Kết quả quý II sẽ “thê thảm”?
Tại Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ngày 24/5/2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG nêu lý do đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm so với năm ngoái, dù quý I lãi cao: “Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV đi rồi sẽ thấy. Lúc này, ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa là có kết quả kinh doanh quý II/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.
Ngay lập tức, cổ phiếu ngành thép trên sàn chứng khoán có phiên giao dịch “đỏ lửa”, thậm chí mã HPG, HSG, NKG có thời điểm “đo” sàn. Kết phiên ngày 24/5, mã TLH giảm 4,2%, HSG giảm 4,5%, HPG và SMC cùng giảm 5%, NKG giảm 5,5%. So với đầu tháng 5, mức giảm giá của HPG là 19%, NKG và TLH là 24%, HSG là 29%.
Ông Long cho biết, ngành thép đang xấu vì 2 nguyên nhân. Thứ nhất, cuộc chiến Nga - Ukraine dẫn tới giá nguyên liệu tăng sốc, đơn cử giá than luyện cốc (dùng để luyện thép) tăng 100 - 200 USD/tấn. Thứ hai, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc (nước chiếm khoảng 60% nhu cầu thép thế giới) khiến nhu cầu thép tại nước này sụt giảm, trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn của HPG.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong tháng 4/2022, sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng giảm so với tháng 3 cũng như cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,962 triệu tấn, giảm 11,28% so với tháng 3 và giảm 1,1% so với cùng kỳ; bán hàng thép các loại đạt 2,419 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng 3 và giảm 15,6% so với cùng kỳ.
Theo VSA, từ cuối tháng 3/2022, giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên các sàn giao dịch quốc tế xu hướng đi xuống, khiến giá thép giảm theo. Bên cạnh đó, các nhà phân phối tìm cách giảm lượng hàng tồn kho nên lượng hàng xuất xưởng của các nhà máy suy giảm.
Về giá thép, theo Trading Economics, giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 23/5 là 4.796 nhân dân tệ/tấn (716 USD/tấn), mức thấp nhất kể từ ngày 28/2. Về giá giao ngay, thép thanh vằn, thép không gỉ, thép cuộn cán nguội đều giảm mạnh, lần lượt còn 4.767 nhân dân tệ/tấn (712 USD/tấn), 17.823 nhân dân tệ/tấn (2.662 USD/tấn), 5.430 nhân dân tệ/tấn (811 USD/tấn).
Ở trong nước, từ ngày 17/5/2022, giá thép xây dựng được nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm lần thứ hai trong vòng 1 tuần (sau 7 lần tăng trước đó kể từ đầu năm).
Cụ thể, thép HPG tại thị trường miền Bắc có giá như sau: thép cuộn CB240 giảm 800.000 đồng/tấn, xuống 17,83 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 giảm 460.000 đồng/tấn, xuống 18,28 triệu đồng/tấn. Tại thị trường miền Nam, giá hai loại thép trên giảm lần lượt 750.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn, xuống 17,93 triệu đồng/tấn và 18,28 triệu đồng/tấn.
Tương tự, với thép Việt Ý, giá CB240 giảm 570.000 đồng/tấn, giá D10 CB300 giảm 450.000 đồng/tấn, xuống lần lượt 17,98 triệu đồng/tấn và 18,23 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức tại khu vực miền Bắc giảm 760.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và giảm 510.000 đồng/tấn đối với D10 CB300, lần lượt còn 17,81 triệu đồng/tấn và 18,37 triệu đồng/tấn.
Khó khăn trong ngắn và trung hạn
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, ngành thép có thể đã bước qua giai đoạn thăng hoa nhất, khi giá thép bắt đầu hạ nhiệt và sản lượng sản xuất tại các khu vực dần tăng trở lại. Cụ thể, cuối năm 2021, Trung Quốc (nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới) giảm sản lượng, nhưng Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á... đồng loạt đẩy mạnh sản xuất thép.
Bức tranh kinh doanh ngành thép có vẻ vẫn tích cực, nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn.
Trong khi đó, các hoạt động đầu tư công trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc phần lớn mới chỉ là trên “giấy tờ” và thị trường bất động sản của nước đông dân nhất thế giới này đang bị kiểm soát chặt chẽ. Đây cũng là yếu tố tác động tiêu cực lên ngành thép trong ngắn và trung hạn.
