Với bức tranh lợi nhuận đạt được khả quan năm qua và làn sóng lên sàn của các ngân hàng cũng rõ nét hơn, cổ phiếu “vua” được kỳ vọng tăng dần. Đặc biệt, các ngân hàng đã có điều kiện tốt hơn trong xử lý tài sản đảm bảo, nợ xấu tại các nhà băng quy mô lớn đã được làm “sạch” khi mua lại nợ từ VAMC.
Nhưng qua báo cáo mà các ngân hàng liên tiếp công bố vài ngày qua có thể thấy sự phân hóa rất rõ rệt. Nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước chi phối gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã công bố mức lợi nhuận rất cao, đặc biệt là Vietcombank vượt trên 10.000 tỷ đồng cả năm 2017. Tuy nhiên, năm nay hai ngân hàng này không còn thống trị về số lợi nhuận tuyệt đối và cả hiệu quả kinh doanh.
VPBank và Techcombank đã bứt tốc và thu hẹp khoảng cách với nhóm ngân hàng trên với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lần lượt là 8.126 tỷ đồng và 8.036 tỷ đồng, sát mức 8.800 tỷ đồng của BIDV và 9.206 tỷ đồng của Vietinbank.
Điều đáng nói, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hai ngân hàng này đứng đầu thị trường, VPBank là 27,47% và Techcombank còn ở mức “kinh ngạc” 30,7%, đây là những mức rất cao mà đã rất lâu ngành ngân hàng Việt Nam có được. Cần biết thêm rằng, tỷ lệ này năm nay của Vietcombank cũng chỉ đạt 14,2%, dù đã được coi là rất cao so với chính Vietcombank các năm trước.
Đây cũng là lý do tại sao giá cổ phiếu của hai ngân hàng này đang “thách thức” ngôi vương của Vietcombank, ngân hàng mà giá cổ phiếu luôn được coi là “giá trần” trong ngành nhờ hiệu quả và quy mô hoạt động qua nhiều năm. Giá cổ phiếu OTC của Techcombank hiện khoảng 77.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu Vietcombank (66.000 đồng/cổ phiếu tính hết phiên 31/1/2018).
Nhiều đột biến về lợi nhuận và giá cổ phiếu
Hiện có 13/34 ngân hàng thương mại tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Theo diễn biến thị trường trong năm qua, tất cả cổ phiếu ngân hàng đều tăng, sự khác nhau là tăng gấp hai lần hay hơn mà thôi!
Một trong những nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh thời gian qua theo đánh giá của giới phân tích lĩnh vực tài chính - tiền tệ, bên cạnh đà tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán năm 2017 thì hoạt động ngành cải thiện.
Cổ phiếu ngân hàng đang dẫn dắt thị trường.
Đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đạt 2,3%, giảm 0,16 điểm phần trăm, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn giảm về 7,91% từ mức 10,08% cuối năm 2016. Năm 2017, các ngân hàng hạn chế bán nợ xấu cho VAMC trong khi đẩy mạnh các hình thức tự xử lý nợ như bán nợ, phát mãi tài sản, tăng dự phòng rủi ro và các hình thức khác, nhất là kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội được ban hành.
Dư nợ gốc bán cho VAMC chỉ khoảng 32.600 tỷ đồng trong năm qua, giảm 22,7% so với năm 2016. Tuy nhiên, phần nợ xấu nội bảng các ngân hàng tự xử lý trong 11 tháng đầu năm 2017 lên ở mức tương đương 93.700 tỷ đồng, chủ yếu từ thu hồi nợ khách hàng và trích dự phòng rủi ro.
Các khoản nợ xấu được xử lý tạo ra các khoản thu nhập bất thường hoặc khiến phần trích lập dự phòng giảm bớt là lý do tạo nên các con số lợi nhuận ấn tượng cho không ít nhà băng. Tất nhiên, nợ xấu vẫn còn, thậm chí nợ xấu nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) đang tăng lên, nhưng kết quả chung vẫn tích cực hơn rất nhiều năm 2016 khi tỷ lệ xử lý nợ xấu của ngành không có nhiều chuyển biến quá đáng kể.
Sự phân hóa giữa các ngân hàng cũng nằm ở khâu xử lý nợ xấu này. VCB là ngân hàng duy nhất xử lý xong nợ VAMC, dự kiến ACB, HDB sẽ dứt điểm năm 2018. Nhiều ngân hàng khác vẫn đang đối mặt với lượng nợ xấu lớn như: BID, STB, SHB, EIB mặc dù hoạt động xử lý nợ đã được đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, nợ xấu của các nhà băng trên trong 9 tháng đầu năm 2017 vẫn tăng, do mở rộng tín dụng.
