Trong các tuần giao dịch vừa qua, sự kiện Ngân hàng Deutsche Bank (DB) tiến hành cơ cấu lại hoạt động kinh doanh sau nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả, đặc biệt ngân hàng này sẽ giảm đầu tư vào thị trường vốn, khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại DB có thể sẽ thực hiện bán mạnh cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu Việt Nam khi ngân hàng này đang quản lý Quỹ Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF có giá trị đầu tư hơn 300 triệu USD.
Tuy nhiên, trong kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của ngân hàng này, DB sẽ đưa DWS trở thành công ty quản lý có quỹ trong Top 10 quỹ lớn nhất thế giới. Ðiều này cho thấy DB chưa hề có ý định giảm tình hình hoạt động của các quỹ mà DWS đang quản lý, trong đó có Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF.
Trong cuộc họp điều trần tuần qua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu giảm lãi suất trong thời gian tới khi cho rằng nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu giảm tốc rõ rệt và các số liệu vĩ mô không còn đúng như dự báo trước đó.
Theo CME Group, hiện tại có tới 22,5% khả năng giảm mức lãi suất 0,5%/năm và 77,5% khả năng giảm mức lãi suất 0,25%/năm, điều này cho thấy giới đầu tư đặt cược hoàn toàn vào khả năng giảm lãi suất của Fed vào cuộc họp cuối tháng 7/2019.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục xác lập mức đỉnh lịch sử sau các tín hiệu của Fed, đặc biệt các quỹ ETF tại thị trường mới nổi và thị trường cận biên đã quay lại đà tăng và thu hút dòng tiền trong thời gian qua.
Việc Fed giảm lãi suất có ý nghĩa rất lớn đến dòng tiền trên thị trường mới nổi và thị trường cận biên. Trong lịch sử, Fed bắt đầu tăng lãi suất từ năm 2014 và khiến dòng tiền nhanh chóng rút khỏi thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng này.
Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm quay trở lại nhóm thị trường này sau khi Fed giảm lãi suất, đặc biệt các quỹ ETF có thể sẽ hưởng lợi đầu tiên bởi xu hướng này, qua đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ có động lực để cải thiện trong quý III/2019.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng, trong đó chủ yếu từ việc mua ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và Quỹ Van Eck liên tục được huy động chứng chỉ quỹ trong thời gian qua. Ðồng thời, việc thặng dư USD tiếp tục gia tăng cũng làm giảm tỷ giá USD/VND trong thời gian qua.
Ðiều này đã tác động tích cực lên dòng vốn của khối ngoại, lượng mua ròng chủ yếu tập trung ở nhóm dầu khí và ngân hàng, đây là hai nhóm cổ phiếu dẫn dắt chính đà tăng của thị trường.
Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp dầu khí và ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng khả quan trong quý II và quý III. Nhiều ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng room tín dụng, nhưng điều thị trường chờ đợi lớn hơn là việc các ngân hàng quốc doanh được tăng vốn và tăng room sở hữu của khối ngoại ở nhóm này.
Ðồng thời, chúng tôi kỳ vọng việc khởi động trở lại các dự án bất động sản có thể giúp thanh khoản của thị trường này được cải thiện trong thời gian tới và dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ sớm quay trở lại nhóm cổ phiếu bất động sản trong quý III.
Thanh khoản của thị trường đang dần cải thiện so với tháng 6 và dòng tiền đã có sự đồng thuận hơn so với thời điểm trước, đặc biệt nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng đang xác lập xu hướng tăng ngắn hạn ở nhiều cổ phiếu cho thấy xu hướng thị trường sẽ bền vững hơn.
Ðồng thời, kết quả kinh doanh quý II và các câu chuyện thoái vốn của Nhà nước cũng sẽ là động lực thúc đẩy đà tăng của thị trường trong quý III này.