Cổ phiếu ngành khí còn nhiều dư địa tăng

Cổ phiếu ngành khí còn nhiều dư địa tăng

(ĐTCK) Giá dầu trong xu hướng tích cực, dư địa thị trường lớn, doanh nghiệp ngành khí Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng tốt. Cổ phiếu ngành khí theo đó còn tiềm năng tăng, nhất là sau đợt điều chỉnh vừa qua.

Dư địa tăng trưởng ngành vẫn lớn

Sau thời gian tăng giá mạnh lên gần 80 USD/thùng vào giữa tháng 4/2018, giá dầu Brent trên thị trường thế giới đã điều chỉnh về khoảng 75 USD/thùng. Dù vậy, mức này vẫn được đánh giá là tích cực đối với các doanh nghiệp trong nhóm ngành dầu khí.

Giai đoạn 2000 - 2016, ngành khí thế giới tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 2,5%. Theo giới phân tích, nhu cầu khí thiên nhiên sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 2,1%/năm ở giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những động lực chính cho tăng trưởng của ngành khí trong thời gian tới, với tốc độ tiêu thụ LPG mạnh.

Trong bối cảnh đó, ngành khí Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn khi tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2011 - 2016 đạt khoảng 4%, đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của thế giới.

Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu sử dụng nhiên liệu lớn, song thực tế mức tiêu thụ khí trên đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 15,6 kg/người/năm - mức tiêu thụ khí thấp so với các quốc gia lớn khác trong khu vực như Trung Quốc (16,9 kg/người/năm) và Nhật Bản (124,4 kg/ người/năm) – nên dư địa tăng trưởng của ngành còn rất lớn.

Tuy nhiên, thách thức lớn với các doanh nghiệp ngành khí trong nước hiện nay là sản lượng LPG chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa. 60% sản lượng khí LPG cung cấp ra thị trường là từ nguồn nhập khẩu. 

Cùng với LPG, mảng cấp khí CNG cho hoạt động giao thông vận tải công cộng được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, bởi xu hướng sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến hơn.

Với diễn biến giá dầu hiện nay và nhu cầu tiêu thụ LPG lớn, các doanh nghiệp trong ngành khí có nhiều cơ hội để khai thác dư địa của ngành và ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm nay. Hầu hết các doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh ở mức giá dầu 55 USD/thùng, trong khi dự báo giá dầu năm 2018 sẽ không thấp hơn mức 60 USD/thùng.

Cổ phiếu ngành khí đang ở đâu?

Nhắc đến cổ phiếu ngành khí, không thể không nhắc đến Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS). GAS hiện là nhà sản xuất và cung cấp khí thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam. Đối tượng khách hàng chủ yếu của GAS phần lớn là các nhà máy điện và đạm.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, với 80% cơ cấu sản lượng đến từ các khách hàng công nghiệp là các nhà máy điện, trong khi đó nhu cầu sử dụng điện dự báo tăng trưởng ít nhất 8%/năm, dự báo nhu cầu khí sử dụng tăng trưởng ít nhất 6%/năm, là cơ sở để GAS tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực.

Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 (dự kiến đi vào hoạt động năm 2019), dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (dự kiến đi vào hoạt động năm 2021) sẽ giúp GAS đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh ngành khí Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Với lợi thế kiểm soát nguồn khí đầu vào, biên lợi nhuận ròng trên doanh thu của GAS được duy trì ở mức 14 - 15%. Quý I/2018, doanh thu và lợi nhuận của GAS lần lượt đạt 18.162 tỷ đồng và 2.665 tỷ đồng, tăng 11,7% và 20,3% so với cùng kỳ năm 2017, hoàn thành lần lượt 32,5% và 41,4% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Sau thời gian tăng giá mạnh cùng sự khởi sắc của  giá dầu, cổ phiếu GAS cũng như hầu hết các cổ phiếu trong nhóm đã điều chỉnh với mức tương đương đầu năm 2018. Phiên giao dịch 13/6, thị giá GAS đóng cửa ở mức 94.900 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, P/E dự phóng năm 2018 của GAS khoảng 27 lần.

