Dự kiến đà tăng của thị trường chứng khoán Hong Kong có thể kéo dài tới giữa năm nay
Vượt mặt các “đại gia” Mỹ
Cụ thể, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã vượt qua ba công ty hàng đầu của Mỹ là JPMorgan, Facebook và Chevron trên phương diện quy mô vốn hóa thị trường. CCB (ngân hàng lớn thứ hai Trung Quốc trên phương diện tài sản) đã ghi nhận lượng vốn hóa của mình tăng thêm 20% trong vòng một tháng qua, đạt 248 tỷ USD. Ngân hàng này hiện xếp thứ 15 trong danh sách những công ty lớn nhất của FTSE All World Index (chỉ số theo dõi trên 7.400 công ty tại 47 nền kinh tế trên thế giới) và xếp thứ ba trong nhóm các ngân hàng sau Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Wells Fargo của Mỹ.
Một ngân hàng khác của Trung Quốc là China Merchants Bank chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường của mình tăng mạnh trong ngày 13/4, lên 91 tỷ USD, vượt qua Barclays, Mitsubishi UFJ và Royal Bank of Canada.
Giá trị vốn hóa thị trường của nhà sản xuất game và dịch vụ trực tuyến Tencent (Trung Quốc) tăng 27% trong vòng một tháng. Theo Hãng tin Reuters, Tencent Holdings Ltd lần đầu tiên cán mốc vốn hóa thị trường 206 tỷ USD trong ngày 13/4, đưa công ty này vượt mặt các “đại gia” công nghệ nước Mỹ như Amazon.com Inc (178 tỷ USD), IBM Corp (161 tỷ USD), Oracle Corp (190 tỷ USD).
Hãng hàng không Air China hiện có lượng vốn hóa thị trường lớn hơn cả Singapore Airlines và Cathay Pacific cộng lại.
Giá trị vốn hóa thị trường của Citic Securities (hãng môi giới chứng khoán lớn của Trung Quốc) tăng 45% trong một tháng qua, lên 61 tỷ USD, cao hơn cả Blackstone và Credit Suisse của Mỹ.
Chứng khoán tăng mạnh, vì sao?
Thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh chủ yếu là nhờ hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc đại lục. Tính tới ngày 13/4, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã có 8 phiên tăng điểm liên tiếp và lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 điểm kể từ cuối năm 2007. Tổng lượng vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết trên sàn này lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD và con số này được dự báo sẽ còn tăng.
Bên cạnh đó, một bộ phận nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các cổ phiếu giá rẻ trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, chứ không chỉ đầu tư trên thị trường chứng khoán Shanghai (Thượng Hải) và Shenzhen (Thâm Quyến). Cơn sốt cổ phiếu khiến chỉ số tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite) tăng 89% trong 12 tháng qua và lan tỏa tác động đến sàn Hồng Kông. Khối lượng giao dịch mỗi ngày đã vượt thị trường chứng khoán Nhật Bản kể từ ngày 9/4.
Đáng chú ý, chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng các chính sách, cho phép công ty quản lý quỹ và các tổ chức đầu tư trong nước mua cổ phiếu trực tiếp ở Hồng Kông. Trước đó, các cơ quan chức năng hai bên đã cho phép chương trình “Kết nối cổ phiếu Thượng Hải - Hồng Kông” hoạt động từ tháng 11/2014. Các nhà đầu tư quốc tế được phép trao đổi một số cổ phiếu chọn lọc trên sàn chứng khoán Thượng Hải, đồng thời lần đầu tiên cho phép giới đầu tư Trung Quốc mua cổ phần bên ngoài đại lục.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tiền của giới đầu tư đại lục sẽ tiếp tục chảy vào Hồng Kông trong tương lai gần và dự kiến đà tăng của thị trường chứng khoán có thể kéo dài tới giữa năm nay.
Nhà phân tích Mandy Chan tại HSBC Asset Management nhận định: “Dòng tiền đầu tư sẽ tiếp tục chảy từ đại lục vào Hồng Kông. Chỉ còn vấn đề thời gian trước khi chúng ta chứng kiến cổ phiếu của nhiều công ty trên sàn chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh”.