Cổ phiếu ngành than: Cơ hội vẫn mở

Cổ phiếu ngành than: Cơ hội vẫn mở

(ĐTCK) Được mệnh danh là “vàng đen”, nhưng ngành than đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Giá bán than đang bằng với giá thành. Thậm chí, giá bán than cho ngành điện chỉ bằng 50 - 60% giá thành sản xuất.

Dồn dập khó khăn

Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin - TKV) - cổ đông sở hữu cổ phần chi phối tại 8/8 DN than đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho biết, tính đến hết tháng 8, các DN thành viên còn tồn kho 6,9 triệu tấn than. Nguyên do là xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đạt thấp. Cụ thể, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu của các DN than thuộc TKV ước đạt 8,7 triệu tấn, bằng 76,2% cùng kỳ năm trước. Doanh thu của Tập đoàn ước đạt 50.000 tỷ đồng, chỉ bằng 52% kế hoạch năm và bằng 82,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu ngành than: Cơ hội vẫn mở ảnh 1

Có thể từ năm 2014, Việt Nam sẽ đóng cửa các mỏ than lộ thiên

Xét 8 DN than đang niêm yết, trong quý II/2012, chỉ 4 DN là Than Núi Béo (NBC), Than Cao Sơn (TCS), Than Tà Hu (THT), Than Mông Dương (MDC) là kinh doanh có lãi. Còn lại, Than Cọc Sáu (TC6), Than Đèo Nai (TDN), Than Hà Lầm (HLC), Than Vang Danh (TVD) đều lỗ. Trường hợp MDC, nếu không nhờ lãi khác bù đắp, thì cũng đã thua lỗ.

Góp phần vào kinh doanh ảm đạm của các DN than còn do giá bán than đang bằng giá thành, riêng giá bán than cho ngành điện chỉ bằng 50 - 60% giá thành sản xuất. Vì thế, mới đây, các DN than đã thông qua Bộ Công thương để kiến nghị lên Chính phủ cho phép các DN than được điều chỉnh giá than bán cho ngành điện. Cụ thể, kiến nghị giá bán than cho ngành điện sẽ tăng lên theo hướng bằng giá thành năm 2011 đã được kiểm toán. Từ năm 2013, giá bán than cho ngành điện sẽ theo cơ chế giá thị trường. Đồng thời, DN ngành than cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm thuế xuất khẩu than đá xuống mức 10%. Bởi với mức thuế xuất khẩu than 20% như hiện tại, trong khi giá than thế giới giảm mạnh, từ 25 - 40% so với cuối năm 2011, các DN than đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chưa kể, ngoài thuế xuất khẩu 20%, thì thuế GTGT đầu vào than xuất khẩu của DN ngành than cũng không được khấu trừ 10%, cộng thêm các phí khác như phí tài nguyên, phí môi trường, phí thăm dò… ước chiếm khoảng 10%, tính ra ngành than chỉ còn 60% nguồn thu để cân đối các chi phí sản xuất.

 

Cơ hội vẫn mở

Trên TTCK, không phải tất cả các cổ phiếu ngành than đều kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Bằng chứng là một số tổ chức vẫn đang cố gắng nâng tỷ lệ sở hữu tại các DN ngành này. Chẳng hạn, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã âm thầm mua và trở thành cổ đông lớn tại NBC, TDN. Ngày 24/8, REE tiếp tục gom và chính thức nắm 6,67% vốn ở NBC và 8,14% vốn ở TDN.

Lãnh đạo REE từng chia sẻ, REE đánh giá cao tiềm năng và tính ổn định của các ngành năng lượng như điện, nước, than và định hướng tham gia lâu dài vào các DN ngành này.

Theo một nghiên cứu của CTCK Tân Việt, thì ngành than có nhiều triển vọng. Khoảng 39% lượng điện sản xuất ra trên toàn thế giới là từ than và tỷ sẽ này dự kiến vẫn được duy trì cho đến năm 2030. Than không chỉ phục vụ cho sản xuất điện, mà còn là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành như sản xuất thép, kim loại, xi măng, các loại chất đốt hóa lỏng, giấy, phân bón…

Vì thế, theo nhiều chuyên gia, sức tiêu thụ than có giảm như đang xảy ra ở đa số DN than, thì đó chỉ là nhất thời, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế chung. Khi các nền kinh tế phục hồi trở lại, nhu cầu chất đốt nói chung và than nói riêng vẫn lớn. Khi đó, giá than thế giới sẽ tăng trở lại và các DN có tham gia xuất khẩu than như ở Việt Nam sẽ cải thiện được lợi nhuận.

Liên quan đến lo ngại tồn kho lớn ở DN ngành than, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính phân tích, tồn kho lớn của DN than thực ra không đáng ngại. Vì tồn kho này ít hư hao, có thể sử dụng, bán đi mà không suy giảm bao nhiêu về giá trị. Đó cũng là lý do để nhiều nước như Mỹ vẫn dự trữ lượng lớn than đá.

Các chuyên gia cũng lưu ý, sự sụt giảm lượng than xuất khẩu gần đây, ngoài nguyên nhân tiêu thụ giảm, còn do phía DN chủ động cắt giảm lượng than xuất khẩu khi đứng trước bài toán thu - chi không hiệu quả.

Nghĩa là, nếu các DN than được hỗ trợ trong chính sách giá bán, được giảm thuế xuất khẩu như kiến nghị nêu trên, thì tình thế sẽ thay đổi và lợi nhuận của DN có cơ hội cải thiện. Trong tình huống xấu hơn, triển vọng dài hạn cho DN than vẫn được đánh giá ổn định.

Quan trọng là các DN than có khả năng dự trữ và khai thác được bao nhiêu. Nếu DN than sở hữu những mỏ than dạng hầm, lò cho trữ lượng lớn (vì có thể từ năm 2014, Việt Nam sẽ đóng cửa các mỏ lộ thiên), DN có công nghệ cho phép khai thác than ở mức tối đa, biết tổ chức quản lý tốt..., thì đây sẽ là những DN có triển vọng, được khuyến nghị đầu tư, dù hoạt động kinh doanh hiện tại không mấy sáng sủa.