Cổ phiếu nhỏ: Thoát hàng hay chờ sóng mới?

Cổ phiếu nhỏ: Thoát hàng hay chờ sóng mới?

(ĐTCK-online) Trong đợt giảm điểm vừa qua, các cổ phiếu thị giá nhỏ, có tính đầu cơ cao đã giảm giá mạnh. Nhưng phiên giao dịch cuối tuần qua, một số cổ phiếu đã có dấu hiệu phục hồi, tăng giá trở lại hoặc áp lực bán yếu dần. Liệu các cổ phiếu nhỏ sẽ có một đợt tăng giá mới hay đó chỉ là sự phục hồi kỹ thuật, tạo cơ hội cho NĐT thoát hàng, rồi sau đó giảm tiếp?

Một trong những cổ phiếu có tính đầu cơ cao là DQC của CTCP Điện Quang đã giảm 7 phiên liên tiếp, trong đó có hai phiên giảm sàn, mức giá từ 60.000 đồng/CP xuống 50.000 đồng/CP. Phiên cuối tuần qua, cổ phiếu này tăng giá 4,08%, với lượng đặt mua gấp đôi lượng đặt bán.

Theo CTCK TP. HCM (HSC), rất nhiều mã nhỏ thuộc nhóm ngành bất động sản và các mã mới niêm yết trong thời gian gần đây đã tăng giá phiên thứ hai, trong bối cảnh không ít NĐT bắt đầu tìm cách khơi lại đợt tăng vừa qua. Các mã tăng giá mạnh gồm VC3, MCG, MCV, DQC, SC5, DIC, TLH và DHC. (Tuy nhiên, các mã như PVX, VSP, PPI, ANV, PVT, PTC, ICF lại giảm mạnh). Khối lượng giao dịch ở các mã PVX, PVA, PVL, PVC, VSP được cải thiện. Mã PVC và PVL lúc đóng cửa tăng giá, còn PVA chỉ giảm nhẹ. Đó là những dấu hiệu tích cực cho thấy, những mã trên có lẽ sẽ sớm chạm đáy, khi mà lượng dư bán mang tính kỹ thuật đang giảm dần. Đây cũng là dấu hiệu tốt cho toàn bộ thị trường.

Khó xác định được nhất là nhóm cổ phiếu "họ" PV, liệu có đứng được ở mức giá hiện nay hay không, bởi xung quanh các cổ phiếu này có nhiều tin đồn, mà thiếu thông tin xác thực để định giá cổ phiếu theo phương pháp cơ bản.

Một NĐT trên sàn chứng khoán FPT cho biết: "Nhóm đánh lên cổ phiếu ở sàn Hà Nội vẫn có lời, kể cả khi bán ở mức giá hiện nay, vì giá mua vào rất thấp. Vì vậy, với NĐT ôm khối lượng lớn các cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao, sự phục hồi giá của các cổ phiếu này trong 1 - 2 phiên có thể là cơ hội để bán bớt hàng ra, cơ cấu sang cổ phiếu an toàn hơn".

Tuy nhiên, tại sàn Hà Nội vẫn có những cổ phiếu có lý do hợp lý để tăng giá. Như cổ phiếu APG của CTCK An Phát. Với thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự kiến năm 2010 là 3.000 đồng, trong khi cổ phiếu APG được giao dịch dưới giá 20.000 đồng/CP, tương đương P/E dưới 7 lần, thấp nhất trong nhóm cổ phiếu chứng khoán niêm yết. Có lẽ vì thế mà cổ phiếu APG đã tăng giá trần liên tiếp, từ 15.500 đồng/CP lên 25.400 đồng/CP. Sau đó, theo đà điều chỉnh giảm của thị trường, cổ phiếu APG giảm mạnh trong 3 phiên, xuống còn 21.000 đồng/CP. Nhưng vào cuối tuần qua, cổ phiếu APG đã quay đầu tăng giá trần, lên 22.400 đồng/CP.

Cổ phiếu VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam đang trong đà tăng giá, với thông tin sẽ được đánh lên "đầu" 3, thì lình xình ở mức giá xung quanh 23.000 đồng/CP, do ảnh hưởng của thị trường điều chỉnh. Không loại trừ khả năng dòng tiền sẽ quay trở lại cổ phiếu này, bởi đây là DN có thông tin cơ bản khá tốt và ngành tàu biển đang phục hồi từ sau khủng hoảng. Tuy nhiên, CTCK Vina giữ quan điểm trung lập với cổ phiếu này, vì chỉ số P/E 4 quý gần nhất hiện khá cao.

Một số ý kiến cho rằng, trong nhóm cổ phiếu nhỏ tăng giá "nóng" thời gian qua có thể gạn được một vài cổ phiếu thu hút được dòng tiền quay trở lại, nhưng nhiều cổ phiếu có rủi ro cao, do thiếu thông tin cơ bản hỗ trợ. Sự phục hồi ngắn hạn của các cổ phiếu này có thể là cơ hội cho NĐT thoát hàng.

Một nhóm đầu tư mới mua vào có thể có ý định "đánh lên", tạo "sóng" mới, nhưng điều này còn phụ thuộc vào tình hình thị trường chung. Các NĐT cá nhân theo chân các "đội lái" này có thể gặp nhiều rủi ro, vì không có khả năng trường vốn mua bình quân giá xuống như các "đội lái". Vì thế, trong giai đoạn thị trường hiện nay, NĐT được khuyến nghị, không nên tin vào các "đội lái" với những tin đồn "đánh lên".