Ngày 28/3 tới, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018. Hội đồng quản trị DHG sẽ trình Đại hội kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu 4.017 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 768 tỷ đồng.
Đáng chú ý là tờ trình liên quan đến vấn đề ngừng phân phối thuốc để doanh nghiệp thuận lợi trong việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 100%. Đây là một trong những nguyên nhân được lý giải cho kế hoạch doanh thu năm 2018 giảm nhẹ, còn kế hoạch lợi nhuận tăng 7% so với thực hiện năm 2017 vì cơ cấu doanh thu sẽ được cải thiện, mảng thuốc sản xuất có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều mảng phân phối thuốc, nhưng bị hụt phần doanh thu thương mại.
Cụ thể, DHG dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập 2 công ty con là Công ty TNHH MTV In Bao bì DHG 1 và Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG (sở hữu Nhà máy Tân Phú Thạnh). Sau sáp nhập, 2 công ty này chấm dứt hoạt động và Chi nhánh Hậu Giang (DHG thành lập tháng 2/2018) sẽ nhận bàn giao.
Trước đây, sản phẩm của các công ty con được bán cho công ty mẹ DHG, sau đó mới phân phối đến tay người tiêu dùng. Đây được xem là hoạt động thương mại, thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Như vậy, với động thái trên, DHG sẽ loại bỏ hoạt động thương mại ra khỏi điều lệ công ty để đáp ứng các yêu cầu nới room. Theo kế hoạch, Công ty sẽ hoàn tất việc sáp nhập 2 công ty còn vào ngày 1/7/2018.
Trên thị trường, sau khi tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông được công bố, nhiều ý kiến nhận định, DHG có thể sẽ hoàn tất việc nới room trong quý III/2018. Cổ đông lớn Taisho đang chờ đợi cơ hội và không ngoại trừ khả năng sẽ tiến hành nâng sở hữu thông qua việc thu gom cổ phiếu DHG trên thị trường.
Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), trong các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các công ty dược phẩm được thực hiện trong vài năm qua (HSC xem xét 7 thương vụ), mức định giá EV/EBITDA dao động từ 17 - 19 lần (giá trị doanh nghiệp/lợi nhuận trước thuế, lãi vay và chi phí khấu hao). Theo đó, trong trường hợp của DHG, giá chào bán có thể từ 130.000 - 145.000 đồng/cổ phần.
Đối với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), theo đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), kế hoạch thoái 34,71% vốn tại DMC sẽ được tiến hành trong tháng 4 tới. Đa phần các dự đoán, cổ đông lớn nhất của DMC là Tập đoàn Abbot sẽ tham gia đợt thoái vốn này.
Diễn biến đáng chú ý, cuối năm 2017, CFR International SPA, cổ đông lớn nhất của DMC khi đó, với tỷ lệ sở hữu 51,69% vốn, đã trao tay toàn bộ số cổ phần nắm giữ cho công ty mẹ là Abbott Laboratories (Chile) Holdco SpA ngay trước thềm cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.
Tại Đại hội, Abbott đã đưa người vào Hội đồng quản trị DMC, thay thế cho nhân sự của CFR International SPA. Kết quả trúng cử gồm: ông Lê Đình Bửu Trí, Giám đốc Chi nhánh khu vực phía Nam của SCIC giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị DMC; hai nhân sự mới là ông Peter Huang, Phó chủ tịch và bà Lee Yoon Kiem, Giám đốc Tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tập đoàn Abbott đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị DMC.
Năm 2018, DMC đặt kế hoạch doanh thu 1.468 tỷ đồng, tăng 9,6% và lợi nhuận trước thuế 225 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2017.
Đối với các doanh nghiệp dược khác như Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), Công ty cổ phần Pymepharco (PME), Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (DBD)… không có câu chuyện thoái vốn nhà nước, nhưng được nhiều công ty chứng khoán dự báo sẽ có sự bứt phá về doanh thu và lợi nhuận khi các nhà máy được nâng cấp lên tiêu chuẩn cao hơn như GMP-EU, PIC/s.
