Cổ phiếu AMV của CTCP Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ đã có mức tăng lý tưởng từ 15.000 - 16.000 đồng/CP vào đầu tháng 7 lên 27.000 đồng/CP vào cuối tuần qua. Mức giá cao nhất mà AMV đạt được trước đó là 20.000 đồng/CP, nhưng cổ phiếu này chủ yếu được giao dịch lình xình trong khoảng 14.000 - 16.000 đồng/CP trong nhiều tháng.
Điều gì khiến cổ phiếu của một công ty có số vốn điều lệ 21 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23,6 tỷ đồng tăng cao trong một thời gian ngắn như vậy? Thật khó có thể tìm được những thông tin cơ bản để lý giải cho sự tăng giá của cổ phiếu này. Chỉ thấy trước đó, nhiều NĐT truyền tai nhau về việc mua vào cổ phiếu vì có đội đánh lên.
Năm 2009, AMV đạt gần 800 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. Theo kế hoạch năm 2010 đã được ĐHCĐ thông qua, AMV dự kiến đạt 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu 9 tỷ đồng. Quý I/2010, AMV đạt 169 triệu đồng lợi nhuận. ĐHCĐ AMV cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, với giá 12.000 đồng/CP.
Xét các chỉ số tài chính của AMV thì việc giá cổ phiếu tăng nóng như vậy có vẻ không thuyết phục. Thông tin đáng chú ý vào ngày 7/7 là Công ty khai trương cơ sở sản xuất tại xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ngoài việc sản xuất que xét nghiệm nhanh như thử thai, sốt rét..., đây là đơn vị trong nước đầu tiên sản xuất que thử HIV 1&2. Tất cả sản phẩm nhằm thay thế sản phẩm ngoại nhập, với giá chỉ bằng 70% hàng nhập khẩu (Mỹ, Đức). Thông tin này có thực hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận đột biến của AMV trong tương lai gần?
Trong khi đó, một cổ đông lớn là bà Trần Thị Thê đăng ký bán 128.300 cổ phiếu AMV (tương đương 6,11% cổ phiếu AMV đang lưu hành) ngay sau khi công bố mua cổ phiếu này vào ngày 2/7.
Nhìn lại biểu đồ giao dịch cổ phiếu AMV thì lượng cổ phiếu bà Thê giao dịch đúng vào ngày cổ phiếu AMV được giao dịch khối lượng lớn. Ngay sau đó, AMV liên tục có chuỗi ngày tăng giá trần, chỉ điều chỉnh 1 phiên rồi tăng thẳng lên 27.000 đồng/CP.
Cổ phiếu HDO của CTCP Hưng Đạo Container cũng được rỉ tai là có đội đánh lên. Cổ phiếu này có xu hướng tăng giá trước đó, nhưng với nhiều phiên giằng co và điều chỉnh, hai phiên vừa qua mới tăng trần. Nghe phong thanh rằng, cổ phiếu HDO tăng là nhờ việc chuyển nhượng dự án nào đó, đem lại khoản lợi nhuận đột biến. Nhưng đọc báo cáo thường niên năm 2009 của công ty này thì không thấy thông tin về dự án nào có thể được bán để đem lại lợi nhuận lớn như vậy.
Không tăng nóng, nhưng cũng được coi là có sóng trên sàn Hà Nội là cổ phiếu CDC của CTCP Chương Dương, khi tăng từ 37.000 đồng/CP lên 43.000 đồng/CP, với thông tin công ty này nộp hồ sơ chuyển niêm yết sang sàn TP. HCM. Mức giá chào sàn sẽ là 45.000 đồng/CP.
Trên sàn TP. HCM, cổ phiếu KHA của CTCP Khánh Hội sau một năm gần như bị lãng quên đã thu hút được dòng tiền trở lại, sau khi cổ đông lớn là Tổng công ty Bến Thành mua vào 840.000 cổ phiếu. Khối lượng giao dịch của cổ phiếu KHA trong hai ngày cuối tuần qua tăng đột biến, với giá kịch trần. Được biết, một vài CTCK nhanh nhạy đã nắm bắt cơ hội mua vào cổ phiếu này theo động thái của cổ đông lớn.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, dòng tiền chảy nhanh qua các cổ phiếu, thì việc sử dụng phân tích kỹ thuật để tìm ra các cổ phiếu có dấu hiệu tăng giá đột biến, cộng với tìm hiểu các thông tin hỗ trợ để quyết định đầu tư được cho là mang lại hiệu quả cao.
Lợi thế đầu tư lúc này không chỉ thuộc về cổ đông nội bộ, mà còn thuộc về các NĐT có công cụ phân tích và giao dịch hiện đại. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia cũng như thực tế thị trường cho thấy, với thời gian thanh toán T+4, đầu tư vào những cổ phiếu nóng thì chỉ một số mã là thu được lợi nhuận cao, nhiều mã còn lại có nguy cơ mua ở vùng đỉnh và sau đó không thoát được hàng. Lời khuyên được đưa ra đối với những NĐT lướt sóng cổ phiếu nóng là, không nên mua khi giá đã tăng được 3 phiên. Nhưng xem ra, NĐT khó cưỡng lại được sức hấp dẫn của cổ phiếu nóng.