Cổ phiếu ngành đường “chưa thấy vị ngọt”

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành đường mang gam màu sáng, không nhiều nhà đầu tư cảm nhận được vị ngọt từ nhóm cổ phiếu này.
Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp mía đường mang nhiều mảng màu đối lập. Ảnh: Đức Thanh

Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp mía đường mang nhiều mảng màu đối lập. Ảnh: Đức Thanh

Kinh doanh khởi sắc

Lần đầu tiên, doanh thu từ mảng kinh doanh đường tại Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS) “lấn lướt” và vượt lên trên số tiền mang về từ sản phẩm sữa đậu nành. “Ông chủ” hãng sữa đậu nành Fami ghi nhận kinh doanh khởi sắc trong cả năm 2023, mà động lực lớn nhất cũng từ các sản phẩm đường.

Ông Võ Thành Đàng, Tổng giám đốc Đường Quảng Ngãi cho biết, sức mua vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn đại dịch đã kéo giảm sản lượng tiêu thụ các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo. Lợi nhuận các nhóm này giữ được mức xấp xỉ cùng kỳ là nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí.

Tuy vậy, với sản phẩm đường, sản lượng tiêu thụ năm 2023 đã tăng tới 73%, doanh thu đạt hơn 4.038 tỷ đồng, lần đầu “nhỉnh” hơn so với sản phẩm sữa và cao gấp hơn 2 lần năm 2022. Lợi nhuận gộp cũng gấp 3,22 lần cùng kỳ, thu về gần 1.210 tỷ đồng.

“Thời gian qua, Đường Quảng Ngãi đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường đã đi vào hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm”, ông Đàng cho biết.

Tổng giám đốc Đường Quảng Ngãi cũng thừa nhận, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu là một trong những nguyên nhân giúp mảng kinh doanh này đạt hiệu quả cao.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành đường cũng gia tăng doanh thu, giành thị phần trong bối cảnh này. Ghi nhận niên độ tài chính từ cuối tháng 6, doanh thu hai quý gần đây của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT) đều tăng trưởng. Riêng quý gần nhất, doanh thu chỉ tăng nhẹ lên 7.028 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận tăng vọt từ 7,6% lên 10,6%, đã kéo lợi nhuận gộp tăng tới 40%.

Lãnh đạo Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết, việc chuyển dịch cơ cấu doanh thu hướng đến chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện của Công ty theo đúng lộ trình là yếu tố chính giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp. Chi phí lãi vay tăng rất mạnh từng là nguyên nhân khiến lợi nhuận quý đầu niên độ 2023 (từ ngày 1/7 đến 30/9) giảm. Tuy nhiên, tại quý này, sức bật từ lợi nhuận gộp đã đủ bù phần chi phí lãi vay trội lên hàng trăm tỷ đồng. Công ty lãi ròng 142 tỷ đồng trong quý IV/2023 (gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2022) và 337 tỷ đồng (tăng 5%) trong nửa đầu niên độ (từ ngày 1/7 đến 31/12).

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cũng thu về hơn 600 tỷ đồng doanh thu trong quý II của niên độ tài chính 2023-2024, gấp rưỡi cùng kỳ. Biên lợi nhuận từ mức 7,2% lên 2 con số (13,5%), giúp doanh nghiệp này lãi ròng hơn 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi vỏn vẹn 1,25 tỷ đồng, bất chấp chi phí lãi vay tăng mạnh.

Cổ phiếu vẫn lận đận

Ngay cả với những doanh nghiệp đường báo lãi lớn, các cổ đông vẫn chưa cảm nhận được vị ngọt khi cổ phiếu nhóm này có tỷ suất sinh lợi khiêm tốn. Đường Kon Tum dù báo lỗ, nhưng cổ phiếu KTS mang lại lợi tức đáng kể trong 6 tháng gần đây. Trong khi đó, giá các cổ phiếu QNS, SLS hay SBT đều giảm so với thời điểm 6 tháng trước.

Thực tế, giá đường thế giới bước vào xu hướng giảm vào giữa tháng 11/2023, còn 20,5 UScent/pound vào ngày cuối tháng 12/2023, giảm 21,3% so với hồi đầu quý. Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá đường tại Việt Nam giảm xuống 21.200 đồng/kg vào cuối quý IV/2023, nhưng vẫn mức cao so với đầu năm.

Trong báo cáo mới đây, chuyên gia từ VCBS cho biết, sản lượng đường của Brazil tăng 30% trong nửa đầu tháng 11/2023, vượt dự báo của thị trường nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Trong khi đó, giá dầu thô có nhịp giảm mạnh từ giữa tháng 10/2023 cũng khiến nhiều nhà máy nghiền mía để sản xuất đường thay vì ethanol, làm tăng nguồn cung ở thị trường này.

VCBS nhận định, giá đường thế giới có thể đi ngang, giá đường Việt Nam có thể tiếp tục neo ở mức cao, sau đó điều chỉnh giảm nhẹ. Còn theo lãnh đạo một doanh nghiệp ngành, giá đường sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2024.

Trong khi lợi nhuận gộp của nhóm này phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến giá đường, việc mở rộng quy mô đang khiến nhiều doanh nghiệp “nặng gánh” nợ vay hơn trước đây. Điều này được nhìn thấy ở hầu hết các doanh nghiệp đường đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Sử dụng đòn bẩy tài chính là công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, cũng như sẵn sàng nguồn lực cho hoạt động đầu tư, chuyển dịch cơ cấu. Ngay trong quý I/2024, Thành Thành Công - Biên Hòa sẽ phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 500 tỷ đồng để đầu tư nguyên vật liệu phục vụ sản xuất - kinh doanh. Lãi suất cho hai kỳ đầu tiên là 11%/năm và áp dụng thả nổi với biên độ 3,85%/năm áp dụng với các kỳ tiếp theo.

Tại ngày 31/12, tỷ lệ nợ tại doanh nghiệp đường này đã tăng lên 67%, từ mức gần 65% thời điểm 30/6. Chi phí tài chính nửa đầu niên độ cũng đã vượt trên 1.100 tỷ đồng, trong đó 884 tỷ đồng là lãi vay. Đây cũng là khoản chi phí lớn nhất trong các nhóm chi phí ngoài chi phí sản xuất.

Bức tranh kinh doanh doanh nghiệp ngành đường không chỉ có những mảng sáng. Nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn càng lép vế hơn, khi doanh thu đã thu hẹp đáng kể.

Công ty cổ phần Đường Kon Tum thu không đủ bù chi trong quý IV/2023, khi báo lỗ ròng gần 900 triệu đồng. Doanh thu có cải thiện so với cùng kỳ và quý đầu niên độ tài chính từ ngày 1/7/2023, nhưng không đủ bù phần chi phí tài chính “trội” lên. Tính chung nửa đầu niên độ (từ ngày 1/7-31/12), doanh thu giảm 30% và lỗ ròng gần 440 triệu đồng.

Không đến mức thua lỗ, nhưng Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã SLS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh “đi lùi” trong 6 tháng đầu niên độ tài chính. Theo ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty, nguyên nhân khiến doanh thu bán hàng nửa đầu năm thấp là hàng tồn kho chuyển sang từ niên độ trước ít hơn so với cùng kỳ.

Tin bài liên quan