Cổ phiếu Snap giảm tới hơn 43% khiến tâm lý giới đầu tư bất an

Cổ phiếu Snap giảm tới hơn 43% khiến tâm lý giới đầu tư bất an

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq trên phố Wall đóng cửa trong sắc đỏ vào thứ Ba (24/5), do lo ngại rằng các động thái cứng rắn nhằm kiềm chế lạm phát của Fed và cảnh báo đáng lo ngại của Snap Inc.

Phần lớn gánh nặng tâm lý gây ra đối với thị trường là áp bán tháo tại Snap Inc, với cổ phiếu giảm tới hơn 43%, sau khi thông báo công ty có thể không đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong quý hiện tại và cảnh báo sự suy giảm trong tuyển dụng lao động.

Neil Wilson, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch trực tuyến Markets.com cho biết, Snap đã tạo ra một cú sốc. Công ty đã khiến thị trường hoảng sợ với một cảnh báo kinh tế vĩ mô làm ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ nhiều nhất, đồng thời chỉ ra những điều chỉnh về báo cáo thu nhập có thể kéo thị trường xuống thấp hơn nữa trong thời gian dài.

Các cổ phiếu truyền thông, mạng xã hội khác theo đó chịu ảnh hưởng và giảm sâu, với Meta Platforms (Facebook) Alphabet (Google), Twitter và Pinterest đã giảm từ 5% đến 24%, và kéo lĩnh vực Dịch vụ truyền thông của S&P 500 giảm 3,7%.

Mặt khác, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên trầm trọng hơn do xung đột tại Ukraine và các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc, khiến lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Fed đã tuyên bố sẽ tích cực giải quyết tình trạng tăng giá dai dẳng bằng cách tăng lãi suất từ cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất và dự kiến ​​vào thứ Tư tới, giới phân tích sẽ có trong tay biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở vừa qua để tìm manh mối về các hành động tiếp theo của Fed.

Tỷ phú quản lý quỹ đầu tư Bill Ackman cho biết, với lạm phát tăng vọt ngoài tầm kiểm soát, các đợt nâng lãi suất mạnh tay từ Fed là cách duy nhất để kiềm chế nó, và nhà đầu tư cuối cùng sẽ ủng hộ biện pháp này để đánh “sụp đổ nền kinh tế và phá hủy nhu cầu”.

Kết thúc phiên 24/5, chỉ số Dow Jones tăng 48,38 điểm (+0,15%), lên 31.928,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,27 điểm (-0,81%), xuống 3.941,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 270,83 điểm (-2,35%), xuống 11.264,45 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm với dữ liệu PMI trong tháng 5 làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế chậm lại và thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 60 toàn châu Âu giảm 1,1% xuống 431,76 điểm.

Dữ liệu PMI cho thấy tăng trưởng kinh doanh của khu vực đồng euro đã chậm lại trong tháng 5 và tình trạng thiếu nguyên liệu thô đã kìm hãm việc mở rộng sản xuất, làm tăng thêm những lo lắng về tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức vẫn trên đà tăng trưởng nhờ dịch vụ phục hồi, mặc dù triển vọng nhu cầu có vẻ ảm đạm trong bối cảnh lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao của Eurozone tại ING cho biết: “Những đám mây đang bao phủ phía trên nền kinh tế khu vực đồng euro. Và câu hỏi thực sự là ngành dịch vụ có thể tiếp tục thu lợi nhuận từ người tiêu dùng trong bao lâu nữa ... khi chúng ta cũng thấy rằng sức mua đang chịu áp lực cực lớn do lạm phát cao”.

Cho đến nay, chỉ số STOXX 600 hiện đã giảm hơn 12% so với mức cao nhất của năm nay vào đầu tháng Giêng. Những lo lắng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát gia tăng, xung đột Nga-Ukraine và Covid-19 ở Trung Quốc hạn chế nhu cầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều đè nặng lên các thị trường.

Kết thúc phiên 24/5: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 29,09 điểm (-0,39%), xuống 7.484,35 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 255,65 điểm (-1,80%), xuống 13.919,75 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 105,60 điểm (-1,66%), xuống 6.253,14 điểm.

Tin bài liên quan