Một số doanh nghiệp dược trên sàn chứng khoán hiện sở hữu nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP là PME và IMP, tạo cơ hội cho doanh nghiệp gia tăng khả năng trúng thầu ở nhóm 1 và nhóm 2, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm thuốc nhập khẩu và dần thay thế thuốc ngoại/biệt dược gốc đã hết bản quyền. Đây sẽ là động lực để doanh nghiệp duy trì mức doanh thu tích cực ở kênh ETC (phân phối trong hệ thống các bệnh viện dưới hình thức thuốc được kê đơn) trong thời gian tới.
Tại PME, trong tháng 1/2018, dây chuyền thuốc bột pha tiêm kháng sinh Cephalosporin đã vượt qua đợt thanh tra GMP - châu Âu, trở thành nhà máy duy nhất tại Việt Nam có cả thuốc viên và thuốc tiêm được công nhận GMP - châu Âu bởi thành viên nhóm ICH dược phẩm là Cộng hòa Liên bang Đức.
Đồng thời, PME khởi công xây dựng Nhà máy Non-betalactam theo tiêu chuẩn EU - GMP/PIC/s, công suất 1,2 tỷ viên Non-betalactam/năm, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.
Một lợi thế khác của PME là Công ty tiên phong tiến hành thử tương đương sinh học và trở thành doanh nghiệp dược có số dược chất tương đương sinh học nhiều nhất, mang lại ưu thế trong đấu thầu vào bệnh viện. Với các chuyển động tích cực trên, một số công ty chứng khoán nhận định, PME có thể đạt được mức tăng trưởng 2 con số trong ngắn hạn.
Với IMP, Công ty đã vận hành 2 nhà máy theo chuẩn EU-GMP và đang trong quá trình hoàn thiện 2 nhà máy khác theo chuẩn này. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC), doanh thu của IMP trong năm 2018 sẽ tăng trưởng tốt nhờ công suất các nhà máy thuốc tiêm được khai thác hiệu quả khi nhu cầu thuốc đấu thầu tập trung do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức dự kiến diễn ra từ năm 2018. Trong danh mục 5 hoạt chất thuốc đấu thầu tập trung, IMP có thể tham gia đấu thầu 3 hoạt chất với quy mô gói thầu lên tới gần 500 tỷ đồng.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của IMP là các công ty nước ngoài với thuốc nhập khẩu có giá thường cao hơn từ 20 - 30% so với thuốc sản xuất trong nước của IMP. Do vậy, cơ hội để IMP phục hồi doanh thu kênh ETC là khá lớn trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Về phía nhà đầu tư, không ít người kỳ vọng ở IMP sẽ có câu chuyện nới room nước ngoài và sự tham gia của đối tác chiến lược, góp phần tạo động lực cho cổ phiếu tăng giá.
DBD cũng đang được nhà đầu tư quan tâm. Công ty sắp chuyển từ sàn UPCoM lên niêm yết trên HOSE. Đây là doanh nghiệp dược đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư. Năm 2018, DBD đặt kế hoạch doanh thu 1.584 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 161,8 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng 15% so với năm 2018, với doanh thu mục tiêu 1.822 tỷ đồng và lợi nhuận 186,1 tỷ đồng.
Năm nay, DBD dự kiến sẽ chi khoảng 337 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP-PIC/s, đầu tư xây dựng nhà máy thuốc viên Non-betalactam theo tiêu chuẩn GMP-PIC/s, nâng cấp thiết bị nhà xưởng, phát triển kênh phân phối…
Theo một số đánh giá, các nhà máy mới của DBD sau khi hoàn thành sẽ đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của Công ty nhờ gia tăng sản lượng sản xuất và trúng thầu vào nhóm thầu cao hơn, ở nhóm 2 (nhóm thuốc sản xuất trên tiêu chuẩn GMP-EU hoặc GMP-PIC/s).
Hiện sản phẩm của DBD được phân loại vào nhóm 3 khi đấu thầu vào bệnh viện, trong khi hầu hết các nhà sản xuất nước ngoài với tiêu chuẩn sản phẩm cao hơn như EU-GMP và GMP-PIC/s được đấu thầu vào nhóm 1 và nhóm 2.