Bức tranh sáng cổ phiếu ngân hàng
Sự hỗ trợ của nhóm vốn hóa lớn, chủ yếu đến từ dòng bank, sẽ giúp duy trì động lực cho chỉ số chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ số giằng co, dĩ nhiên, cổ phiếu ngân hàng đã có sự phân hoá.
Một điểm đáng chú ý đối với dòng bank là kể từ đầu năm, nhiều nhóm tư vấn đầu tư đều nhận định tích cực và đa số các mã bank đã được đưa vào danh mục để khuyến nghị cho khách hàng, như ACB, MBB, TCB, CTG, HDB, MSB, VIB, STB...
Diễn biến nổi bật có thể kể đến cổ phiếu CTG với những phiên bứt phá mạnh mẽ từ sau Tết Nguyên đán và được kỳ vọng còn dư địa tăng thêm bởi Ngân hàng đã trích lập dự phòng xong nên lợi nhuận sẽ tốt hơn.
Vietinbank được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2025 với luận điểm biên lãi ròng được kỳ vọng đạt trên 2,9% nhờ tận dụng lợi thế nguồn vốn dồi dào, chi phí vốn thấp và hạn mức tăng trưởng tín dụng cao. Thêm vào đó, kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì ở mức thấp, quanh mức 1% cùng với bộ đệm dự phòng dày sẽ giúp CTG giảm trích lập chi phí dự phòng và mở rộng lợi nhuận giai đoạn tới.
Tại HDB, dù diễn biến giá cổ phiếu chưa có nhiều thay đổi nhưng Ngân hàng có nhiều thông tin cập nhật từ sau khi nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Đông Á (DongABank) và đã đổi tên DongABank thành Ngân hàng Số Vikki.
HDBank cũng chia sẻ về triển vọng và các mục tiêu đặt ra cho năm 2025 tích cực với dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt trên 20%, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024 và gấp 2 lần lợi nhuận năm 2022.
Nhìn lại 5 năm qua, HDBank duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 20% mỗi năm nhờ chiến lược kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các phân khúc khách hàng tiềm năng, bao gồm nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cho vay chuỗi giá trị.
Năm 2024, đã có 7 ngân hàng niêm yết đạt lợi nhuận trước thuế trên 20 nghìn tỷ đồng, trong đó, HDBank xếp thứ 8 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 28,5% so với năm 2023.
Chất xúc tác mạnh mẽ khác tại HDB được giới phân tích và đầu tư quan tâm đó là kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ngân hàng dự kiến có thể công bố thêm thông tin chi tiết vào cuối năm 2025. Gần đây, vào giữa tháng 1/2025, UBCKNN đã chấp thuận cho HDBank điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại xuống 17,5%.
Bên cạnh những triển vọng trên, hiện cổ phiếu HDB luôn nằm trong top đầu các nhà băng có giao dịch khớp lệnh lớn trên HOSE với giá trị giao dịch bình quân đạt 255 tỷ đồng/phiên. Ngoài ra, HDB cũng được nhà đầu tư ngoại gom mạnh, tính từ đầu năm giá trị mua ròng mã này đạt hơn 400 tỷ đồng.
Đối với Techcombank, cổ phiếu TCB vẫn là cái tên được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cho năm 2025. Giá cổ phiếu TCB ghi nhận tăng hơn 16% trong 1 tháng gần nhất với thanh khoản gần 10,5 triệu đơn vị/phiên.
Cổ phiếu TCB được giới phân tích đánh giá cao, nhờ khả năng có thể tiến hành IPO và niêm yết CTCK TCBS, với giả định định giá TCBS bằng 3,0 lần BVPS, cao hơn trung bình ngành nhờ quy mô hàng đầu, ROE cao hơn trung bình ngành và được hưởng lợi từ hệ sinh thái khách hàng của TCB.
Ghi nhận ý kiến của nhiều tư vấn đầu tư và nhà đầu tư trên thị trường, họ đều đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2025 sẽ có nhiều tích cực hơn năm 2024, bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ấn tượng và hệ thống ngân hàng vẫn đang “gánh vác” kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.
Trong đó, thống kê cho thấy, bình quân khoảng 2% tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ cho 1% tăng trưởng GDP. Cụ thể, năm 2023, khi GDP tăng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%; năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%; còn các lo ngại về chất lượng tài sản (chủ đạo bất động sản) cũng đã giảm so với các năm trước.
Định giá về vùng hấp dẫn để đầu tư
Xét về định giá, thống kê từ 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, mặt bằng định giá chung của các cổ phiếu ngân hàng không có nhiều biến động kể từ đầu năm 2023 tới nay khi hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) chỉ dao động trong khoảng từ 1,5 - 1,6 lần. P/B hiện tại ở mức 1,5 lần, và đang được định giá thấp hơn so với mức định giá bình quân 5 năm là 1,7 lần.
