Thị trường tăng điểm trở lại, nhiều người có tỷ trọng tiền mặt cao bắt đầu giải ngân.

Thị trường tăng điểm trở lại, nhiều người có tỷ trọng tiền mặt cao bắt đầu giải ngân.

Cổ phiếu phòng thủ có thể thoái trào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi thị trường giảm điểm, nhóm “cổ phiếu phòng thủ” được nhà đầu tư quan tâm, nhưng gần đây, dấu hiệu phục hồi xuất hiện, dòng tiền dần chuyển sang các “cổ phiếu thị trường”.

VN-Index hồi phục theo đà

Theo phân tích kỹ thuật, trong nửa cuối tháng 5/2022, chỉ số VN-Index tạo đáy lần 1 ngày 16/5, đáy lần 2 ngày 23/5 (cao hơn đáy trước) và phiên bùng nổ theo đà (FTD) xuất hiện ngày 25/5, giúp chỉ số dần hoàn thành mô hình hai đáy hướng lên. Trước khi FTD xuất hiện, không ít nhóm cổ phiếu như dầu khí (PVS, OIL, BSR, PVD), xây dựng (HBC) cùng một số cổ phiếu đơn lẻ như NLG, VHM… đã tạo mô hình hai đáy, với đáy 1 ngày 25/4 và đáy 2 dao động từ ngày 9 - 12/5.

Bên cạnh đó, chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) phân kỳ dương hướng lên trên củng cố khả năng thị trường bước vào đợt hồi phục, nhất là khi thanh khoản ngày 25/5 được cải thiện và giá cổ phiếu bật tăng trên diện rộng.

Ở thời điểm hiện tại, chỉ báo thị trường duy trì dấu hiệu khả quan, nhưng không ít nhà đầu tư có tâm lý hoài nghi về khả năng tăng thêm, thậm chí lo ngại “bẫy tăng giá” (bull trap).

Kịch bản chỉ số VN-Index theo phân tích kỹ thuật sau phiên FTD.

Kịch bản chỉ số VN-Index theo phân tích kỹ thuật sau phiên FTD.

Trong đó, nhóm hoài nghi nhất là những người bán cắt lỗ ở vùng đáy từ ngày 25/4 đến 12/5 do áp lực “lệnh gọi ký quỹ” (yêu cầu bổ sung tài sản ký quỹ - margin call”) từ công ty chứng khoán do vi phạm tỷ lệ ký quỹ duy trì và một phần mất niềm tin vào thị trường sau khi liên tục chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh.

Theo lý thuyết của William O’Neil, sau khi thị trường dừng rơi và hoàn thành mẫu hình 2 đáy, nhà đầu tư nên chờ đợi từ 4 - 7 phiên giao dịch tiếp theo để xác định phiên FTD, với các dấu hiệu như chỉ số bật tăng từ 1 - 2%, khối lượng khớp lệnh gia tăng, dòng tiền lan toả khắp các nhóm ngành.

Phiên 25/5, VN-Index tăng 2,84%, vượt vùng kháng cự 1.240 điểm, đạt lên 1.268,43 điểm, thanh khoản tăng 15,8% so với trung bình 20 phiên trước đó, độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về phía tăng giá khi có tới hơn 400 mã xanh, chỉ có hơn 60 mã đỏ.

Nhiều nhà đầu tư bắt đáy đang ghi nhận mức lãi tốt. Môi giới tại một công ty chứng khoán có thị phần Top 5 trên HOSE cho biết, những người thực hiện bắt đáy trong 2 tuần qua đạt mức lãi từ 10 - 15%. Phần lớn các cổ phiếu đều mang lại lợi nhuận, một số nhóm cổ phiếu có mức sinh lời cao hơn như dầu khí, phân bón...

Sau khi thị trường có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn, dòng tiền theo đà tham gia nhiều hơn, kỳ vọng diễn biến khả quan sẽ được duy trì trong thời gian tới.

Thực tế, khi chỉ số chung có hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, tức chỉ số tăng điểm nhưng nhiều mã giảm giá và ngược lại, gây khó khăn cho việc lựa chọn mã đầu tư, nhưng thị trường gần như đồng loạt tăng trở lại, đa số nhà đầu tư có lãi.

Trong 2 tuần trở lại đây, nhà đầu tư bắt đáy kiếm được tiền, những người nắm giữ cổ phiếu từ trước giảm được mức thua lỗ, một bộ phận nhà đầu tư cắt lỗ đúng đáy thì cảm thấy tiếc và chưa chấp nhận việc mua lại ở mức giá cao hơn, đa số nhà đầu tư khác hoặc giữ cổ phiếu, hoặc giữ tiền mặt với tỷ trọng cao, khiến thanh khoản duy trì ở mức thấp.

