Cổ phiếu SHP, cơ hội mới cho nhà đầu tư

Cổ phiếu SHP, cơ hội mới cho nhà đầu tư

(ĐTCK) CTCP Thủy điện Miền Nam (SHP) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư phát triển dự án thủy điện chuyên nghiệp ở khu vực phía Nam. 

Từ HĐQT, Ban điều hành đến đội ngũ kỹ sư, công nhân viên đều là những người có thâm niên trong ngành điện, cùng với yếu tố “thiên thời, địa lợi” đã quyết định sự thành công của SHP. Công ty đã hoàn tất các thủ tục niêm yết, sẽ tổ chức buổi giới thiệu cổ phiếu SHP đến nhà đầu tư vào ngày 16/7/2014 và niêm yết trên HOSE vào ngày 21/7/2014.

2 cổ đông lớn, 3 nhà máy điện

SHP được thành lập từ năm 2004 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, qua 4 lần tăng vốn đến nay đã tăng lên 937 tỷ đồng. SHP nhận được sự hậu thuẫn từ 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), sở hữu 48,86% và Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sở hữu 20,22%.

SHP có 3 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động là Đa Dâng 2, Đasiat và Đa M’bri, tổng sản lượng điện hàng năm khoảng 550 triệu kWh. Các dự án này đều thuộc dạng ưu đãi đầu tư của Chính phủ, cùng với kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao của SHP trong việc triển khai dự án nên tiến độ xây dựng được đảm bảo, giúp dòng tiền của Công ty ổn định. Giá bán điện khá cao, trong khi suất đầu tư các dự án thủy điện đều ở mức hợp lý đã mang lại hiệu quả tài chính cho Công ty. Cả 3 nhà máy của SHP đã đăng ký thành công Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto đảm bảo vấn đề môi trường, tạo điều kiện phát triển bền vững cho Công ty.

Doanh thu của SHP đến từ việc bán điện thương phẩm cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điểm thuận lợi của SHP trong việc đàm phán giá điện trong thời gian tới là Nhà nước có chủ trương xóa bỏ hoàn toàn độc quyền trong sản xuất và kinh doanh điện. Giai đoạn 2015 - 2022 sẽ cho phép cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn điện theo Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg.

Lợi nhuận tăng cao

ĐHCĐ SHP năm 2014 đã thông qua kết quả hoạt động kinh doanh năm 2013, với doanh thu đạt 194 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch, tăng 9,56% so với năm 2012; lợi nhuận sau thuế đạt 104,2 tỷ đồng, gấp 2 lần kế hoạch, tăng 14,13% so với năm 2012; chia cổ tức 8%, tăng 3% so với kế hoạch.

Điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng nước mưa nhiều khiến sản lượng khai thác của SHP năm 2013 tăng 10% so với năm 2012; đặc biệt, sản lượng của Nhà máy Đa Dâng 2 tăng 14,19%. Giá bán điện của Nhà máy Đa Dâng 2 giảm nhẹ (-0,01%) nhưng giá bán điện của Nhà máy Đasiat tăng 7% giúp SHP tăng doanh thu.

Chỉ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của SHP tăng từ 6,89% lên 9,64% trong giai đoạn 2011 - 2013, do Nhà máy Đasiat và Đadâng 2 hoạt động ổn định, hết công suất thiết kế. Khi Nhà máy Đam’bri đi vào phát điện ổn định sẽ góp phần tăng cao lợi nhuận cho Công ty.

Năm 2014, SHP đặt kế hoạch doanh thu 497,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 78,4 tỷ đồng và chia cổ tức 8%. 6 tháng đầu năm 2014, Công ty ước đạt 59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tài chính lành mạnh

Trong các năm gần đây, các hệ số về khả năng thanh toán của SHP đều ở mức 1,09 đến 1,1 lần, thể hiện tình hình tài chính lành mạnh của Công ty. Trong năm 2013, các hệ số thanh toán giảm đáng kể, nguyên nhân là do Công ty tập trung xây dựng công trình thủy điện Đam’bri, khoản phải trả tăng, đồng thời tài sản lưu động giảm do phải xuất chi cho công trình. Đây chỉ là yếu tố mang tính tạm thời, khi công trình đi vào hoạt động, các chỉ tiêu này sẽ được cải thiện.

Chiến lược đầu tư phát triển

Ngành điện có vai trò quan trọng đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, vì vậy, luôn nhận được sự quan tâm lớn của Nhà nước.

Để đáp ứng đủ nhu cầu điện năng, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu cụ thể để phát triển ngành điện, cụ thể tập trung xây dựng thủy điện (khoảng 21.000MW năm 2020) và nhiệt điện sử dụng than (khoảng 20.000MW năm 2020), khuyến khích sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Do đó, SHP đã đề ra chiến lược phát triển đến năm 2020 là tiếp tục tìm kiếm tham gia hoặc chuyển giao đầu tư một số dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Tây Nguyên và nghiên cứu tham gia thị trường bán điện cạnh tranh. Về lâu dài, SHP sẽ nghiên cứu đầu tư các nguồn năng lượng sạch khác.

Tình hình giá cổ phiếu SHP

Tháng 1/2013, giá cổ phiếu của SHP trên UPCoM là 6.900 đồng/CP, đến tháng 12/2013 tăng lên 10.000 đồng/CP và hiện nay là 12.800 đồng/CP (ngày 11/7). Từ đầu năm 2013 đến nay, giá cổ phiếu SHP đã tăng đáng kể và có thể tiếp tục tăng khi Tổ máy 2 Nhà máy Thủy điện Đam’bri đi vào hoạt động. Khi đó, cả 3 nhà máy phát điện hết công suất, góp phần tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Giá cổ phiếu SHP tăng là dấu hiệu tốt khi SHP chuyển sàn, vì được thị trường đánh giá cao kết quả hoạt động của Công ty. Trần Khoa

Tin bài liên quan