Cổ phiếu Quốc tế Hoàng Gia (RIC) tăng trần 12 phiên dù báo lỗ luỹ kế 81,5 tỷ đồng

Cổ phiếu Quốc tế Hoàng Gia (RIC) tăng trần 12 phiên dù báo lỗ luỹ kế 81,5 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia đã tăng trần 12 phiên liêp tiếp dù kết quả kinh doanh mới công bố khá ảm đảm. Công ty Quốc tế Hoàng Gia là chủ khách sạn 5 sao Royal Hạ Long, đồng thời là đơn vị vận hành casino duy nhất tại Quảng Ninh.

Kể từ ngày 11/1/2021 cho tới nay, giá cổ phiếu RIC đã liên tiếp tăng trần dù không có thông tin tích cực. Trong phiên giao dịch ngày 26/1, cổ phiếu RIC đóng cửa phiên ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu. Trong 3 tháng qua, giá cổ phiếu này đã tăng 138,8%.

Báo cáo tài chính quý IV/2020 của RIC vừa được công bố cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 41,7 tỷ đồng, giảm 42,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là âm 10,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 2,6 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 125,5 tỷ đồng, giảm 46,7% so với năm 2019. Công ty kết thúc năm 2020 với khoản lỗ luỹ kế 81,5 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lỗ 72,8 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu RIC 3 tháng qua

Diễn biến giá cổ phiếu RIC 3 tháng qua

Theo RIC, doanh thu của Công ty sụt giảm nghiêm trọng chủ yếu do kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy trong năm 2020, Công ty đã cắt giảm nhân công, tiết kiệm chi phí nhưng do tác động nghiêm trọng của đại dịch, doanh thu và lợi nhuận đều giảm sâu.

Thực tế, không phải đến năm 2020 hoạt động kinh doanh của RIC mới ở tình trạng thua lỗ. Doanh nghiệp này kinh doanh phập phù trong nhiều năm qua và thường ở tình trạng lỗ. Tính tới cuối năm 2019, Công ty vẫn đang lỗ luỹ kế 72,8 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2013 - 2020, Công ty chỉ báo lãi trong 2 năm là 2015 và 2018, với khoản lãi chỉ 1,7 tỷ đồng năm 2018.

Đáng chú ý, trong báo cáo soát xét bán niên năm 2020, đơn vị kiểm toán là Deloitte đã nhấn mạnh tới khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Cụ thể, sự lây lan của đại dịch có tác động không nhỏ tới tình hình tài chính và hoạt động sản xuất của RIC. Trong kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm, Công ty tiếp tục chịu lỗ từ hoạt động kinh doanh và có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm. Tại ngày 30/6/2020, Công ty tiếp tục có lỗ luỹ kế và tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

“Khả năng hoạt động liên tục của Công ty trong vòng 12 tháng tới phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính từ các tổ chức tài chính, khả năng thu hồi các khoản phải thu và gia hạn các khoản phải trả của Công ty”, đơn vị kiểm toán Deloitte nhận định.

Tính tới cuối năm 2020, Công ty vẫn mất cân đối khi nợ phải trả ngắn hạn đạt 118 tỷ đồng, vượt quá lượng tài sản ngắn hạn (60 tỷ đồng).

Tin bài liên quan