Nhiều nhà băng đạt lợi nhuận trước thuế cao trong 9 tháng đầu năm như ACB đạt 4.776 tỷ đồng, HDBank đạt 2.884 tỷ đồng, Viecombank đạt 11.600 tỷ đồng, Techcombank đạt trên 7.700 tỷ đồng…
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhận định, việc một số ngân hàng không được nới “room” tín dụng trong quý cuối năm không phải là vấn đề đáng quan ngại với triển vọng lợi nhuận.
Bởi lẽ, các nhà băng đã nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh trong hoạt động tín dụng từ đẩy mạnh bán buôn sang bán lẻ, đồng thời tăng cường thu hồi nợ xấu, giảm trích lập dự phòng…, tác động tích cực lên lợi nhuận.
Chẳng hạn, tại LienVietPostBank, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm của nhà băng này đạt 1.014 tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch cả năm.
Hay ACB, góp phần không nhỏ vào con số lợi nhuận trước thuế 4.776 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, ngoài các mảng hoạt động tăng trưởng là việc trích lập dự phòng giảm 56%, xuống còn 660 tỷ đồng.
Với HDBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tính đến cuối tháng 9/2018 giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái do chất lượng tín dụng được nâng cao.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng hợp nhất tại thời điểm 30/9/2018 của Ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,39%; tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank là 1%. Điều này tác động tích cực lên lợi nhuận của HDBank, đạt gần 2.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, cao gấp rưỡi cùng kỳ năm trước.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như chi phí đầu vào tăng chưa phải là vấn đề đáng quan ngại đối với hoạt động ngân hàng trong quý cuối năm.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hoạt động ngành ngân hàng trong quý IV thường tăng mạnh, do nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp tăng. Lợi nhuận ngân hàng cũng tăng mạnh nhất trong quý này. Do vậy, không ít nhà băng cho biết, dự kiến sẽ thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cả năm.
Lợi nhuận tăng, cùng với những thông tin tích cực đưa ra từ các ngân hàng như bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (Vietcombank chuẩn bị bán 10%), đưa cổ phiếu lên niêm yết (OCB) hoặc giao dịch trên UPCoM (Nam A Bank)… sẽ hỗ trợ nhóm cổ phiếu “vua” - vốn dẫn dắt thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Nhìn lại 3 năm qua, ngành ngân hàng có 3 câu chuyện chính tạo nên sự tăng trưởng giá cổ phiếu ngân hàng là: mảng cho vay tiêu dùng mang lại nhiều lợi nhuận (VPB, HDB, MB…); nguồn thu từ hoạt động bán bảo hiểm tăng cao (VCB, TCB, MBB, Sacombank…); hệ số NIM được cải thiện nhờ đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ (đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Về mảng bán bảo hiểm, đáng chú ý là Vietcombank, ngân hàng này có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn nhất và đã có đối tác bảo hiểm, nhưng đang công khai đấu thầu tìm kiếm đối tác bảo hiểm với tổng giá trị lên đến 1 tỷ USD.
Thực tế, nguồn thu từ bán bảo hiểm đang dần mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các ngân hàng, có thể tạo ra lợi nhuận đột biến cho những ngân hàng đẩy mạnh hoạt động này.
Bên cạnh sự nỗ lực cải thiện hoạt động của các ngân hàng, định hướng và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định là yếu tố quan trọng nhất đối với triển vọng của ngành.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước kiên định các mục tiêu đã đặt ra, phấn đấu thực hiện vượt mục tiêu; bám sát diễn biến thị trường bên ngoài để kịp thời có giải pháp thích ứng; phối hợp linh hoạt và chủ động các công cụ chính sách tiền tệ. Vì vậy, các chuyên gia phân tích của StoxPlus cho rằng, cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhiều điểm “sáng” vào cuối năm.