Cổ phiếu OTC: “Giấy vẽ” báo cáo tài chính của CTCK

Cổ phiếu OTC: “Giấy vẽ” báo cáo tài chính của CTCK

(ĐTCK) Đầu tư vào cổ phiếu OTC là phần không thể thiếu của các CTCK. Tuy nhiên, với dữ liệu giá hiện tại, NĐT buộc phải tin tưởng vào sự trung thực của CTCK.

Tìm được tiếng nói thống nhất trong hướng dẫn trích lập dự phòng các khoản đầu tư chứng khoán OTC cho khối CTCK đã khó, xây dựng một căn cứ chung mang tính chuẩn mực để trích lập dự phòng của các CTCK lại càng khó hơn.

 Cổ phiếu OTC: “Giấy vẽ” báo cáo tài chính của CTCK ảnh 1

Trích lập dự phòng… theo ý muốn

Đầu năm 2012, hàng loạt nhân viên các CTCK tỏa đi các nơi để trao đổi… báo giá cổ phiếu OTC. Rất nhiều mã chứng khoán thậm chí còn rất xa lạ với thị trường, nên việc tìm kiếm được một CTCK chấp nhận đưa báo giá, nhất là những báo giá… “theo ý muốn” là điều không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, cơ chế trao đổi kiểu “có đi có lại” giữa các CTCK có khoản đầu tư tài chính OTC đã giúp rất nhiều CTCK “vẽ” được báo cáo tài chính đẹp.

ĐTCK từng chứng kiến một CTCK, trong báo giá đầu xin từ một CTCK khác có đề giá một cổ phiếu OTC mà công ty này đầu tư là 12.000 đồng/CP. Nhưng chỉ sau đó 1 tuần, để giảm con số lỗ của năm tài chính, CTCK này đã đề nghị CTCK bạn sửa và cung cấp một báo giá mới, với giá cổ phiếu này lên tới… 27.000 đồng/CP, gần bằng với giá mua ban đầu (30.000 đồng/CP). Với tổng giá trị đầu tư vào cổ phiếu này lên tới 150 tỷ đồng, CTCK nói trên đã giảm được tới 50 tỷ đồng tiền phải trích lập dự phòng, và còn được hoàn nhập dự phòng thêm 25 tỷ đồng (do năm 2010 đã trích lập dự phòng ở mức giá 25.000 đồng/CP).

Không chỉ với cổ phiếu này, giá 5 cổ phiếu OTC còn lại cũng được CTCK trên biến hóa, giúp Công ty bù đắp được một phần khoản lỗ đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết khác. Rõ ràng, danh mục đầu tư cổ phiếu OTC đã là một lối thoát hiểm tuyệt vời cho CTCK, khi muốn “vẽ” ra một báo cáo tài chính “đẹp”. NĐT muốn tìm hiểu thông tin và mức độ chính xác về các con số này cũng đành phải… bó tay, bởi CTCK không thực hiện thuyết minh chi tiết các khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết.

Tại một CTCK niêm yết khác, có khoản đầu tư vào một DN ngành xi măng với mức giá đầu tư là 12.000 đồng/CP, tổng giá trị gần 100 tỷ đồng. Mặc dù công ty xi măng này đã thua lỗ gần hết vốn chủ, nhưng CTCK trên vẫn hạch toán giá 12.000 đồng/CP, tức không phải trích lập dự phòng với lý do… cổ phiếu không có giao dịch, nên không có căn cứ trích lập.

Xin báo giá để trích lập dự phòng theo ý muốn, hoặc phớt lờ yêu cầu trích lập với lý do không có căn cứ báo giá là cách mà không chỉ các CTCK, rất nhiều DN niêm yết đang làm. Như trường hợp đầu tư cổ phiếu OTC tại 2 DN ngành vận tải biển. Cùng một cổ phiếu, cùng một giá mua, nhưng có DN trích lập dự phòng tới 80% giá vốn vì lý do DN phát hành cổ phiếu OTC đã bị lỗ gần hết, trong khi DN còn lại không trích lập với lý do… không có cơ sở trích lập.

 

Cần một kho dữ liệu chung

Theo Thông tư 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại DN, các khoản đầu tư chứng khoán chưa niêm yết được trích lập trên cơ sở giá giao dịch bình quân được cung cấp bởi tối thiểu 3 CTCK tại thời điểm trích lập dự phòng.

Nhưng thực tế cho thấy, không phải cổ phiếu nào cũng có giao dịch. Có những cổ phiếu có giao dịch, nhưng giao dịch không điển hình (báo giá không chính xác) hoặc thông tin về giao dịch này lại không được chia sẻ rộng rãi, làm căn cứ cho CTCK khác xác định giá tham chiếu.

Trang báo giá OTC của Đầu tư Chứng khoán cũng được nhiều CTCK, DN coi là một trong những cơ sở báo giá quan trọng cho việc hạch toán trích lập dự phòng cuối kỳ, nhưng cũng chỉ bao gồm chưa tới 100 mã chứng khoán, đa phần là các mã lớn, “hot” trong từng giai đoạn và có nhiều giao dịch. Rất nhiều mã chứng khoán OTC khác vẫn đang tồn tại nhưng không được phản ánh.

Đầu tư vào các mã chứng khoán chưa niêm yết là phần không thể thiếu đối với các CTCK. Thậm chí, đó còn có thể là yếu tố mang lại lợi nhuận đột biến cho các CTCK nếu lựa chọn đúng. Tuy nhiên, với cơ sở dữ liệu giá cổ phiếu OTC hiện tại, NĐT buộc phải tin tưởng vào sự trung thực của CTCK, với khả năng giám sát rất thấp. Vì vậy, với định hướng quản lý đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung các mã chứng khoán, nên chăng, UBCK hoặc các Sở, Trung tâm Lưu ký đứng ra làm đơn vị trung gian cung cấp các dữ liệu tổng hợp về thông tin giao dịch cổ phiếu OTC, tránh tình trạng CTCK sử dụng khoản đầu tư OTC như một công cụ để “vẽ” báo cáo tài chính của mình.