Ông Hoàng cho biết, về mặt kinh doanh, sản lượng bán hàng của nhiều doanh nghiệp thép duy trì khá tốt nhờ các hợp đồng xuất khẩu kỳ hạn xa vẫn còn hiệu lực, giá nguyên vật liệu giảm nhanh hơn giá đầu ra có thể là tiền đề cho việc mở rộng biên lợi nhuận. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều có lượng hàng tồn kho rất lớn (đủ cho 2 - 3 tháng sản xuất).
Tính đến ngày 31/3/2022, HPG có hơn 40.223 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó, nguyên vật liệu chiếm một nửa (20.165 tỷ đồng); HSG có 11.800 tỷ đồng hàng tồn kho, riêng nguyên vật liệu là hơn 5.307,8 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, nguồn nguyên liệu có thể chủ động trong nước mới chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu của các nhà máy thép, phần lớn phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite. Bộ Công thương ước tính, trong năm 2022, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hơn 18 triệu tấn quặng sắt, 6 - 6,5 triệu tấn thép phế liệu, 6,5 triệu tấn than mỡ, 10.000 tấn điện cực graphite.
Ngoài ra, thép cuộn cán nóng - nguyên liệu đầu vào cần thiết để sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép... cũng phải nhập khẩu với số lượng lớn, khiến lợi nhuận của ngành thép biến động theo diễn biến giá.
“Mỗi biến động giảm mạnh của giá nguyên liệu có thể dẫn tới chi phí trích lập giảm giá hàng tồn kho, làm bào mòn lợi nhuận. Đây là điều mà các nhà đầu tư có thể chưa chú ý tới. Chính vì vậy, mặc dù bức tranh kinh doanh có vẻ tích cực, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro khá lớn”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Mới đây, Hiệp hội Thép châu Âu nhận định, tiêu thụ thép của EU có thể giảm 1,9%, thay vì tăng 3,2% như dự báo hồi tháng 2/2022. Nguyên nhân là do giá năng lượng cao, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và xung đột Nga - Ukraine có thể dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lâu bền sử dụng nhiều thép như ô tô, đồ điện gia dụng.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép từ các thị trường khác như NKG, HPG, với tăng trưởng doanh thu trong năm 2021 chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu sang EU, sẽ bị ảnh hưởng. Tính đến hết quý I/2022, EU vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp thép Việt Nam, với tỷ trọng 19,31% (chỉ sau ASEAN với tỷ trọng 40,57%).
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) có cái nhìn tích cực hơn khi đánh giá, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm thiếu hụt gần 40% thép dẹt, hơn 15% thép cuộn cán nóng cho thị trường EU và giúp các doanh nghiệp ngành thép có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
MASVN kỳ vọng, sau khi NKG hoàn tất mở rộng xưởng ở Bình Dương, dây chuyền tẩy và mạ sẽ được mở rộng công suất thêm 200.000 tấn, nâng tổng công suất của doanh nghiệp năm 2022 lên 1,3 triệu tấn. Trong bối cảnh nhu cầu xây lắp tăng trưởng trở lại, tổng sản lượng năm 2022 và 2023 của NKG có thể đạt lần lượt 1,27 triệu tấn (tăng 9,5%) và 1,4 triệu tấn (tăng 9%).
Với HPG, MASVN dự phóng, tổng sản lượng 2022 có thể đạt 9,614 triệu tấn (tăng 8,4% so với năm 2021), trong đó, sản lượng thép xây dựng đạt 4,249 triệu tấn (tăng 12%). Ngoài ra, HPG đang bắt đầu chi vốn cho Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2024.
Đánh giá về nhóm cổ phiếu thép giai đoạn hiện tại, ông Hoàng nhìn nhận, nhiều cổ phiếu đang có mức P/E thấp so với mức 2 năm trở lại đây, nhưng vẫn chưa đảm bảo an toàn khi đầu tư.
“Không thể loại trừ khả năng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép có thể đảo chiều nhanh. Biến động lợi nhuận của các doanh nghiệp tôn mạ trong nửa cuối năm 2018 là một ví dụ điển hình. Vì vậy, chiến lược đầu tư theo P/E thấp không phải là một lựa chọn an toàn với cổ phiếu ngành thép trong giai đoạn này”, ông Hoàng nói.