Do đó, không quá ngạc nhiên khi thị trường được đánh lên vào cuối phiên 5/7 với nhiều cổ phiếu thị giá nhỏ tăng trần.
Trong phiên giao dịch hôm qua, giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm xuống dưới 16.000 đồng/CP. Đây là mức giá gấp đôi so với giá đáy năm ngoái là 8.000 đồng/CP, nhưng so với lợi nhuận của HSG đạt được trong niên độ tài chính này là 300 - 400 tỷ đồng, thì mức giá hiện nay chỉ tương ứng với P/E dự kiến là 3 - 4 lần.
Lãi suất giảm khiến chi phí vốn vay giảm, giúp tỷ suất lợi nhuận của HSG tăng lên. Nhưng điểm đáng chú ý là trong nửa đầu năm 2012, thị phần tôn mạ của HSG đã tăng từ hơn 33% lên 42%, sản lượng, doanh thu tăng trưởng mạnh.
Lợi thế của Hoa Sen cũng giống như ở một số DN sản xuất khác. Tranh thủ thời điểm các DN nhỏ khó khăn, các DN lớn lấy lợi thế quy mô, giá cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần. Bất lợi lớn nhất của các DN này là chi phí vốn đang được giải tỏa, để bù cho việc tỷ suất lợi nhuận có thể giảm do sức cầu giảm.
Trong nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ tăng trần phiên hôm qua có CDC, SAM, VNE… là các DN không thua lỗ, vẫn đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ từ 10 - 20%. Thậm chí, năm nay SAM có khả năng đạt lợi nhuận đủ bù đắp lỗ lũy kế năm ngoái. Ngoài ra, nếu thoái vốn thành công ở Cáp Sài Gòn, SAM còn có nguồn tiền mặt và lợi nhuận đáng kể từ hoàn nhập dự phòng.
Các cổ phiếu có tính dẫn dắt dòng tiền đầu cơ là VND, SCR, VCG, PVX, SHS, HBB đã tăng trần với lượng mua lớn vào cuối phiên.
Nhiều ý kiến nhận định, một số cổ phiếu thị giá nhỏ đã chạm đáy trước thị trường chung.
Theo báo mới nhất của CTCK SHS, với bối cảnh vĩ mô và cung cầu hiện tại, công ty này nghiêng về kịch bản thị trường theo chiều hướng giảm trước khi tăng điểm trở lại. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường trong kịch bản này là khoảng 395 điểm đối với VN-Index; 66 điểm đối với HNX-Index.
Nhìn thực tế diễn biến thị trường có thể thấy, giá một số cổ phiếu thuộc hàng blue- chip như SSI, HCM, HAG, HPG, EIB, VCB… chưa thực sự hấp dẫn trong việc thu hút dòng tiền trong điều kiện hiện tại. Nhưng các cổ phiếu có thị giá thấp đã chạm đáy trước, khi nhiều cổ phiếu đã giảm về gần sát với mức giá đáy trước đợt phục hồi đầu năm. Một số cổ phiếu của DN hoạt động cơ bản có P/E thấp như HSG, REE, MBB, CSM… đã giảm về giá mà P/E dự kiến dưới 5 lần, thấp hơn nhiều P/E của thị trường. Trong khi đó, mặc dù chưa có chuyển biến tích cực như mong đợi, nhưng nền kinh tế vĩ mô không còn quá xấu và khó lường như cuối năm ngoái.
Vấn đề nằm ở tâm lý thị trường. Từ tâm lý háo hức và tin tưởng rằng nền kinh tế và TTCK sẽ sôi động do tác động của lãi suất giảm, NĐT đã chuyển sang thất vọng khi nhận ra rằng, sẽ phải chờ đợi một thời gian dài để các chính sách hỗ trợ kinh tế phát huy tác dụng.
Một báo cáo về kinh tế vĩ mô của nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy được nhiều NĐT quan tâm trong tuần qua đã đưa ra nhiều nhận định mà theo đó, TTCK năm 2012 sẽ khó khả quan. Chẳng hạn, ông Thúy nhận định, tăng trưởng tín dụng bình quân 2%/tháng trong 6 tháng cuối năm khó thành hiện thực và cũng không nên làm việc này bằng mọi giá, vì hậu quả sẽ rất tai hại.
Tuy nhiên, một nhận định khác trong bản báo cáo này có thể tiếp sức cho TTCK là: “Lãi suất huy động sẽ tương đối ổn định ở mức như cuối tháng 6. Còn lãi suất cho vay bình quân sẽ còn tiếp tục giảm xuống, mức giảm nhiều hay ít hay vừa còn tùy thuộc vào khả năng thanh khoản và cách quản trị của từng ngân hàng, vừa tùy thuộc vào các biện pháp can thiệp của Chính phủ”.
Theo khảo sát của phóng viên ĐTCK, với một bộ phận không nhỏ DN niêm yết thì lãi suất giảm đến mức đủ để DN tiếp tục tăng trưởng, với một bộ phận khác thì lãi suất giảm là đảm bảo không thua lỗ. Vậy thì không có lý gì cổ phiếu của những DN này lại giảm quá sâu.