“Nếu thị trường có thêm vài phiên tăng, thì người cầm tiền sẽ cảm thấy sốt ruột và bắt đầu giải ngân. Tôi cho rằng, nhà đầu tư sẽ an tâm hơn khi chỉ số tăng nhẹ và thanh khoản được cải thiện, chứ tăng mạnh thì họ lại lo ngại nguy cơ bị những người bắt đáy xả hàng, dẫn tới đợt hồi phục khó có thể kéo dài, thậm chí giảm trở lại”, vị môi giới trên nhận định.

Dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi nhóm phòng thủ

Trong đợt thị trường điều chỉnh, VN-Index lao dốc kể từ ngày 5/4/2022, nhóm cổ phiếu phòng thủ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các nhà đầu tư. Trong đó, mã REE của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh, mã BWE của Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, mã TDM của Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một, mã HND của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, mã QTP của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh... thường xuyên thu hút dòng tiền.

Được biết, chiến lược phòng thủ thường được các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm sử dụng trong hoàn cảnh không chắc chắn về thị trường.

Thứ nhất, giảm tỷ lệ cổ phiếu thị trường (cổ phiếu mà giá có xu hướng vận động tương đương với diễn biến của các chỉ số chứng khoán), cổ phiếu tăng nóng và gia tăng lượng tiền mặt.

Thứ hai, chọn thêm cổ phiếu phòng thủ, chủ yếu là cổ phiếu của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như cấp nước, sản xuất điện, dược phẩm, y tế…

Chính vì động thái dịch chuyển dòng tiền từ cổ phiếu thị trường sang cổ phiếu phòng thủ nên giá nhiều cổ phiếu loại này đi lên, trái ngược thị trường chung.

Chẳng hạn, giá cổ phiếu REE tính từ ngày 5/4 (thời điểm thị trường bắt đầu điều chỉnh) đến ngày 27/5 tăng xấp xỉ 27%, lập đỉnh mới tại 89.600 đồng/cổ phiếu, còn VN-Index giảm gần 16% trong cùng khoảng thời gian (chỉ số này giảm 23% khi tạo đáy ngày 16/5).

Giá cổ phiếu BWE có mức tăng nhanh hơn, nhưng không kéo dài, từ ngày 5 - 19/4 tăng hơn 16%, trong khi VN-Index giảm 8%. Khi chỉ số chung tiếp tục giảm, giá cổ phiếu BWE giảm theo, xuống quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu, sau khi lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,5 lần so với 2 năm trước đó (dưới 18.000 đồng/cổ phiếu).

Cổ phiếu TDM có diễn biến giá tương tự BWE. Được biết, TDM đang sở hữu 37,42% vốn điều lệ tại BWE.

Nhìn chung, kể từ ngày 20/4 tới nay, không ít cổ phiếu phòng thủ điều chỉnh giảm sau khi đi ngược thị trường, trùng với thời gian thị trường chung có dấu hiệu hồi phục.

Riêng cổ phiếu REE, giá lập đỉnh cao mới nhưng trong 2 tuần gần đây có dấu hiệu phân phối khi thanh khoản tăng mạnh sau mỗi đợt giá tăng nhanh và một số cổ đông lớn thực hiện bán ra. Đơn cử, ngày 12/5, nhóm quỹ gồm Apollo Asia Fund và Panah Master Fund bán 3,1 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,14% về 7,14% vốn điều lệ REE (giá đóng cửa phiên 12/5 là 75.650 đồng/cổ phiếu).

Tại BWE, ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị bán 220.000 cổ phiếu vào ngày 17 - 18/5 (giá đóng cửa ngày 18/5 là 49.600 đồng/cổ phiếu), giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,94% về 0,82% vốn điều lệ.

Thực tế, bức tranh lợi nhuận quý I/2022 của nhóm cổ phiếu phòng thủ không thực sự khả quan, thậm chí suy giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, trong quý đầu năm 2022, BWE ghi nhận doanh thu 733,3 tỷ đồng, tăng 8,6%, lợi nhuận sau thuế 176,4 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 23,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm (750 tỷ đồng).

TDM ghi nhận doanh thu 105,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng trong quý I/2022, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,3% về doanh thu nhưng giảm 65,5% về lợi nhuận, còn so với kế hoạch cả năm 2022 thì hoàn thành 17,4%.

Đối với nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than và khí, chi phí nguyên liệu đầu vào đang tăng cao. Giá than thế giới từ cuối năm 2021 đến ngày 25/5/2022 tăng 136%, từ 169,6 USD/tấn lên 400 USD/tấn, ở vùng đỉnh lịch sử kể từ năm 2010, làm thu hẹp biên lợi nhuận gộp.

Tin bài liên quan