Chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền số 37, ông Thân Trung Liệt đưa ra 3 cổ phiếu kỳ vọng là cơ hội tốt trong tháng 9 bao gồm MWG, MBB và NT2.
Trong đó, cổ phiếu MWG đang được ưa thích, đặc biệt giai đoạn cuối quý III hàng năm. Bên cạnh đó, MWG có kế hoạch phát hành riêng lẻ để tăng vốn (tối đa 20%) cho Bách Hóa xanh trong quý I/2023, các yếu tố này kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu.
Cổ phiếu thứ 2 theo vị chuyên gia này nên có trong tài khoản trước thông tin phân bổ room tín dụng còn lại thì MBB là cổ phiếu tốt, vì chất lượng tài sản tốt, tăng trưởng 2022-2023 kỳ vọng 35% và 19%. Nếu MBB được nới room tín dụng nhiều thì mức tăng trưởng có thể cao hơn dự báo.
Với quan điểm room tín dụng còn lại không quá nhiều, chỉ còn khoảng hơn 3% và phân bổ về cho ngân hàng thương mại không quá nhiều, có sự phân hóa, thì có hội đủ yếu tố để dẫn dắt và mang lại cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư.
Theo ông Thân Trung Liệt, nửa đầu năm, nhóm này có tăng trưởng lợi nhuận rất tốt, như BID tăng trưởng 80% lợi nhuận trước thuế, MBB tăng 70%... Nếu được phân bổ room tín dụng thêm thì sẽ hỗ trợ mở rộng đà tăng trưởng, còn nếu room phân bổ ít thì tăng trưởng giảm chỉ giảm đi một ít. Nếu trong các đợt tới được nới room thêm thì sẽ là thông tin tích cực. Với riêng MBB, xét ở mức tăng trưởng tín dụng vừa phải, thì trung bình cả năm nay vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận 35%.
Ông Trung Liệt cũng đồng tình, tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng không đồng đều, chỉ có HDB, VIB, MBB được kỳ vọng còn các đợt nới room tín dụng trên 3%. Theo đó, cần tìm các cổ phiếu có động lực tăng trưởng mạnh.
Bên cạnh đó ông Trung Liệt cho biết, trong danh mục có thêm cổ phiếu dầu khí, với câu chuyện “mùa đông EU đang đến” thì giá dầu chưa dừng lại đà tăng. Với ngành nông nghiệp, ngoài các cổ phiếu thuộc doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm, còn có ngành phân bón đang hưởng lợi tốt ở giai đoạn hiện nay.
Ông Liệt bình chọn cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường đến cuối năm. Ngoài ra, các cổ phiếu trong VN30, cổ phiếu lớn như VNM, VCB… có nền tảng cơ bản tốt và cả kỹ thuật tốt, cũng sẽ dẫn dắt thị trường.
Trong khi đó, khách mời chương trình còn có một nhà đầu tư Gen Z cũng đang có những lựa chọn riêng biệt. Nhà đầu tư trẻ Phạm Công Đạt đã có 1 năm kinh nghiệm chứng trường có gu đầu tư theo hướng phân tích cơ bản, nhưng cũng không ngại rủi ro đưa ra nhìn nhận có phần trùng hợp với nhóm cổ phiếu ngân hàng, bởi theo nhà đầu tư này, đây là nhóm thường có tăng trưởng nửa cuối năm khi quan sát các năm trước.
Là các bạn trẻ có sự yêu thích với thị trường chứng khoán, Gen Z là thế hệ “nhà đầu tư kế cận” và tiếp cận sớm với thị trường chứng khoán nhờ eKYC, nhờ sự phát triển của internet, nên chứng khoán đang dần thân thuộc hơn.
Theo khảo sát nhanh của chương trình, lý do đầu tư chứng khoán của những nhà đầu tư Gen Z ban đầu cho rằng, sẽ kiếm tiền tiêu vặt nhanh khi nhìn bảng điện nhảy liên tục; cũng có bạn trẻ mong muốn có sự an toàn về tài chính cho tương lai. Sau khi tham gia, nhiều bạn hình thành được nhiều thói quen tốt như theo dõi thông tin kinh tế thường xuyên; nhận thức việc kiếm tiền nhanh là “bất khả thi”, thay vào đó là có thể học cách ứng dụng để có lãi kép hướng đến tự do tài chính.
Thời gian đầu tư của các bạn đều dưới 1 năm, đặc điểm khá thú vị là bên cạnh những nhà đầu tư trẻ ưa thích mạo hiểm, thì cũng có những nhà đầu tư tìm hiểu cách đầu tư thận trọng qua các chứng chỉ quỹ trái phiếu vì vừa chưa có nhiều tiền, lại chưa có nhiều kiến thức nên “sợ không dám ném tiền qua cửa sổ”. Có nhóm bạn trẻ lại chỉ đầu tư vào ETF thay vì giải ngân vào từng cổ phiếu riêng lẻ.
Trải nghiệm “buồn nhất” với một số Gen Z trong chứng trường chính là thị trường giai đoạn tháng 4/2022 giảm khủng khiếp, có bạn đầu tư vào những mã cổ phiếu penny có biến động rất mạnh, từng nhân x lần tài khoản với cổ phiếu penny chỉ trong vài tuần, nhưng cũng từng có khoản lỗ nặng với cổ phiếu penny do không biết cắt lỗ.
Băn khoăn của nhiều bạn trẻ trong lĩnh vực này là cố gắng đọc và hiểu được phân tích cơ bản về cổ phiếu hơn vì cảm thấy khá khó, cần được chỉ dẫn thường xuyên.
Theo chia sẻ của nhà đầu tư Phạm Công Đạt, sau giai đoạn thị trường suy giảm, Đạt từng mất niềm tin, nhưng đang hồi phục lại vì cổ phiếu nắm giữ vẫn có cơ bản tốt, nên kỳ vọng dài hạn vẫn tốt. Khoãn đầu tư sinh lãi lớn nhất của nhà đầu tư này là FRT với giá vốn 60.000 đồng/cp, bán với 110.000 đồng/cp, nhưng mục đích mua lúc đó là để thử nghiệm phân tích của mình có đúng hay không.
Cổ phiếu đau thương nhất với Đạt là MWG và đã cắt lỗ, nhưng đã mua lại cổ phiếu này. Theo Đạt chia sẻ, dù theo phân tích cơ bản, nhưng đôi khi vẫn bị yếu tố ngắn hạn trên thị trường tác động, chẳng hạn cổ phiếu giảm quá đà trong khi các yếu tố cơ bản vẫn tốt, nhưng vì “hoảng” nên cũng cắt lỗ theo, sau đó bình tĩnh và phân tích lại vẫn thấy có triển vọng thì đã mua lại chính cổ phiếu đó.