Doanh thu tăng cao
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp có đà phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tính tăng 4% so với tháng 4 và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 8,3%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Theo số liệu do Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5/2022 của Việt Nam đạt 54,7 điểm, mức cao nhất trong vòng 13 tháng và đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp đạt trên 50 điểm. Như vậy, hoạt động sản xuất liên tục mở rộng kể từ tháng 10/2021, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Trong đó, ngành thủy sản đang tăng tốc mạnh mẽ. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2021; riêng cá tra và tôm đạt kim ngạch khoảng 2,8 tỷ USD.
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) chia sẻ, trong tháng 5/2022, Công ty ghi nhận doanh số tiêu thụ chung đạt 22,2 triệu USD (tương đương 510 tỷ đồng), tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.000 tấn và sản lượng sản xuất nông sản đạt 317 tấn. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, doanh số tiêu thụ chung của FMC đạt gần 100 triệu USD (tương đương 2.295 tỷ đồng), tăng 31% so với cùng kỳ.
Tổng giám đốc FMC Phạm Việt Hoàng ước tính, hoạt động chế biến, xuất khẩu và nuôi tôm diễn ra thuận lợi nên nhiều khả năng lợi nhuận trong quý II/2022 sẽ cao hơn cùng kỳ năm 2021 ít nhất là 20% (đạt khoảng 100 tỷ đồng).
Trong năm 2022, FMC hướng đến sản lượng tôm tự nuôi có thể đáp ứng 20 - 30% nhu cầu về nguyên liệu, nhờ đưa thêm 52 ha vùng nuôi tôm của Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An vào khai thác trong 6 tháng cuối năm, nâng tổng diện tích chung lên 320 ha.
Đối với ngành dệt may, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) ghi nhận doanh thu tiêu thụ trong tháng 5/2022 đạt 666 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 2.479 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Kết quả này đến từ nỗ lực của TNG trong việc chủ động tìm kiếm thị trường, linh hoạt sản xuất - kinh doanh; ký kết nhiều đơn hàng may xuất khẩu; bổ sung nguồn vốn để trang bị thêm máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ ngành may mặc kỹ thuật cao; ứng dụng các giải pháp liên quan đến chuyển đổi số...
Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, quý II/2022, ngành dệt may Việt Nam có diễn biến tích cực nhờ công suất của các nhà máy phục hồi trong bối cảnh các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 được nới lỏng và người lao động dần quay trở lại làm việc. Hơn nữa, quý II là giai đoạn cao điểm của ngành dệt may khi các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất đơn hàng cho vụ Thu - Đông. Ngành này có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 42 - 43,5 tỷ USD trong năm 2022 (năm 2021 đạt 40,3 tỷ USD).
Một ngành sản xuất khác có sự chuyển biến tích cực là sản xuất, chế biến gỗ. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã chứng khoán ACG) cho biết, Công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 5 tháng đầu năm 2022, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ nay đến cuối năm, nếu không có các yếu tố tác động bất ngờ, ACG có thể thực hiện vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm là 551 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã chứng khoán GDT), doanh thu 5 tháng đầu năm 2022 đạt 199 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ nâng cấp máy móc, thiết bị nên biên lợi nhuận được cải thiện, quay trở lại mức cao như giai đoạn 2018 - 2019. Hiện tại, các đơn hàng mà GDT đã ký đạt 60% kế hoạch năm 2022.
Vượt qua trở ngại
Hoạt động kinh doanh của các nhóm doanh nghiệp trên nhìn chung diễn ra thuận lợi, dù phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu sản xuất thiếu hụt, chi phí tăng cao và việc xuất nhập khẩu ở một số thị trường gặp khó khăn.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như dệt may, thủy sản được hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục của các thị trường lớn.
Cụ thể, khoảng 50 - 52% nguyên liệu phục vụ ngành dệt may và da giày của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng thời gian qua, nước này thực hiện chiến lược “Zero Covid” khiến không ít nhà máy phải tạm dừng sản xuất để phòng chống dịch, dẫn đến nguồn cung ứng bị hạn chế.
Với ngành thủy sản, việc Trung Quốc kiểm tra nghiêm ngặt dấu vết Covid-19 trên các lô hàng nhập khẩu, nhất là cá tra, có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp phải nhận hàng về và bị tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này vì Covid-19.
Trong khi đó, theo VASEP, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục có tác động tiêu cực đến đa số ngành kinh tế, trong đó có khai thác thuỷ sản, khiến nguyên liệu trở nên khan hiếm vì chi phí khai thác cao. Nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu đã và đang là bài toán khó với các doanh nghiệp.
Một trở ngại khác có tác động đến nhiều doanh nghiệp sản xuất là tình trạng thiếu container tại các bến cảng, chi phí logistics và giá xăng dầu ở mức cao.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sản xuất loại hàng hóa nào thì việc vận chuyển hàng hóa vẫn phải thông qua hệ thống logistics. Giá xăng dầu tăng cao kéo theo chi phí logistics gia tăng, ảnh hưởng đến chuỗi vận chuyển và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Mặc dù gặp khó khăn, thách thức, nhưng Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, trong năm 2022, nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như dệt may, thủy sản được hưởng lợi nhờ hoạt động sản xuất trở lại trạng thái bình thường mới, không bị gián đoạn trong thời gian dài như năm 2021, đồng thời nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn tiếp tục hồi phục, qua đó sẽ tác động tích cực lên mặt bằng giá cổ phiếu các nhóm ngành này trên sàn chứng khoán.