sau năm 2022 dựa trên việc giá thép đang quay trở lại với nguyên nhân chính đến từ xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý, hiện EU vẫn đang áp thuế nhập khẩu thép dựa trên hạn ngạch xuất khẩu, cho nên tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ không còn cao như 2021.

Tin bài liên quan