Cổ phiếu ngân hàng Mỹ giảm mạnh dù lãi lớn

Cổ phiếu ngân hàng Mỹ giảm mạnh dù lãi lớn

(ĐTCK) Dù nhiều ngân hàng công bố con số lãi hàng tỷ USD trong quý II/2017, nhưng trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu này lại sụt giảm mạnh.

Từ trụ sở chính tại Manhattan (Mỹ), cuối tuần qua, Ngân hàng JPMorgan Chase thông báo đạt 7 tỷ USD lợi nhuận trong quý II/2017, mức cao nhất trong lịch sử của định chế tài chính này. 

Trong khi đó, Citigroup công bố màn trình diễn tốt nhất của ngân hàng đầu tư này trong 7 năm qua. Tương tự, Wells Fargo cũng thông báo mức tăng lợi nhuận cao hơn so với dự đoán của các nhà phân tích.

Mặc dù vậy, các thị trường tài chính dường như vẫn chưa bị thuyết phục bởi những con số ấn tượng này. Bằng chứng là chỉ số nhóm cổ phiếu tài chính-ngân hàng trong S&P 500 vẫn giảm tới 2,4% trong phiên giao dịch cuối tuần qua, tương đương 34 tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Christopher Wheeler, chuyên gia phân tích thị trường cổ phiếu tại Atlantic Equities nhận định: “Thật bất ngờ khi chỉ số cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh, ngay khi lợi nhuận của 3 ngân hàng hàng đầu nước Mỹ ghi nhận vượt mức dự đoán”.

Trên thực tế, kỳ vọng đối với lĩnh vực ngân hàng đã tăng lên rất nhiều kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, với niềm tin rằng, môi trường đầu tư thân thiện hơn sẽ có lợi cho các ngân hàng Mỹ. 

Bên cạnh đó, nhà phân tích James Chappelll tại Berenberg đánh giá, cổ phiếu ngân hàng Mỹ đang trở nên “đắt đỏ” hơn sau đợt tăng lãi suất gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), “nút thắt” cho phép các ngân hàng thương mại tăng phí cho vay, đồng thời giữ nguyên lãi suất tiền gửi. Tại Well Fargo, sau khi Fed tăng lãi suất, biên độ lợi suất ròng (thước đo quan trọng để đánh giá lợi nhuận ngân hàng) đã tăng thêm 3 điểm cơ bản từ mức 2,9% của quý I/2017.

Mặc dù vậy, các kết quả tích cực từ cả JPMorgan và Citigroup vẫn cho thấy những điểm yếu trong bộ phận ngân hàng đầu tư của 2 thể chế tài chính này. Với trường hợp của JPMorgan, bất chấp lợi nhuận chung tăng, song doanh thu từ mảng tài sản cố định đã giảm tới 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Với Citigroup, con số sụt giảm không nhiều như ngân hàng đối thủ, song cũng ghi nhận mức tụt dốc 6% trong mảng tài sản cố định và chỉ được bù đắp từ bộ phận ngân hàng bán lẻ.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng chỉ ra một số mối quan ngại đặc thù với hệ thống ngân hàng Mỹ, chẳng hạn như triển vọng kinh tế vĩ mô tác động tới khối tài sản của các ngân hàng như thế nào. Giới phân tích cho rằng, sẽ rất thách thức để Mỹ có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 3% trong năm 2017 như tuyên bố của Chính phủ Donald Trump.

Tại Well Fargo, mối lo ngại đang tập trung vào sự suy yếu của khối lượng cho vay, vốn đã xảy ra trên toàn hệ thống ngân hàng Mỹ những tháng gần đây. Ngân hàng này hiện có dư nợ cho vay khoảng 957 tỷ USD tính tới cuối quý II/2017, giảm 982 triệu USD so với thời điểm cuối tháng 3/2017.

Ngay cả những người đi vay tại Mỹ cũng đang bày tỏ sự quan ngại lớn hơn trên thị trường tài chính tiêu dùng, dù người Mỹ đang có xu hướng vay nhiều hơn để mua những chiếc xe lớn hơn và hợp thời trang hơn.

Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới công bố cũng cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Mỹ lại hạ thấp trong tháng 6 vừa qua, trong khi doanh số bán lẻ giảm hơn dự kiến, kéo theo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạ thấp hơn. Các tín hiệu này là những thông tin không mấy tích cực cho các ngân hàng, ngay cả khi lãi suất cơ bản tăng giúp họ đẩy chi phí đi vay cao hơn.

Trong số 6 “đại gia” ngân hàng Mỹ, dự báo gặp khó khăn nhất có lẽ là Bank of America, ngân hàng lớn thứ 2 nước Mỹ trên quy mô tài sản, khi mảng kinh doanh bán lẻ của ngân hàng này cho thấy mức độ nhạy cảm “đặc biệt” với môi trường lãi suất thay đổi. Bank of America sẽ công bố báo cáo lợi nhuận quý II/2017 ngay trong tuần này và cổ phiếu của Ngân hàng đã ghi nhận mức sụt giảm 3,3% trong tuần qua.

Tin bài liên quan