Cổ phiếu SMC bị đưa vào diện kiểm soát từ 10/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 3/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) vào diện cảnh báo kể từ ngày 10/4.
SMC có hai năm thua lỗ liên tiếp.

SMC có hai năm thua lỗ liên tiếp.

HOSE cho biết nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Cùng ngày 3/4, HOSE có thêm quyết định đưa cổ phiếu SMC vào diện kiểm soát kể từ ngày 10/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất trong hai năm gần nhất (2022, 2023 của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định).

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu đạt 13.701 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 925,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, công ty thua lỗ 651 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2023 âm 693,2 tỷ đồng. Trong khi năm 2022 có lãi 137 triệu đồng.

Công ty cho biết, năm 2023, tình hình kinh doanh của Công ty tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi các biến động và rủi ro của tình hình kinh tế chính trị trong và ngoài nước. Kinh tế toàn cầu suy yếu, lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, và việc Fed liên tục nâng lãi suất gây áp lực lớn lên tình hình kinh tế xã hội, các hoạt động thương mại sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, và xuất nhập khẩu toàn cầu.

Thị trường thép Việt Nam năm 2023 trầm lắng, sụt giảm kéo dài cả về giá và lượng. Trong khi đó, thị trường bất động sản đóng băng kể từ giữa năm 2022 đến nay, tiến độ các dự án bất động sản bị ảnh hưởng do vấn đề thanh khoản, nguồn vốn và pháp lý của chủ đầu tư trong khi kênh tiêu thụ dân dụng cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung. Thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu khiến ngành thép nhìn chung kém tích cực.

Việc khó khăn và đình trệ của thị trường bất động sản xây dựng dẫn đến công nợ chậm luân chuyển của các khách hàng lớn trong mảng này, từ đó kéo theo việc SMC phải thực hiện tăng trích lập dự phòng lớn trong năm 2023. Công ty đã tiến hành các biện pháp cắt giảm, tiết kiệm chi phí vận hành, hợp lý chi phí sản xuất nhằm tăng tính cạnh tranh, tối thiểu hóa chi phí quản lý và bán hàng.

Năm 2023, mặt bằng lãi suất trong nước dần hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm.

SMC cho biết trong bối cảnh đó cùng với những khó khăn phát sinh từ các khoản nợ chậm luân chuyển, tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của SMC bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của công ty chịu sự sụt giảm mạnh so với năm trước.

SMC đã có thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 27 tháng 4 tại SMC Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 4/4, cổ phiếu SMC đạt thị giá 11.400 đồng/cổ phiếu, giảm 0,87% so với phiên trước đó.

Tin bài liên quan