Cổ phiếu nóng tháng 11 hạ nhiệt

Cổ phiếu nóng tháng 11 hạ nhiệt

(ĐTCK) Theo thống kê của Vietstock, riêng trong tháng 11, có 22 cổ phiếu tăng trần liên tục từ 5 phiên trở lên, trong đó 7 mã tăng trần từ 10 phiên liên tục. Sang tháng 12, con số này đã giảm.

Danh sách "nóng" tháng 11 bao gồm VNH, VPC, SGT và DCT, PXM, ICF và DRH. Hầu hết các cổ phiếu tăng vọt đều có thị giá từ 1.000 - 7.000 đồng/CP. Sang tuần đầu tháng 12, ngoại trừ SGT, các cổ phiếu “nóng” nói trên đang “nguội” dần.

Cổ phiếu VNH của CTCP Thủy hải sản Việt Nhật trở thành quán quân với 29,5 phiên kịch trần liên tục, từ mức giá 1.700 đồng/CP ngày 18/10 đã lên 7.900 đồng/CP kết thúc phiên 28/11. Tổng cộng, cổ phiếu này đã tăng tới 365% trong vòng hơn 1 tháng.

Vào cuối tuần trước, phiên 29/11, VNH bắt đầu bị “đánh úp”, xuất hiện dư bán sàn sau chuỗi tăng trần. Phiên sáng 2/12, chỉ có 6 lệnh khớp với 11.520 đơn vị.

Theo giải trình của VNH, giá cổ phiếu tăng trần là do cung cầu của thị trường và nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty.

Tuy nhiên, lý giải nguyên nhân cổ phiếu này tăng gấp 3 một cách hợp lý thì có lẽ là nhờ vào thông tin bất thường VNH sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và máy móc thiết bị tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP. HCM cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn -TNHH MTV.

Tổng giá trị chuyển nhượng là 55,6 tỷ đồng ghi nhận vào báo cáo tài chính quý IV/2013. Ngoài ra, BCTC quý III của VNH bất ngờ báo lãi ròng 6,68 tỷ đồng sau 3 quý lỗ liên tiếp, khoản lãi từ việc chuyển nhượng lô đất trên mang lại cho VNH 6,43 tỷ đồng.

Tính đến 4/12, VNH đã có 4 phiên giảm sàn liên tục, giá đóng cửa phiên ngày 4/12 là 6.100 đồng. Sang ngày 5/12, cổ phiếu này tăng trần trở lại, song còn cần thêm nhiều phiên nữa để khẳng định sức nóng có thực sự trở lại với cổ phiếu này hay không, khi vận mệnh của Công ty đang bị đặt dấu hỏi sau những thương vụ bán tài sản bất thường vừa qua.

Tại sàn Hà Nội, mã VPC của CTCP Đầu tư và phát triển năng lượng Việt Nam, mặc cho lũy kế 9 tháng lỗ hơn 3,34 tỷ đồng, vẫn tăng trần liên tục 15 phiên từ ngày 8 - 28/11. Tổng mức tăng trong 15 phiên này là 200%, khối lượng giao dịch trung bình hơn 113,7 ngàn đơn vị.

Cụ thể, VPC liên tục tăng trần từ 1.700 đồng/CP lên 4.600 đồng/CP. Theo lãnh đạo Công ty, tình hình hoạt động của Công ty vẫn bình thường, không có thông tin bất thường tác động, việc tăng trần liên tiếp nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty. Khởi động đầu tuần, VPC bị kẹt lại một lượng cực lớn vì ngay cả hàng T+3 cũng chỉ thoát được một lượng rất nhỏ.

VPC chỉ giao dịch đúng 1 lệnh với 700 cổ phiếu trong khi gần 344.000 cổ phiếu tranh nhau bán giá sàn. Cũng tương tự VNH, VPC đang có 5 phiên giảm sàn liên tiếp.

Các doanh nghiệp còn lại là DCT, PXM có mức tăng trần lần lượt là 12 phiên, 11 phiên, còn ICF và DRH cùng tăng 10 phiên liên tục. Cổ phiếu PXM của CTCP Xây lắp dầu khí miền Trung hiện đang phải giao dịch dưới dạng kiểm soát trong 15 phút cuối mỗi phiên để xác định giá đóng cửa.

Thị giá của PXM thấp nhất trong 7 mã tăng khủng, trên 1.000 đồng/CP. Sự tăng trần liên tục không giúp PXM vượt mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều NĐT cũng không khỏi ngạc nhiên khi PXM báo lãi 8 tỷ đồng quý III, sau 5 quý thua lỗ. PXM hiện đang có 6 phiên giảm sàn liên tục kể từ 28/11 đến nay.

Trong nhóm tăng trần khủng tháng trước, ICF của CTCP Đầu tư thương mại thủy sản là mã duy nhất được giao dịch ký quỹ. Trong phiên tăng trần lần thứ 10 vào ngày 28/11, thị giá của ICF là 7.100 đồng/CP, khối lượng giao dịch là 635,12 triệu cổ phiếu, tương đương GTGD là 4,5 tỷ đồng. ICF không phải là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh hấp dẫn, 9 tháng đầu năm 2013, ICF lãi chưa đầy 1 tỷ đồng.

Với đà tăng khủng của các cổ phiếu nóng, khi thị trường điều chỉnh thì các mã cổ phiếu này dễ giảm sàn với tốc độ “chóng mặt”. Thực tế cho thấy, các mã trên đã bắt đầu giảm sàn hàng loạt trong những ngày đầu tháng 12.

>> Hiểu đúng về các loại cổ phiếu

>>Tháng 12, đầu tư cổ phiếu ngành nào?

>>Điểm mặt những cổ phiếu tăng nóng