Kế hoạch năm 2018 thận trọng
Đầu năm 2017, giá cao su thiên nhiên đạt mức đỉnh cao nhất, khiến hầu hết các doanh nghiệp nhập nguyên liệu đầu vào đều chịu bất lợi. Dù giá bán sản phẩm cuối cùng có điều chỉnh theo, nhưng thực tế, việc nhập nguyên liệu ở mức giá cao đã khiến biên lợi nhuận gộp ảnh hưởng đáng kể.
Mặt khác, với diễn biến giá dầu phục hồi, một số nguyên phụ liệu từ dầu như than đen, cao su tổng hợp, vải mành… đều tăng giá, làm chi phí doanh nghiệp đội lên. Tuy nhiên, một điểm tích cực là giá cao su tự nhiên dự báo trong năm 2018 sẽ không biến động mạnh. Giá cao su thiên nhiên từ đầu năm 2018 đến nay có dấu hiệu giảm nhẹ và thấp hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Trước diễn biến này, CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (CSM) cho hay, Công ty đã chủ động dự trữ cao su thiên nhiên ở mức giá tương đương năm 2016, thấp hơn so với năm 2017. Vì vậy, tác động vào giá nguyên vật liệu trong năm nay sẽ phụ thuộc đáng kể vào giá dầu.
“Năm 2018, Công ty tập trung củng cố hệ thống phân phối, có những chính sách hậu mãi để giữ chân đại lý cũng như khách hàng, thay vì cạnh tranh bằng giảm giá bán”, đại diện CSM chia sẻ.
Tương tự tại CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), rủi ro giá cả nguyên vật liệu được Công ty quản trị bằng cách thiết lập danh sách các nhà cung cấp có uy tín và mối quan hệ hợp tác lâu dài nhằm đàm phán được mức giá hợp lý, tránh biến động và đảm bảo nguồn cung cấp nguyên vật liệu ổn định.
Một rủi ro khác, theo nhìn nhận của các doanh nghiệp trong ngành, là tình hình cạnh tranh đang bị đẩy lên mức độ gay gắt hơn. Trung Quốc đang phải chịu mức thuế chống bán phá giá tại nhiều thị trường như Mỹ, sắp tới khả năng là EU và Brazil. Do vậy, các nhà sản xuất săm lốp của nước này đang có xu hướng đầu tư nhà máy tại Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp nằm trong khối FDI có nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam, chẳng hạn Kumho, Sailun…, đang đẩy mạnh đầu tư nâng công suất nhà máy tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Thêm vào đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN vào Việt Nam sẽ về mức 0%. Việc áp dụng mức thuế này sẽ kích thích một lượng lớn nhu cầu tiêu thụ săm lốp, nhưng kéo theo đó là sự tham gia cạnh tranh trên thị trường nội địa từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…
Với những diễn biến trên, kế hoạch kinh doanh của 2/3 doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết trên sàn cho thấy sự thận trọng rõ rệt. Cụ thể, theo Báo cáo thường niên năm 2017 của DRC, năm 2018, Công ty dự kiến doanh thu tiêu thụ 4.592 tỷ đồng, doanh thu thuần dự kiến đạt 4.384 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế dự kiến 205 tỷ đồng, tương đương 99% năm 2017.
Trong khi đó, theo chia sẻ từ CSM, tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới (cuối tháng 4), CSM sẽ trình cổ đông kế hoạch doanh thu doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 52,8% so với thực hiện năm 2017. Tuy nhiên, mức kế hoạch này tương đối thấp so với kết quả hoạt động trong vài năm trở lại đây của CSM.
Tìm kiếm động lực tăng trưởng
Thị trường ô tô trong nước và thế giới đang nằm trong xu hướng phát triển. Cùng với đó, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất và xuất khẩu ô tô, tạo tiền đề thuận lợi cho những doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong ngành như săm lốp phát triển.
Theo ông Phan Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT DRC, ngành công nghiệp sản xuất lốp xe thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 4%/năm trong giai đoạn 2018-2020. Động lực tăng trưởng chính của ngành xuất phát từ các thị trường đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác.
Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ ở khu vực này được dự báo sẽ đóng góp tới trên 60% vào tổng mức tăng trưởng của toàn ngành thế giới. Tới năm 2020, châu Á được dự báo sẽ chiếm 40% tổng nhu cầu lốp xe toàn cầu.
Hiện nay, ngoài Mỹ, một loạt nước khác như Brazil, Ấn Độ cũng áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm săm lốp Trung Quốc. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu săm lốp ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, thị trường xuất khẩu được cho là điểm sáng đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Hiện nay, sản phẩm của DRC đã xuất sang hơn 35 nước trên thế giới, tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á, Nam Mỹ, châu Phi, châu Âu, trong đó Brazil, Thái Lan và Malaysia là 3 thị trường xuất khẩu ổn định và chiếm khoảng 53,46% lượng xuất khẩu hàng năm của DRC.
Đáng chú ý, năm 2017, DRC đã khai thác thêm được 5 thị trường mới tiềm năng gồm Nam Phi, Mozambique, Angola, Guinea và Togo. Năm 2017, doanh thu xuất khẩu tăng 65,98%, chiếm đến 29,12% trong cơ cấu doanh thu của DRC.
Còn theo chia sẻ từ CSM, năm 2018, Công ty có kế hoạch tăng tỷ trọng xuất khẩu từ 30% lên 35% trong cơ cấu doanh thu thông qua đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ lốp bán thép PCR. Mục tiêu của CSM là sẽ nâng công suất sản xuất lên 1 triệu lốp/năm trong năm 2018. Hiện nay, công suất đạt 70.000 lốp/tháng và dự kiến đạt công suất 100.000 lốp/tháng vào giữa năm nay.
Tại mức này, CSM kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn và lãi nhẹ từ sản phẩm nhóm sản phẩm PCR. Trong thời gian tới, CSM sẽ xem xét đầu tư tăng công suất sản xuất lên 1,5 triệu lốp/năm theo nhu cầu tiêu thụ từ đối tác, nhưng phải chờ chủ trương thông qua từ Tập đoàn.
Trong khi tại DRC, Ban lãnh đạo Công ty nhấn mạnh, trong năm 2018, DRC chạy hết công suất giai đoạn 1 nhà máy lốp
radial toàn thép với công suất 300.000 lốp/năm, tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2 tăng công suất nhà máy lên 600.000 lốp/năm vào quý IV/2018. Khi dự án đi vào sản xuất ổn định, thị trường mở rộng, DRC sẽ nâng công suất tối đa lên 1.000.000 lốp/năm.
“Việc hoàn thành giai đoạn 2 của nhà máy radial sẽ là một bước đi mới, mang lại cơ hội tăng trưởng cả về sản lượng và doanh thu cho DRC trong tương lai”. lãnh đạo DRC cho hay.
Một trong những động lực quan trọng có ảnh hưởng đến tâm lý thị trường là việc tập trung đẩy nhanh thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại 3 doanh nghiệp trong ngành săm lốp, bao gồm DRC, CSM và SRC (CTCP Cao su Sao Vàng) từ mức chi phối 51% xuống còn 36%.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nhà nước “mạnh tay” bán nhanh và có thể bán với tỷ lệ lớn hơn ra đại chúng, cơ hội tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược quốc tế hợp sức cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp sẽ rõ ràng hơn, tạo dư địa cho các nhà đầu tư trung thành với cổ phiếu ngành săm lốp.