Nhóm cổ phiếu nông nghiệp là nhóm cổ phiếu phòng thủ và được đánh giá đang có nhiều thông tin hỗ trợ

Nhóm cổ phiếu nông nghiệp là nhóm cổ phiếu phòng thủ và được đánh giá đang có nhiều thông tin hỗ trợ

Cổ phiếu nông nghiệp và tính “thiết yếu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã thể hiện rất rõ vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế và vai trò này ngày càng được khẳng định. Thị trường chứng khoán cũng xuất hiện ngày một nhiều doanh nghiệp nông nghiệp lớn, hấp dẫn dòng tiền đầu tư.

Thành hình những ông lớn

“Chúng tôi có khả năng cung cấp gạo cho cả đất nước Phillipines”, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính, Tập đoàn Lộc Trời (LTG - UPCoM) chia sẻ một cách dễ hình dung về năng lực sản xuất lúa gạo của Tập đoàn.

“Chúng tôi có đội bay nhiều như Vietjet là các drone phun thuốc, xạ giống, thu hoạch bằng máy, nên xây dựng mô hình đồng ruộng không dấu chân”, ông Nhiên nói tiếp khi giới thiệu về Lộc Trời. Sắp tới, Tập đoàn sẽ công bố một thương vụ M&A với một doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, giúp bổ sung lợi thế cho Lộc Trời sở hữu hoàn toàn chuối giá trị sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Giữa tháng 11/2022, khi thị trường chứng khoán đang chìm trong những phiên giảm điểm vì mất thanh khoản, thì trên thị trường vẫn có thông tin về việc nhà đầu tư nước ngoài tìm mua cổ phiếu LTG với số lượng lớn.

Việt Nam hiện ở vị trí số ba trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, ông Nhiên cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự hiệu quả do sản xuất manh mún, khiến chi phí tăng, khó thương lượng giá bán với các đối tác nước ngoài.

Để thay đổi những hạn chế đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ, Lộc Trời đã đưa ra mô hình sản xuất không dấu chân vào vùng nguyên liệu hơn 1 triệu ha đất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Công ty đã ứng dụng hoàn toàn khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào quy trình sản xuất.

Gần như không có tập đoàn sản xuất lúa gạo nào đầu tư bài bản như Lộc Trời ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng bắt đầu hình thành cây trồng vật nuôi cốt lõi là chuối, heo và gà. Quy mô nuôi trồng của Hoàng Anh Gia Lai trên quy mô lớn hàng chục nghìn héc-ta ở 3 nước Đông Dương. Chuối được kéo ròng rọc tập kết về xưởng sơ chế trước khi xuất khẩu. Chuối phế phẩm được chế biến thành bột chuối làm thức ăn cho heo với tỷ trọng chiếm 40% trong khẩu phần ăn của heo. Nếu thành công với kế hoạch 1 triệu đầu heo, 1 triệu gà xuất chuồng hàng năm, HAG cũng chiếm dưới 5% phần trăm thị phần heo nội tiêu thụ nội địa.

Bên cạnh HAG, Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cũng là ứng cử viên sáng giá cho tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực trong nông nghiệp. Tập đoàn này hiện cũng trồng chuối, nuôi heo và bò.

Đã khẳng định được thành công bước đầu là Tập đoàn PAN (PAN) với các công ty thành viên giữ vị thế cao trong nhiều khâu của ngành nông nghiệp. Tập đoàn đang theo đuổi chiến lược hợp tác chặt chẽ với nông dân, đa dạng hóa sản phẩm FMCG như gạo, nuôi và chế biến tôm xuất khẩu, giống, thuốc bảo vệ thực vật… để tích hợp chuỗi giá trị theo chiều dọc, đảm bảo an ninh lương thực.

Trong thập kỷ qua, PAN đã tạo ra hệ sinh thái đa dạng với các công ty thành viên lớn trong ngành nông nghiệp như Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã NSC), Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), Công ty Khử trùng Việt Nam (mã VFC…). Kết quả kinh doanh quý III/2022 tích cực với doanh thu 3.585 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 142 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, nền nông nghiệp Việt Nam thực sự đã có những tiến bộ vượt bậc, các doanh nghiệp đã thể hiện tham vọng rõ ràng với mục tiêu “công nghiệp hóa nông nghiệp”. 2021 là năm thách thức với mọi ngành kinh tế, nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò là “trụ đỡ” với dấu ấn tăng trưởng ấn tượng, giá trị sản xuất của khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2021 so với năm 2020 ước tăng 2,86%.

Đặc biệt, trong bối cảnh một số nước phải tạm dừng xuất khẩu nhiều loại nông sản để đảm bảo cung ứng trong nước, thì Việt Nam với sự tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp, không những đã đảm bảo vấn đề an ninh lương thực cho gần 100 triệu dân, mà còn tiếp tục xuất khẩu được nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Bước sang năm 2022, nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm đạt 45 tỷ USD. Xuất siêu toàn ngành nông nghiệp cao trên 7 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt mốc 55 tỷ USD như kỳ vọng. Trước đó, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành khoảng 2,8 - 3% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 55 tỷ USD (Chính phủ giao 50 tỷ USD).

Đáng chú ý, trong tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 713.546 tấn, với giá trị đạt hơn 341 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Đây cũng là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta. Đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 6,1 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD (tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021).

Đối với thủy sản, Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng với giá trị xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD trong 10 tháng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy, chiếm trên 7% thị phần giao thương thủy sản toàn cầu.

Những kết quả trên xứng đáng được nhắc tới như “cầu vồng trong mưa” khi điều kiện sản xuất gặp nhiều hạn chế, thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tăng mạnh.

Theo giới nghiên cứu, những tín hiệu tích cực từ thị trường sẽ tạo đà cho toàn ngành tiếp tục bứt phá trong năm 2023. Cơ hội cho ngành nông nghiệp sẽ là rất lớn khi Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Thận trọng chiến lược sản xuất

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề đang được đặt ra khiến các doanh nghiệp còn e ngại, đặc biệt là các doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu…

Đồng thời, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh, một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát…, cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, đầu tư vào các doanh nghiệp vào lĩnh vực chế biến sâu của sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Các mặt hàng nông sản, nhất là rau quả vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía bắc thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội.

Thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường lớn khác đang nâng cao tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông nghiệp nhập khẩu, dẫn đến việc thích ứng các doanh nghiệp gặp nhiều khó. Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản, với nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu sẽ được thực thi. Điều này có nghĩa nước bạn không còn là thị trường “dễ tính”.

Để thay đổi và thích ứng trong bối cảnh lạm phát xảy ra tại nhiều nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo doanh nghiệp cần tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm thông qua khai thác dư địa và chuyển đổi loại hình sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đến nay, ngành thủy sản đang xúc tiến vào thị trường Anh, đây chính là cơ hội lớn khi nước này đang cần xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng sau khi rời EU. Ngành lúa gạo cũng đang tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu khi giá gạo Ấn Độ (chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu) tăng cao sau lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu gạo. Với vai trò quan trọng, ngành nông nghiệp xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm và đẩy mạnh đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Với một ngành kinh tế nền tảng như nông nghiệp chắc chắn trong tương lai, các doanh nghiệp lớn của ngành này sẽ là những tên tuổi hút dòng vốn, được nhà đầu tư yêu thích trên thị trường chứng khoán nếu đầu tư bài bản.

Tin bài liên quan