Cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá thấp nhất lịch sử

Cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá thấp nhất lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù khó khăn vẫn còn, nhưng giới phân tích vẫn đặt kỳ vọng vào cổ phiếu “vua” khi nền giá đang về vùng hấp dẫn sau khi sụt giảm mạnh năm vừa qua.

Còn nhiều thách thức...

Theo dự báo của VNDirect, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại trong năm 2023 và đạt 10 - 11% so với cùng kỳ, so với mức 32% trong năm 2022.

Nguyên nhân được cho là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chính sách lãi suất cao của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) để chống lại lạm phát còn gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất. Khi chi phí vốn của ngành ngân hàng tăng mạnh, sẽ khiến cho biên lãi ròng (NIM) thu hẹp.

Không chỉ áp lực NIM giảm, tăng trưởng tín dụng trong 2023 cũng được giới phân tích dự báo sẽ giảm tốc trong môi trường vĩ mô kém thuận lợi.

Dự báo được giới phân tích ước tính, tăng trưởng tín dụng toàn ngành vào khoảng 11-12% năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% năm 2022 do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành. Sở dĩ, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.

Kết quả khảo sát của NHNN vừa đưa ra cũng cho thấy, năm 2023, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng tăng 13,7%, huy động vốn tăng 10%. Trong đó, điều quan tâm là trên 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận năm nay tiếp tục tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, các nhận định đưa ra từ giới phân tích tài chính cho rằng, với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản được giới phân tích tài chính nhận định, không chỉ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng tín dụng, mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế-tài chính cho rằng, mục tiêu của chính sách tiền tệ trong năm 2023 là giảm được lãi suất, vì lãi suất thực của Việt Nam cao và mục tiêu tín dụng cũng chỉ tăng trưởng ở mức vừa phải, hợp lý, ổn định tỷ giá.

CTCK VDSC cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.

Quy mô nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên mức độ thận trọng của nhà băng trong việc trích lập dự phòng, khả năng hồi phục tài chính của của khách hàng.

Đáng chú ý là trong bối cảnh hiện nay khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, do USD và lãi suất tiền đồng tăng, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

Tuy nhiên, với các ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và không liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác.

... Những hấp dẫn

Được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, nhóm ngân hàng thường được coi là nhóm dẫn dắt thị trường khi có vốn hóa lớn, số lượng cổ phiếu lưu hành cao. Năm 2023, thách thức vẫn hiện hữu đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng tích cực đối với nhóm ngành này khi giá cổ phiếu đang được định giá ở mức thấp lịch sử, sức khỏe tài chính nhiều nhà băng tương đối tốt.

Cổ phiếu VCB của Vietcombank là một trong 2 cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi tăng giá trong năm 2022.

Cổ phiếu VCB của Vietcombank là một trong 2 cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi tăng giá trong năm 2022.

Theo đó, 2022 là năm giảm mạnh của thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng. Hầu hết thị giá các cổ phiếu ngân hàng đều giảm mạnh từ 10-60%, chỉ còn 2 cổ phiếu tăng giá nhẹ là BID, VCB. Do vậy, các chỉ số P/E và P/B của nhóm cổ phiếu “vua” đang ở quanh vùng thấp lịch sử.

ACBS cho biết, đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn. Cổ phiếu ngành ngân hàng được giao dịch với chỉ số giá/thu nhập (P/E) ở mức 7,1 lần và giá/giá trị sổ sách (P/B) là 1,3 lần cuối 2022, thấp hơn lần lượt 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010-2022.

Trên thực tế, theo ACBS, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023 do ảnh hưởng của chi phí tăng lên và thu nhập ngoài lãi thuần giảm. Mặc dù vậy, với định giá đang ở mức thấp hiện nay, cổ phiếu ngành ngân hàng là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.

Những ngày gần đây, thị trường cũng chứng kiến một loạt thông báo giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu ngân hàng của nhóm quỹ ngoại Dragon Capital. Mới nhất, Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 3,45 triệu cổ phiếu VPB thông qua 3 quỹ thành viên trong ngày 4/1.