Nằm trong hệ thống công ty liên kết của GAS, CTCP Kinh doanh khí miền Nam (PGS) ghi nhận sự tăng trưởng khả quan về kết quả kinh doanh gắn với sự cải thiện giá dầu. Hiện PGS đang là nhà phân phối LPG, CNG, LNG lớn nhất khu vực miền Nam với thị phần 35,6%. Lợi nhuận của PGS chủ yếu đến từ chênh lệch giữa giá khí đầu vào và giá khí bán ra trên thị trường.

Về năng lực khai thác, PGS sở hữu hệ thống 4 kho chứa, được đầu tư xây dựng trải dài từ miền Trung đến miền Tây Nam Bộ, tổng sức chứa là 8.100 tấn. Năm 2018, PGS lên kế hoạch kinh doanh thận trọng trên cơ sở giá dầu 55 USD/thùng.

Với diễn biến giá dầu nằm trong xu hướng tăng từ đầu năm, nhiều dự báo cho rằng, doanh thu và lợi nhuận trong quý II của PGS sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan. Phiên 13/6, PGS hầu như không có giao dịch, tại mức giá tham chiếu 31.000 đồng/cổ phiếu, tăng 23% so với hồi đầu năm. PGS đang được giao dịch ở mức P/E 14,7 lần, tương đương mức bình quân ngành.

Một doanh nghiệp ngành khí khác là CNG Việt Nam (CNG) cho thấy sự thận trọng rõ rệt khi đặt kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 13,7% so với năm 2017, đạt 94,3 tỷ đồng. Với mức giá đóng cửa ngày 13/6 là 28.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu CNG giảm 5,7% so với đầu năm 2018. Ở mức giá này, PGS đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 12 lần, thấp hơn so với mức bình quân ngành.

Một cổ phiếu ngành khí khác mới gia nhập sàn chứng khoán từ đầu năm 2018 cũng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư là PMG của CTCP Đầu tư và sản xuất Petro Miền Trung. PMG niêm yết từ ngày 25/1/2018 với giá đóng cửa phiên chào sàn đạt 16.800 đồng/cổ phiếu. Đến nay, cổ phiếu PMG đã tăng trưởng mạnh hơn 51% so với thời điểm niêm yết.

PMG kinh doanh chính trong lĩnh vực khí, thị trường chủ yếu là miền Trung. Lợi thế của PMG là sở hữu chu trình sản xuất khép kín, bao gồm sở hữu cầu cảng, hệ thống tổng kho với sức chứa 5.000 - 20.000 tấn và sở hữu nhà máy sản xuất vỏ bình với công suất 1,4 triệu vỏ bình/năm, giúp PMG chủ động trong việc kiểm soát các chi phí.

Năm 2018, PMG đặt kế hoạch doanh thu 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 25% so với năm 2017. Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, ước tính 6 tháng đầu năm, Công ty có thể đạt 60 - 70% kế hoạch lợi nhuận đề ra, nhờ diễn biến tích cực của giá dầu và việc chuyển nhượng vốn tại một công ty con.

Nhìn chung, diễn biến của các cổ phiếu ngành khí có sự tương quan nhất định so với giá dầu. Tuy nhiên, việc chủ động được đầu vào sẽ là lợi thế giúp các doanh nghiệp ổn định mức biên lợi nhuận gộp. Theo đó, nhà đầu tư sẽ nhìn vào cách mà doanh nghiệp chủ động trong kinh doanh, bao gồm cả việc kiểm soát đầu vào và chi phí để tối đa hóa giá trị cho doanh nghiệp, từ đó phản ánh vào giá trị của cổ phiếu. 

Tin bài liên quan