Thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng được chú ý nhiều, đặc biệt cổ phiếu BID khi bất ngờ được hai quỹ ETF ngoại thêm vào danh mục kỳ này, dẫn đến khả năng cổ phiếu này sẽ được khối ngoại mua thêm ít nhất 40 triệu cổ phiếu. Đây là con số đáng kể so với thanh khoản trung bình của BID trước đó. Điều này, giúp BID tăng khá tốt trong những phiên gần đây.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng phân tích CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), nhiều khả năng, ngay trong phiên thứ Sáu này (ngày kết thúc review của quỹ ETF), BID có thể chấm dứt đà tăng do mức giá hiện tại của BID đã cao hơn so với mặt bằng giá các cổ phiếu cùng ngành.
Nhìn diễn biến giao dịch nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể thấy, dòng tiền đi vào đang mạnh hơn đi ra. Trong 4 mã ngân hàng lớn đang niêm yết là BID, CTG, MBB, VCB, tính riêng dòng tiền ETF đợt này, VCB bị bán nhẹ, lượng bán ra không đáng kể so với lượng mua vào cổ phiếu BID. Tính chung, dòng tiền khối ngoại vẫn đang đi vào, đã có tác động tích cực tới các cổ phiếu còn lại.
“Trong ngắn hạn, hơi muộn để vào BID nhưng NĐT có thể xem xét 3 cổ phiếu lớn còn lại, đặc biệt là VCB. Về trung và dài hạn, yếu tố tích cực là kết quả kinh doanh của khối ngân hàng được cải thiện, cùng việc xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, nhưng việc nắm giữ cổ phiếu ngân hàng cũng có những rủi ro nhất định khi định giá của nhóm này đã không còn rẻ so với mặt bằng giá nhóm ngân hàng trong khu vực”, ông Lâm nhận định.
Theo ông Lâm, hiện TTCK Việt Nam đang rẻ hơn so với các thị trường trong khu vực, là yếu tố thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư. Do vậy, trong 3 tháng cuối năm, kỳ vọng thị trường sẽ vận động lên vùng 600 - 630 điểm. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường, chiếm khoảng 30%, nên khi “VN-index chạy thì nhóm Banking cũng sẽ chạy. Đây là lý lẽ riêng của thị trường”, ông Lâm nói.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân để kỳ vọng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng là tỷ lệ nắm giữ ở các quỹ đầu tư mới vào Việt Nam chưa cao. Nhiều khả năng các quỹ này sẽ có nhu cầu nâng tỷ lệ sở hữu nhóm này để danh mục quỹ không quá chênh lệch so với mức tăng giảm của chỉ số.
Đánh giá về triển vọng chung của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt cho rằng, triển vọng của ngành tốt bởi dự báo tín dụng trong vài năm tới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ; việc tăng vốn của một số ngân hàng như VCB, BIDV cung cấp thêm một phần lớn cổ phiếu vào thị trường, giúp thanh khoản gia tăng cho các mã ngân hàng lớn. Các thương vụ M&A sẽ tạo ra bước tiến rõ rệt trong việc loại các ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống. Ngoài ra, ảnh hưởng chậm của Thông tư 02 cải thiện tính minh bạch của báo cáo tài chính của các ngân hàng sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Riêng về nới room khối ngoại, hiện chưa có kỳ vọng thay đổi trong năm 2015, nhưng nếu điều đó xảy ra sẽ là một bất ngờ tích cực.
Tương tự, ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia Nghiên cứu cao cấp CTCP Chứng khoán MB (MBS) nhận định, từ nay đến cuối năm, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm chính dẫn dắt thị trường. Cơ sở là nền kinh tế tăng trưởng tốt, kết quả kinh doanh và xử lý nợ xấu được cải thiện đáng kể. Xét về định giá, PE chung của ngành ngân hàng khoảng 16,5 lần, không quá hấp dẫn, nhưng có một số ngân hàng cụ thể lại đang có PE thấp như MBB khoảng 7,5 lần, STB 9 lần. Các cổ phiếu khác như CTG, VCB, BID, mặc dù PE quanh 13 - 14, ở mức trung bình so với thị trường chung nhưng so với các thị trường mới nổi là rất thấp. Đây cũng là lý do, những cổ phiếu này được khối ngoại săn đón.
“Đối với nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, vẫn nên lựa chọn ngân hàng vì nhóm có tính dẫn dắt cao, thanh khoản cao, nên biến động của nhóm phản ánh được xu hướng của thị trường. Còn với nhà đầu tư dài hạn, nên xem xét cổ phiếu ngân hàng có định giá thấp”, ông Ngọc nói.
Theo nhận định của nhiều CTCK, 4 mã cổ phiếu ngân hàng lớn MBB, CTG, VCB, BID sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Đặt biệt là MBB liên quan đến câu chuyện nới room khối ngoại, bởi sau khi ngân hàng này kết thúc đợt phát hành 10% cho đối tác chiến lược trong nước, room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ hở khoảng 35 triệu cổ phiếu.