Còn nhớ, khi VN-Index thiết lập đỉnh hơn 1.200 điểm, nhiều ý kiến nhận định thị trường đã tăng quá mức khi P/E trung bình của VN-Index lên tới hơn 18 lần. Một số cổ phiếu ở mức P/E cao chấp nhận được do có câu chuyện riêng về tăng trưởng trong những năm tới.
Khi VN-Index điều chỉnh giảm mạnh xuống dưới 900 điểm thì các cổ phiếu tăng trưởng này cũng giảm mạnh, dẫn đến định giá theo P/E cộng với kỳ vọng tăng trưởng lại càng hấp dẫn hơn. Đó chính là lý do khiến giá một số cổ phiếu tăng trưởng bật mạnh trở lại.
Trong phiên giao dịch đầu tuần này, một số cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh, thậm chí tăng trần, nối dài đà phục hồi giá như VJC, VNM, HPG. Nhóm ngân hàng có VPB, ACB, MBB, nhóm bất động sản - xây dựng có NLG, HBC, VPI, DXG thu hút dòng tiền mạnh mẽ.
Cổ phiếu VJC trên đà phục hồi cộng hưởng với thông tin Tổng giám đốc đăng ký mua vào 500.000 cổ phần đã tăng trần trong phiên giao dịch đầu tuần này, bất chấp lượng hàng giá rẻ phiên bắt đáy tuần trước đó về tài khoản. Năm 2018, VJC đặt kế hoạch doanh thu thuần là 50.970 tỷ đồng (tăng trưởng 20%) và lợi nhuận trước thuế là 5.806 tỷ đồng (tăng trưởng 9%).
Chính sách cổ tức năm 2017 gồm chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% mệnh giá và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% mệnh giá; kế hoạch chi trả cổ tức năm 2018 là 50% mệnh giá. Nhà đầu tư đánh giá cổ tức năm 2018 chia bằng cổ phiếu tiếp tục ở mức cao vì tiềm năng tăng trưởng của VJC.
Công ty Chứng khoán HSC dự báo, lợi nhuận sau thuế của VJC tăng trưởng 16% năm nay và vào thời điểm cuối tháng 5 ước giá trị hợp lý của cổ phiếu Vietjet là 215.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E dự phóng năm 2018 là 17,34 lần.
Công ty Chứng khoán SSI tiếp tục gửi các bản tin tư vấn đến khách hàng khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với định giá 72.000 đồng/cổ phiếu với lý do Hòa Phát đang nỗ lực tăng gấp đôi công suất vào năm 2019 và có kế hoạch triển khai giai đoạn 3 của Dự án Dung Quất ngay sau đó. Nhà đầu tư ngoại giao dịch khá sôi động cổ phiếu HPG trong đợt điều chỉnh vừa qua với những phiên mua ròng, bán ròng đan xen, tác động đến xu hướng giá cổ phiếu trong phiên.
Đối với CTCP Đầu tư Văn Phú (VPI), sự quan tâm của nhà đầu tư nhắm đến quỹ đất tiềm năng với giá hợp lý mà VPI đã tích lũy được trong các năm qua. Thực tế hiện nay, nếu mua lại dự án hoặc tham gia đấu giá thì lợi nhuận của chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở rất mỏng.
Chỉ có những doanh nghiệp có quỹ đất đầu tư từ giai đoạn trước với giá vốn thấp mới đạt tỷ suất lợi nhuận cao. VPI được đánh giá là doanh nghiệp tăng trưởng vì công ty này đang chuyển từ tích lũy sang giai đoạn phát triển dự án, hiện thực hóa chênh lệch giá đất trên sổ sách so với giá thị trường hiện nay.
Cũng trong nhóm ngành bất động sản, cổ phiếu NLG tăng trần phiên đầu tuần khi nguồn cung bất động sản giá thấp - mảng sở trường của Nam Long - trên thị trường đang cạn kiệt. NLG vừa công bố triển khai giai đoạn 1 rộng 165 ha của dự án Waterpoint quy mô 255 ha.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG, nếu triển khai thành công dự án này cùng bán dự án Akari, Mizuki thì kế hoạch kinh doanh của NLG trong 10 năm tới coi như đã xây dựng xong. Theo tính toán của giới phân tích, nếu NLG hợp tác với nhà đầu tư ngoại phát triển dự án này theo tỷ lệ góp vốn 50 - 50 như tiền lệ trước đó thì lợi nhuận năm 2018 hoàn toàn có thể vượt 20% so với kế hoạch đặt ra.
Nhìn sang sàn UPCoM, cổ phiếu MPC của “vua tôm” Minh Phú cũng đã phục hồi mạnh mẽ khi công ty này đang hoàn tất hồ sơ chuyển sàn sang HOSE. Với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, MPC cho biết đạt 330 tỷ đồng lợi nhuận trong 5 tháng đầu năm trên kế hoạch 990 tỷ đồng năm nay.
MPC sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 và phát hành riêng lẻ 600 tỷ đồng huy động vốn đầu tư khu phức hợp nuôi trồng chế biến tôm với mục tiêu tăng thị phần từ 6% hiện nay lên 25% thị phần thế giới trong các năm tới.