Sự phân hóa đang thể hiện rõ nét ở lợi nhuận, hiệu quả hoạt động, khả năng xử lý nợ xấu, mức trích dự phòng (có những ngân hàng rất cao như ở VCB, tỷ lệ dự phòng rủi ro tăng 164,8%, ACB cũng tăng dự phòng rủi ro đến 151%) cũng như nhiều chỉ tiêu tài chính khác. Nhưng sự phân hóa dự báo sẽ còn tiếp tục, vì chiến lược tiếp cận thị trường khác nhau, lợi thế khác nhau sẽ mang đến kết quả còn khác biệt hơn trong các năm nay.
Dù vậy, năm 2017 vẫn là một năm thành công lớn của ngành ngân hàng. Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chỉ qua 3 quý đầu năm, thu nhập lãi thuần toàn ngành ngân hàng tăng 26,4%. Và dù chưa có số liệu tổng hợp cả 12 tháng, nhưng các báo cáo từ từng ngân hàng phát ra cho thấy câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ đang thêm nhiều thành viên mới.
Basel II sẽ tạo thêm phân hóa
Một điểm cần lưu ý trong hoạt động của khối ngân hàng 2018 mang tên Basel II, ngoài OCB mang lại bất ngờ khi đóng vai “chú ngựa ô” công bố hoàn thành chuẩn mực quốc tế mới ngay từ năm 2017 thì sẽ có 10 ngân hàng trong danh sách thí điểm của Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị phải áp dụng chuẩn mực này.
Nói về Basel II thì rất dài bởi có quá nhiều quy định mà các ngân hàng phải tuân thủ, nhưng một góc cạnh sẽ tác động tới giá cổ phiếu, đó là yêu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn CAR. Việc phát hành lượng lớn cổ phiếu đương nhiên sẽ tạo ra độ pha loãng giá, chưa nói việc chia cổ tức bằng cổ phiếu (để giữ lại vốn) sẽ khiến thị giá phải điều chỉnh giảm.
Theo phân tích của ông Bạch An Viễn - Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, thì đây là một thách thức lớn với nhiều ngân hàng hiện nay.
Trong năm 2017, thị trường chứng kiến một số ngân hàng tăng vốn rất mạnh như VPB (tăng 71,1%); ACB (tăng 9,6%); HDB (tăng 21,1%), đây là các ngân hàng đã sẵn sàng về vốn theo chuẩn Basel II nên dự báo sẽ không phải tăng thêm. Đối với các ngân hàng chưa niêm yết, có Techcombank cũng thông báo sẽ đáp ứng được chuẩn mực này mà chưa cần tăng vốn.
Ngược lại, nhiều ngân hàng khá loay hoay. Nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước chi phối, do cổ đông nhà nước khó có khả năng góp thêm tiền để tăng thêm vốn điều lệ, nên sẽ phải kỳ vọng vào cơ chế nới room ngoại để phát hành thêm cho các nhà đầu tư chiến lược, bên cạnh “hy vọng” được chia cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại tiền tăng vốn.
Khối các ngân hàng cổ phần nhỏ thì còn khó hơn vì việc phát hành tăng vốn, dù đã dễ hơn nhờ thị trường chứng khoán sôi động, nhưng việc phát hành một lượng lớn hàng nghìn tỷ đồng là chưa hẳn đã thuận lợi.
Còn để các ngân hàng này tìm cổ đông chiến lược ngoại không dễ. Năm 2017, HDB là điểm sáng hiếm khi phát hành thành công cho các nhà đầu tư nước ngoài theo cách “phân lẻ”, mỗi nhà đầu tư không nắm quá 5% vốn điều lệ của HDB. Nhưng đây có thể coi là trường hợp cá biệt.
Theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu, Kinh tế trưởng Dragon Capital, cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục nên nhà đầu tư ngoại cũng quan tâm nhiều hơn. Nhưng họ chỉ tập trung vào một số cổ phiếu của ngân hàng đã niêm yết trên sàn, nhất là những ngân hàng quy mô lớn và có động thái xử lý tốt nợ xấu như: VCB, ACB, MB, VPB, HDB...
Còn cổ phiếu của những nhà băng quy mô vừa và nhỏ, nợ xấu vẫn là mối lo, ảnh hưởng đến hoạt động thì khó có thể tăng. Mặt khác, cổ phiếu của ngành ngân hàng cũng ảnh hưởng bởi các chính sách của cơ quan quản lý. Nếu có chính sách nào bị siết lại sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động ngân hàng, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.