Cổ phiếu ngành thép: nguy hiểm hay cơ hội?

Cổ phiếu ngành thép: nguy hiểm hay cơ hội?

(ĐTCK-online) Trong kzhi nhiều nhà đầu tư e ngại cổ phiếu ngành thép vì lượng hàng tồn kho lớn trong tháng 8 thì không ít CTCK lại tư vấn nên đầu tư vào cổ phiếu ngành này, vì đây là ngành có tiềm năng phát triển và P/E trung bình ngành hiện ở mức thấp hơn P/E trung bình toàn thị trường.

Gỡ khó cho doanh nghiệp thép

Trước tình hình tồn kho phôi thép lớn, Hiệp hội Thép và các DN sản xuất phôi thép đã gửi kiến nghị đến cơ quản lý đề nghị giảm thuế xuất khẩu phôi thép. Ngày 8/9, Bộ Công thương có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét giảm thuế xuất khẩu phôi thép từ 20% xuống 5% hoặc có chính sách hỗ trợ DN sản xuất phôi thép trong nước giải quyết khó khăn về vốn, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Phôi thép xuất khẩu đã bị áp mức thuế xuất khẩu tuyệt đối 200 USD/tấn (tương đương 20%) từ tháng 7/2008. Lý do tăng thuế là cơ quan quản lý lo ngại thiếu phôi cho sản xuất trong nước vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009 khi DN ngành thép xuất ngược phôi ra nước ngoài. Sáu tháng đầu năm 2008, các DN đã xuất khẩu 380.000 tấn phôi thép, trong đó có 180.000 tấn sản xuất trong nước, 200.000 tấn còn lại là phôi nhập khẩu. Ngoài ra, 230.000 tấn thép thành phẩm khác đã nhập khẩu trước đó cũng bị xuất khẩu. Thời điểm đó, giá phôi thép thế giới có xu hướng tăng cao, lên đến 1.200 USD/tấn, trong khi phôi thép sản xuất trong nước mới đáp ứng gần 50% nhu cầu, nếu thiếu phôi sẽ ảnh hưởng đến việc bình ổn giá thép xây dựng.

Nhưng từ tháng 8, tình hình thị trường thép đã thay đổi. Theo phân tích của Bộ Công thương, giá phôi liên tục giảm từ 1.200 USD xuống 850 - 860 USD/tấn. Đối với thị trường trong nước, do tác động cắt giảm đầu tư công, yếu tố "kiêng" tháng 7 âm lịch nên lượng thép bán ra trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiêu thụ chỉ khoảng 120.000 tấn, bằng 50% so với tháng 7 và hơn 30% so với các tháng trong quý I. Nhiều DN cán thép đã từ chối mua sản phẩm phôi thép do sản xuất thép cán tiêu thụ chậm. Lượng thép và phôi dự trữ lớn khiến DN chấp nhận giảm giá để đẩy mức tiêu thụ. Giá phôi thép hiện nay chỉ ngang bằng với giá phôi thế giới hoặc cao hơn một chút. Vì vậy, DN phôi phải xuất khẩu phôi để thu hồi vốn và trang trải chi phí sản xuất. Với mức thuế 20% thì DN không thể xuất khẩu.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không thiếu thép nên việc giảm thuế xuất khẩu để tháo gỡ khó khăn cho DN thép là hợp lý. Các DN cho biết, nếu không có đầu ra cho sản phẩm, DN thép ngừng sản xuất sẽ thiệt hại chung cho cả nền kinh tế. Theo Bộ Công thương, đầu tư sản xuất phôi thép là đúng với chiến lược và quy hoạch phát triển ngành, được Nhà nước khuyến khích đầu tư nên khó khăn của DN thép cần được tháo gỡ kịp thời để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Nguy hiểm hay cơ hội

Do những biến động của thị trường thép theo chiều hướng bất lợi, cộng với rủi ro về chính sách nên giá cổ phiếu của nhiều DN thép trên thị trường đã giảm mạnh trong hai tuần qua. Tuy nhiên, tính thanh khoản rất cao. Tiêu biểu trên thị trường niêm yết là cổ phiếu HPG với lợi nhuận từ thép chiếm tỷ lệ tương đối lớn, giá giảm liên tục nhưng khối lượng giao dịch mỗi phiên rất lớn và nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên mua ròng. Đại diện trên thị trường OTC là cổ phiếu của CTCP Thép Đình Vũ, giá giảm mạnh từ 76.000 đồng/CP xuống 49.000 đồng/CP và đang được nhiều nhà đầu tư hỏi mua ở mức giá 52.000 - 55.000 đồng/CP.

Theo CTCK Bản Việt, năm 2008, DN ngành thép phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, song nhìn chung, năm nay vẫn là năm phát triển tốt cho DN ngành thép, tiềm năng tăng trưởng của ngành thép là rất lớn. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình ngành từ 10 - 13%/năm. Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng chiếm 65% tổng tiêu thụ toàn ngành và phần lớn được đáp ứng bởi DN trong nước, còn thép dẹt phải nhập khẩu hoàn toàn.

Trong tương lai, ngành thép có sự chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ sản phẩm, chuyển từ thép xây dựng sang thép dẹt và phôi thép làm nền tảng cho sự phát triển của ngành thép theo hướng hiệu quả hơn và hiện đại hơn.

Trong bản báo cáo "Kinh tế Việt Nam - Con thuyền vượt sóng" hồi cuối tháng 8, Bản Việt nhận định, nên đầu tư vào cổ phiếu ngành thép. Chỉ số P/E của cổ phiếu ngành thép đang niêm yết (như HPG, VIS, HMC, SMC) tại thời điểm ngày 12/8 tính theo phương pháp bình quân gia quyền là 6,94 lần, thấp hơn so với mức P/E 11,21 lần của ngành phân đạm; 13,4 lần của ngành khoáng sản; 8,17 lần của ngành cá da trơn; 14,19 lần của ngành dầu khí; 10,32 lần của ngành vận tải biển. Các chỉ số P/S, P/BV của cổ phiếu ngành thép cũng ở mức thấp nhất trong các ngành. P/E của Thép Đình Vũ và Tôn Hoa Sen, 2 công ty đang có kế hoạch niêm yết còn ở mức thấp hơn, chỉ là 3 lần và 7 lần.

Cuối tuần qua, trong báo cáo "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 8", CTCK Bảo Việt cho biết, do kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm tốt nên cổ phiếu ngành vật liệu cơ bản (trong đó có thép) có mức P/E dưới mức trung bình chung của thị trường. "Theo đánh giá của chúng tôi, trong 6 tháng cuối năm, DN thuộc ngành vật liệu cơ bản, dầu khí và dịch vụ công cộng vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và có kết quả kinh doanh ổn định", CTCK Bảo Việt nhận định.

Nhìn chung, nếu nhà đầu tư tin tưởng kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và tăng trưởng thì điều đó cũng có nghĩa là không thể thiếu sự tăng trưởng của ngành thép.