Thông tin tiêu cực từ Deutsche Bank và Wells Fargo khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính đồng loạt giảm mạnh trước ngày công bố kết quả kinh doanh của JPMorgan Chase và Citigroup (thứ Sáu), khởi đầu cho mùa công bố lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, thông tin xuất khẩu của Trung Quốc giảm tới 10% trong tháng 9, cao hơn nhiều so với dự báo và nhập khẩu cũng bất ngờ giảm mạnh cũng khiến giới đầu tư lo lắng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nền đồng loạt bán ra, đẩy phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Năm.
Tuy nhiên, về cuối phiên, nhờ sự phục hồi của giá dầu thô, giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng giá, giúp hãm đà giảm của phố Wall.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Dow giảm 45,26 điểm (-0,25%), xuống 18.098,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,63 điểm (-0,31%), xuống 2.132,55 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 25,69 điểm (-0,49%), xuống 5.213,33 điểm.
Tương tự, những thông tin kém khả quan về dữ liệu thương mại của Trung Quốc cũng kéo chứng khoán châu Âu giảm trong phiên thứ Năm. Khác với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu đóng cửa trước khi giá dầu thô phục hồi, nên đà giảm mạnh nhiều so với phố Wall.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,27 điểm (-0,66%), xuống 6.977,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 109,00 (-1,04%), xuống 10.414,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 47,07 điểm (-1,06%), xuống 4.405,17 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà tăng đầu phiên của chứng khoán Nhật Bản đã không còn duy trì được khi kết thúc phiên do đồng yên phục hồi trở lại so với đồng USD và dữ liệu thương mại yếu kém từ Trung Quốc. Thông tin kinh tế yếu kém từ Trung Quốc cũng khiến chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh trong phiên thứ Năm, trong khi chứng khoán tại Trung Quốc đại lục lại bất ngờ có được đà tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 65,76 điểm (-0,39%), xuống 16.774,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 375,75 điểm (-1,61%), xuống 23.031,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,85 điểm (+0,09%), lên 3.061,35 điểm.
Trên thị trường vàng, dữ liệu thương mại yếu kém của Trung Quốc giúp giá vàng tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch châu Á hôm thứ Năm. Ngoài ra, việc đồng USD điều chỉnh giảm trở lại cũng hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng. Tuy nhiên, đà tăng suy yếu dần sau đó và chỉ giữ được mức tăng khiêm tốn như phiên thứ Tư do áp lực chốt lời sớm của nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 13/10, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD (+0,23%), lên 1.257,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,8 USD (+0,3%), lên 1.257,6 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục đà điều chỉnh trong phiên thứ Năm và nới rộng đà giảm khi bước vào phiên Mỹ sau khi Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 4,9 triệu thùng, tuần tăng đầu tiên kể từ cuối tháng 8 và cao hơn nhiều so với mức tăng 700.000 thùng như dự báo của giới phân tích.
Tuy nhiên, sau đó đà giảm bị hãm và dầu thô quay đầu tăng trở lại khi EIA cho biết, kho dự trữ sản phẩm chưng cất bao gồm cả dầu diesel và dầu sưởi ấm giảm 3,7 triệu thùng và xăng giảm 1,9 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,6 triệu thùng và giảm 1,5 triệu thùng của giới phân tích.
Kết thúc phiên 13/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,26 USD/thùng (+0,52%), lên 50,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,22 USD (+0,43%), lên 52,03 USD/thùng.