Chỉ từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (sàn HOSE) đã tăng hơn 10%
Hồi cuối tháng 10/2014, thị giá của PNJ mới ở mức quanh mốc 37.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện PNJ đã vọt lên trên 40.000 đồng/cổ phiếu.
Điều đáng chú ý là, PNJ đã có một nhịp tăng giá trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 10, với mức tăng từ mốc 31.000 đồng/cổ phiếu lên 37.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, trong 2 tháng qua, cổ phiếu PNJ đã tăng giá trên 30%. Đây là một trong những cổ phiếu hiếm hoi đi ngược thị trường, bởi từ tháng 9 đến tháng 11 là giai đoạn thị trường đi xuống, VN-Index đã giảm từ mốc 630 điểm, còn quanh mốc 600 điểm hiện nay.
Mặc dù PNJ đã tăng giá khá mạnh thời gian gần đây, nhưng các nhà phân tích vẫn tỏ ra tin tưởng vào khả năng tiếp tục đi lên của cổ phiếu này.
Bộ phận phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) dự đoán, giá hợp lý của cổ phiếu PNJ vào cuối năm 2014 là 48.700 đồng/cổ phiếu và giá mục tiêu vào cuối năm 2015 là 55.000 đồng/cổ phiếu.
Cơ sở để FPTS đưa ra đánh giá này là việc Thông tư 22/2013/TT-BKHCN (quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức) bắt đầu có hiệu lực từ giữa năm 2014 đang tạo thuận lợi giúp PNJ có thể gia tăng thị phần tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, Thông tư 22/2013/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành với những quy định quản lý chặt chẽ hơn đã loại bỏ khỏi thị trường những cơ sở kinh doanh vàng kém chất lượng, tạo ra cơ hội chiếm lĩnh thị trường cho các doanh nghiệp đã có hoạt động kinh doanh bài bản từ trước như PNJ.
Thông tư 22/2013/TT-BKHCN yêu cầu doanh nghiệp khi sản phẩm vàng ra thị trường phải đảm bảo hàm lượng vàng, tuổi vàng đúng như đã công bố. Văn bản này cũng quy định chi tiết tiêu chuẩn đối với sản phẩm nữ trang vàng có sử dụng thêm các kim loại khác trong quá trình gia công, chế tác…
Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định. Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghi ký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ.
Ngoài các yếu tố thuận lợi từ chính sách, trong thời gian qua, PNJ còn có một khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), đóng góp thêm hơn 30 tỷ đồng vào lợi nhuận Công ty.
Hồi cuối tháng 9/2014, PNJ đã chuyển nhượng 5.548.178 cổ phiếu SFC, chiếm 49,13% vốn tại Nhiên liệu Sài Gòn với giá trị gần 172 tỷ đồng, tương ứng đạt 31.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi trừ đi các khoản đầu tư ban đầu để mua số cổ phiếu trên, PNJ đã thu được khoản lợi nhuận 36 tỷ đồng từ thương vụ này.
Nhờ việc bán cổ phần và một số yếu tố thuận lợi trong kinh doanh, nên sau 10 tháng đầu năm, PNJ đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2014. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế (chưa hợp nhất) 10 tháng đầu 2014 của công ty này đã tăng tới 82% so với cùng kỳ và 7% so với kế hoạch năm. Nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường từ việc chuyển nhượng cổ phiếu SFC thì lợi nhuận sau thuế 10 tháng của PNJ cũng tăng tới 47% so với cùng kỳ.
Với tình hình hiện tại, doanh thu ước tính năm 2014 của PNJ có thể đạt 8.328 tỷ đồng (giảm 6,6% so cùng kỳ năm 2013), nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2014 của PNJ sẽ đạt 261 tỷ đồng (tăng 55% so cùng kỳ năm 2013). Việc công ty bị giảm doanh thu do thu hẹp hoạt động kinh doanh vàng miếng, nhưng lợi nhuận tăng vọt nhờ hoạt động bán lẻ trang sức vàng bạc tăng trưởng mạnh và lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng cổ phiếu SFC.
Mặc dù vậy, cổ phiếu PNJ vẫn có rủi ro về thanh khoản. Quan sát giao dịch cổ phiếu PNJ trên thị trường có thể thấy, khối lượng giao dịch bình quân của PNJ trên thị trường chỉ hơn 46.000 cổ phiếu/phiên.