Trao đổi với ĐTCK, các môi giới chứng khoán cho biết, hoạt động mua bán cổ phiếu khối ngân hàng vẫn là chủ đạo trên thị trường OTC vì dễ mua và có giao dịch thường xuyên, như ABBank, Techcombank... Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công tương đối nhỏ. Gần đây, sự quan của NĐT tập trung vào các cổ phiếu khác.
Cổ phiếu Thaco “cháy hàng”
Cách đây hơn 1 tháng, trước khi ĐHCĐ thường niên của CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco) diễn ra, cổ phiếu Thaco trên thị trường OTC đã được tìm mua ở mức 50.000 - 60.000 đồng/CP. Nhu cầu mua cổ phiếu này tăng cao sau khi ĐHCĐ được tổ chức, với thông tin về kết quả kinh doanh năm 2015 tăng trưởng cao và triển vọng kinh doanh khả quan. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu Thaco tăng lên trên 80.000 đồng/CP, nhưng thường xuyên trong tình trạng “cháy hàng”.
Năm 2015, Thaco đạt 45.840 tỷ đồng doanh thu, gần gấp đôi so với năm 2014; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 7.038 tỷ đồng, vượt 55% kế hoạch và tăng 115% so với năm 2014; cổ tức 30%. ĐHCĐ Thaco đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với chỉ tiêu lượng xe tiêu thụ 112.336 xe, tăng 31.915 xe so với năm 2015; doanh thu 71.735 tỷ đồng, tăng 56%; lợi nhuận sau thuế 8.212 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2015.
Theo thống kê mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 4/2016, Thaco tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về doanh số bán xe trong cả nước, với 10.436 xe, chiếm 45,4% thị phần trong VAMA.
Giới đầu tư đánh giá, Thaco đạt kế hoạch lợi nhuận năm nay thì EPS là 21.357 đồng, với mức giá 80.000 đồng/CP, hệ số P/E tương ứng là 3,74 lần. Mức định giá cổ phiếu này vẫn hấp dẫn so với giá trị thực và vị thế của một công ty đầu ngành.
Cổ phiếu Quasuco được săn đón
Một cổ phiếu khác cũng đang được nhiều NĐT săn đón và trong tình trạng “cháy hàng” từ đầu tháng 5 đến nay là Quasuco của CTCP Đường Quảng Ngãi. Cổ phiếu Quasuco được chào mua ở mức giá hơn 100.000 đồng/CP. Môi giới của một CTCK cho biết, có khách hàng đặt mua 60.000 cổ phiếu Quasuco với giá 105.000 đồng/CP, nhưng chưa tìm được nguồn hàng bán.
Theo báo cáo tài chính quý I/2016, Quasuco ước đạt 1.707 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy chiếm tỷ trọng cao nhất, với 680 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ước đạt 214 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau 10 năm thực hiện cổ phần hóa, lợi nhuận của Quasuco tăng từ 26 tỷ đồng năm 2006 lên 1.230 tỷ đồng năm 2015. Năm 2015, Quasuco đạt tổng doanh thu 7.898 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 1.230 tỷ đồng, tăng 7,95 lần so với kế hoạch và tăng 58,9% so với năm 2014. Lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2015 của Quasuco là 10.317 đồng. Ở mức giá 100.000 đồng/CP, cổ phiếu của Công ty đang có P/E là 9,3 lần, tương đối cao trong khối doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Cổ phiếu ACV: cầu tăng, nhưng ít người bán
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) không có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2015, nhưng nhờ vị thế độc quyền trong ngành hàng không nên tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận được đảm bảo ở mức ổn định.
Kể từ khi ACV chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 12/2015, giao dịch cổ phiếu ACV khá trầm lắng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2016 đến nay, giao dịch cổ phiếu ACV bắt đầu sôi động hơn.
Theo thông tin trên thị trường OTC, trong vòng 2 tháng qua, giá cổ phiếu ACV tăng từ 16.000 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP. Hiện nhiều NĐT đang chào mua cổ phiếu này với giá 19.000 - 20.000 đồng/CP, tùy theo khối lượng lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, bên bán vẫn rất ít, mặc dù ở mức giá này, những NĐT trúng đấu giá mức trung bình trong phiên IPO cuối năm ngoái đã có tỷ suất lợi nhuận 30 - 40%.
Tìm hiểu của ĐTCK ở một số CTCK có hoạt động môi giới cổ phiếu OTC cho thấy, tâm lý chung của các NĐT trên thị trường OTC khá thận trọng, thường mua hoặc bán một lượng cổ phiếu nhỏ trước để thăm dò giá. Khi sau khi tìm được mức giá phù hợp, NĐT mới sẵn sàng tiến tới những giao dịch lớn hơn.