![]() |
Nguồn dữ liệu: FIDT |
Ông Đỗ Thanh Tùng, Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích, Chứng khoán Rồng Việt cho biết, nguyên nhân chính khiến diễn biến P/B của ngành chưa có sự cải thiện là do các nhân tố như khả năng sinh lời và chất lượng tài sản đều suy giảm trong khoảng 3 năm trở lại đây trước những diễn biến bất lợi của kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Theo đó, ROE ngành đã giảm từ mức 18,5% trong năm 2022 xuống 15,7% cuối năm 2024, và nợ xấu nội bảng tăng hơn gấp đôi từ mức 99 nghìn tỷ đồng cuối 2021 lên 229 nghìn tỷ đồng cuối năm 2024.
Tuy nhiên, Rồng Việt cũng nhận thấy kết quả kinh doanh quý IV/2024 của ngành ngân hàng đang nhen nhóm các tín hiệu tích cực hơn ở khía cạnh về nợ xấu khi nợ xấu (trước xử lý rủi ro đưa ra ngoại bảng) đã giảm về mức thấp nhất kể từ quý IV/2021.
“Chúng tôi tin rằng, sự cải thiện về chất lượng tài sản này được bắt nguồn từ sự phục hồi trong khả năng trả nợ của người đi va, sự hỗ trợ từ các ngân hàng trong việc cắt giảm phí, lãi suất cho vay bên cạnh xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy số dư lãi, phí phải thu cũng như số ngày thu lãi bình quân của các ngân hàng niêm yết trong quý IV/2024 đều giảm khá tích cực so với quý trước, đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, phản ánh dòng tiền trả nợ từ người đi vay”, theo ông Tùng.
Với tín hiệu tích cực từ khả năng trả nợ của các khách hàng cùng với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân ít khả năng tăng mạnh bất thường (trên 100 bps) trong năm 2025, Rồng Việt tin rằng, chất lượng tài sản của ngành Ngân hàng có thể tiếp tục xu hướng cải thiện tương đối bền vững trong năm nay. Từ đó, kỳ vọng chi phí tín dụng có thể giảm dần, và là động lực tăng trưởng quan trọng cho lợi nhuận ngành Ngân hàng, trong bối cảnh các ngân hàng có ít khả năng tăng được NIM. Qua đó, tâm lý đầu tư đối với ngành Ngân hàng nói chung được dự báo có nhiều cải thiện và đưa định giá P/B về mức bình quân lịch sử trong kịch bản cơ sở.
Mặc dù xu hướng cải thiện về định giá nhiều khả năng sẽ diễn ra trên diện rộng, chứng khoán Rồng Việt tin rằng, định giá những ngân hàng như CTG, MBB, VPB, TCB có nhiều khả năng cải thiện vượt trội hơn so với mặt bằng chung khi chất lượng tài sản có nhiều dư địa cải thiện và sở hữu lợi thế cạnh tranh nhất định trong việc tăng trưởng tín dụng.
Cùng quan điểm, ông Trần Tánh, Trưởng phòng Phân tích, Khách hàng Tổ chức CTCK Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, định giá ngân hàng hiện tại đang rẻ, PB foward 2025 khoảng 1,2 lần (dựa trên ROE kỳ vọng khoảng 18%, theo số liệu Bloomberg), thấp so với trung bình 5 năm.
Thực tế, do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư lo lắng đến chất lượng tài sản và trong vài năm qua, các ngân hàng cũng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế nên định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng không tăng. Tuy nhiên, với bối cảnh và kỳ vọng của năm 2025, khả năng định giá của nhóm ngân hàng sẽ tăng lên.
"Kỳ vọng chính đến từ thị trường bất động sản hồi phục và tăng trưởng tín dụng tăng lên. Để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, thì tăng trưởng tín dụng cũng phải từ 16% trở lên. Dĩ nhiên, các yếu tố này không như kỳ vọng cũng sẽ tác động ngược lại định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là thị trường bất động sản nếu không phục hồi sẽ khiến nhà đầu tư e ngại hơn, bởi yếu tố lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay khá lớn, trong đó bất động sản chiếm tỷ trọng lớn.
Tương ứng các ngân hàng có chuyển biến mạnh đến từ 2 yếu tố chính trên cũng sẽ được nhà đầu tư lưu tâm hơn, như sự hồi phục của thị trường bất động sản là chất xúc tác tích cực, cộng hưởng cho cổ phiếu MBB, TCB, VPB, hay nhóm có tăng trưởng tốt như CTG phần lớn từ xử lý nợ xấu; và câu chuyện bán vốn của BID, VCB, và HDB", ông Tánh nhận định.