Sau giao dịch trên, tổng số cổ phiếu VPB mà Dragon Capital tăng lên hơn 402,9 triệu đơn vị, tương đương hơn 6% cổ phần ngân hàng. Đồng thời, nhóm này cũng tích cực “gom” cổ phiếu STB của Sacombank. Ngày 30/12/2022, 4 quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 4,1 triệu cổ phiếu STB, nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên hơn 6%.

Sau đó, bán ra tổng cộng gần 2,56 triệu cổ phiếu STB thông qua 3 quỹ thành viên trong ngày 3/1 và giảm tỷ lệ sở hữu về mức 5,86%. Trước đó, Dragon Capital đã mua ròng 5,11 triệu cổ phiếu STB trong ngày 5/12/2022, tăng lượng sở hữu lên hơn 99,038 triệu đơn vị, tương đương hơn 5,25% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn duy nhất của Sacombank. Tính chung trong khoảng 1 tháng (4/12/2022 - 3/1/2023), nhóm quỹ này đã mua ròng khoảng gần 16,7 triệu cổ phiếu Sacombank.

Báo cáo của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ thành viên lớn nhất của Dragon Capital cho thấy, tại ngày 29/12/2022, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 35,57% tổng giá trị danh mục hơn 1,6 tỷ USD của quỹ này, tương đương 574,3 triệu USD. Trong khi hồi đầu tháng (1/12/2022), nhóm ngân hàng chỉ chiếm 33,98% giá trị danh mục, tương đương 537,5 triệu USD.

Tại thời điểm 29/12, VPB là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 12,84% NAV. Hai cổ phiếu ngân hàng khác (ACB, VCB) chiếm lần lượt 12,13% và 5,83% NAV của quỹ VEIL.

Sở dĩ nhà đầu tư ngoại vẫn mạnh tay “gom” cổ phiếu ngân hàng do hoạt động kinh doanh của nhóm ngành này vẫn tích cực và triển vọng cho năm 2023 không quá xấu. Tuy nhiên, cổ phiếu các nhà băng cũng sẽ có sự phân hóa. Hiện các ngân hàng lần lượt công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng cao.

Cụ thể, Vietcombank công bố lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 tăng 39% so 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm). Trong đó, biên lợi nhuận (NIM) đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm phần trăm so với 2021. Trong năm qua, tín dụng của Vietcombank tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021.

Thu nhập ngoài lãi của nhà băng này trong năm qua cũng tăng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022; thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021, hoàn thành 124% kế hoạch năm 2022; thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.393 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch năm. Như vậy, Vietcombank tiếp tục giữ ngôi vị quán quân về con số lợi nhuận cao trong ngành.

BIDV cũng cho hay, kết thúc 2022 đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 23.190 tỷ đồng; tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn huy động trong năm qua đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn NHNN giao (12,7%).

Còn với VietinBank, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu đại hội cổ đông đề ra và tăng 15% so với con số năm 2021. Tuy nhiên, với một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ lại “đuối” sức với chỉ tiêu lợi nhuận. Vì vậy, nhà đầu tư cũng chỉ mạnh tay “rót” vốn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn.

Với năm 2023, dù trong nửa đầu năm, ngành ngân hàng và kinh tế Việt Nam nói chung sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nửa cuối năm 2023, tình hình được kỳ vọng sẽ trở nên khả quan hơn khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt. Bên cạnh đó, vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ các địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nên nhóm cổ phiếu “vua” được hưởng lợi.

Do đó, khó khăn phía trước được cho là sẽ mang lại cơ hội lựa chọn, tích lũy cổ phiếu ngân hàng và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động, quản trị rủi ro tốt và cho vay bất động hạn chế.

Còn khi thị trường bước qua giai đoạn sóng gió, các nhà phân tích khuyến nghị nên ưu tiên những ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng.

Tin bài liên quan