Động thái bán ròng của khối ngoại gần đây có đáng quan ngại? “Sóng” kết quả kinh doanh quý IV liệu có xảy ra như nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán.
Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không tác động lớn đến thị trường như dự báo, song trong dài hạn, thị trường sẽ chịu tác động như thế nào, theo ông?
Đúng là TTCK thế giới, bao gồm cả Việt Nam đã không phải ứng tiêu cực như nhiều dự báo trước đó. TTCK châu Á đã “đồng thuận” đỏ vào đúng ngày diễn ra bầu cử, nhưng đã xanh trở lại ngay ngày hôm sau, sau khi các chỉ số chính của TTCK Mỹ hiện màu xanh. Đó là những phản ứng về mặt tâm lý và mang tính dây chuyền. Tuy nhiên, về dài hạn, các chính sách của tân Tổng thống Mỹ sẽ tác động lớn đến kinh tế và TTCK toàn cầu.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Hiện nay, các chính sách liên quan đến kinh tế của ông Donald Trump được bàn luận nhiều nhất là về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khả năng nổ ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, giảm thuế cho doanh nghiệp Mỹ và kéo việc làm về cho người Mỹ. Những chính sách này không chỉ tác động trực tiếp đến kinh tế nhiều nước (ví dụ Mexico), mà cả gián tiếp thông qua các diễn biến về tiền tệ, tỷ giá…
Ông nhận định như thế nào về xu hướng dòng tiền từ nay đến cuối năm khi các nhà đầu tư nước ngoài đang có biểu hiện thu hẹp giao dịch?
Tôi chưa rõ khối ngoại có thu hẹp giao dịch hay không, tôi mới chỉ thấy rằng, khối ngoại đang bán ròng phiên thứ tư liên tiếp tính từ ngày 10/11 đến nay. Trước đó, trong ngày 8/11, khối ngoại mua ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HOSE. Ngoài ra, tôi cũng chỉ thấy có hiện tượng các quỹ ETF ngoại bán ròng, chứ chưa thấy hiện tượng này ở các quỹ ngoại lớn có văn phòng trong nước.
Tôi cho rằng, chính sách mới của Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới, nhưng có lẽ chưa ảnh hưởng nhiều trong hơn 1 tháng cuối năm nay. Điều quan trọng nhất đối với TTCK Việt Nam liên quan đến dòng vốn ngoại là các quỹ đầu tư đang có mặt ở Việt Nam sẽ hành động ra sao. Còn quá sớm để nói chuyện rút vốn ra, thậm chí tôi không cho là họ sẽ rút vốn ra.
Không ít nhóm ngành có những mã cổ phiếu tăng giá đột biến trong thời gian qua, trong đó có ROS. Ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng cũng như mức độ rủi ro của nhóm cổ phiếu này?
Đúng là có không ít cổ phiếu tăng giá đột biến kể từ sau thời điểm cuối quý III cho đến nay, bao gồm cả hiện tượng ROS hay những cổ phiếu đang chịu tác động bởi thông tin ngành như rượu bia, sắt thép, than đá hay cao su.
Đối với các cổ phiếu khác, có cả tiềm năng lẫn rủi ro đan xen. Tiềm năng thể hiện ở chỗ, khi những yếu tố đầu ra có khả năng tăng giá thì các công ty liên quan được kỳ vọng gia tăng doanh thu lẫn lợi nhuận. Rủi ro là có một số mã đã tăng giá nhanh và mạnh, vượt kỳ vọng về tài chính, tức là định giá trở nên cao. Đó là chưa kể đến yếu tố bền vững, ví dụ giá than tăng là nhất thời hay sẽ còn kéo dài?
Đối với nhóm ngành cao su hay than đá, có một điểm chung là trong các quý gần đây, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đều ở mức thấp, thậm chí có công ty thua lỗ do giá cao su và than suy giảm. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp cũng vì thế giảm mạnh. Do đó, khi hai loại nguyên nhiên liệu này tăng giá, nhất là khi ngành than có đặc thù là giá sản phẩm có sự kiểm soát của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, tôi cho rằng, triển vọng doanh nghiệp sẽ tốt hơn nhiều. Theo đó, tiềm năng giá của những cổ phiếu này cao hơn rủi ro, ngay cả khi có những đợt điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn.
Triển vọng kết quả kinh doanh quý IV và khả năng hoàn thành kế hoạch năm của các doanh nghiệp đang được thị trường quan tâm. Liệu có thể kỳ vọng về một đợt “sóng” trên thị trường trong thời gian tới hay không, theo ông?
Tôi nghĩ, còn sớm để trả lời câu hỏi này. Hiện nay, các công ty đã công bố xong báo cáo tài chính quý III, thị trường biết được công ty nào tăng trưởng đột biến (về doanh thu, lợi nhuận, hoặc cả hai). Tuy nhiên, phải chờ đến khi có báo cáo phân tích doanh nghiệp của các công ty chứng khoán, chúng ta mới biết doanh nghiệp nào tăng trưởng thực chất, doanh nghiệp nào tăng nóng qua các chiêu trò kế toán, hay tăng trưởng đi kèm rủi ro.
Đối với loại thứ nhất, TTCK sẽ tiếp tục có “sóng” kết quả kinh doanh, nhưng đa số những trường hợp này là các công ty tốt bền vững, ví dụ VNM, HPG. Những hiện tượng như VCS, CTD thì hiếm hơn rất nhiều.
Đối với loại thứ hai, tôi cho đó là một dạng rủi ro, sớm hay muộn cũng phải lộ ra, khi đó sẽ có sóng giá xuống.
Về việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2016, tôi cho rằng, đó chỉ là cái vỏ bề ngoài, nhất là khi lãnh đạo công ty niêm yết sử dụng cho mục đích riêng của họ. Có nhiều công ty đặt kế hoạch thấp để dễ vượt qua, không ít công ty cảm thấy không đạt được kế hoạch thì cuối năm hạ chỉ tiêu kế hoạch để đạt, như vậy đâu có thực chất.
Nhà đầu tư thay vì nhìn vào chỉ tiêu đạt bao nhiêu phần trăm kế hoạch, nên nhìn vào mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và nhìn chỉ số định giá. Nếu các chỉ báo P/E hay P/B (tùy nhóm ngành) còn thấp so với bình quân ngành, cộng với khả năng tăng trưởng EPS hay BV dương, thì mới hy vọng tiếp tục có “sóng” kết quả kinh doanh.