Định giá hấp dẫn
Kỳ vọng cú huých nới room tín dụng đã không trở thành hiện thực khi giá nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm ngay trong ngày được nới room. Cụ thể, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng năm 2022 đối với 15 tổ chức tín dụng.
Vậy nhưng, sau một thời gian dài chờ đợi, nhà đầu tư lại hờ hững với thông tin này, khiến một loạt cổ phiếu “vua” giảm giá như VPB giảm 3,5%, TPB giảm 2,5%, TCB giảm 3%, HDB giảm 2,2%, MBB giảm 3%, BID giảm 5,7%... Từ đó đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung có diễn biến đi ngang.
So với đầu năm 2022, đa số cổ phiếu ngân hàng hiện có giá giảm hơn 20%, trong khi VN-Index giảm khoảng 15%.
Cổ phiếu ngân hàng liệu có khả năng thu hút dòng tiền và tạo sóng, dẫn dắt thị trường trong giai đoạn cuối năm 2022 như nhiều ý kiến kỳ vọng trước đó?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, định giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang ở mức thấp, hệ số thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) bình quân cả ngành hiện là 1,46x, nhiều mã có P/B gần mức 1x.
“Cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá hấp dẫn, nhưng trong ngắn hạn chưa có cơ hội tăng giá mạnh. VN-Index từ nay đến cuối năm 2022 nhiều khả năng sẽ dao động quanh ngưỡng 1.300 điểm. Trong dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn nhiều tiềm năng, bởi đây là một trong những ngành trụ cột của nền kinh tế, với dư địa tăng trưởng rõ nét”, ông Hiển nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hợp lý, với P/B phổ biến từ 1,5 - 1,7 lần, thấp hơn so với nhiều nhóm ngành khác.
Xét tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro của cổ phiếu ngân hàng, ông Minh đánh giá, phần lợi nhuận đang cao hơn rủi ro.
Rủi ro đầu tiên là nguy cơ nợ xấu ngân hàng trong giai đoạn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tính đến cuối tháng 6/2022, phần nợ xấu này đã được trả gần hết. Vì vậy, các ngân hàng không còn phải lo trích lập dự phòng nợ xấu.
Thứ hai, áp lực lạm phát đang hạ thấp sức mua của người tiêu dùng, nhưng kỳ vọng sẽ được khôi phục trong năm 2023, áp lực lạm phát giảm, nhóm ngân hàng sẽ bớt rủi ro. Thứ ba, các ngân hàng kiểm soát tốt lãi suất, gần đây có tăng lên nhưng không đáng kể. Hiện mặt bằng lãi suất vẫn đang ở vùng thấp nhất kể từ năm 2011.
Theo đó, nhà đầu tư có thể quan tâm đến nhóm ngân hàng, bởi lợi nhuận tiếp tục có triển vọng tăng trưởng cao nhờ room tín dụng được nới. Mặc dù vậy, nhà đầu tư không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng vượt bậc của nhóm của cổ phiếu này từ nay đến cuối năm.
Cổ phiếu khó tạo sóng
Bối cảnh kinh tế vĩ mô trên thế giới được nhận định sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá hấp dẫn, nhưng cơ hội đầu tư chủ yếu được nhận định dành cho nhà đầu tư dài hạn.
Đáng lưu ý, lạm phát tại nhiều nước vẫn đang ở mức cao, khiến ngân hàng trung ương các nước đó tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, gây ra áp lực với Việt Nam về xuất nhập khẩu, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán, lãi suất… Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước nhiều thách thức trong điều hành chính sách nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Chẳng hạn, nếu tín dụng tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, còn lãi suất tăng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn...
Theo ông Minh, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên room tín dụng toàn ngành ở mức 14% cho năm 2022, chứ không nới lên 16% như nhà đầu tư kỳ vọng, khi tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 8 là 9,91%. Vì thế, đợt nới room tín dụng cho 15 ngân hàng vừa qua là yếu tố tích cực, nhưng chưa tạo được sức bật cho giá cổ phiếu, nhất là khi hạn mức được cấp thêm không nhiều, chỉ từ 0,7 - 4%.
Đánh giá về khả năng tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngân hàng năm 2022, ông Minh cho rằng, biên lãi ròng (NIM) có thể giảm bởi tín dụng vào bất động sản vốn mang lại lãi suất cao vẫn đang bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng các ngân hàng sẽ duy trì được đà tăng hai con số, khoảng 20%.
“Từ nay đến cuối năm 2022, rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng sẽ giảm, nhưng cổ phiếu khó có thể xuất hiện sóng tăng mạnh. Con sóng tăng của cổ phiếu ngân hàng có thể phải đợi sang năm 2023”, ông Minh nhận định.
Trong khi đó, ông Hiển cho rằng, giá cổ phiếu ngân hàng không dễ bật tăng trong ngắn hạn và nhận định, trong năm 2023 có thể sẽ tích cực hơn, tuy nhiên vẫn còn một số yếu tố cần theo dõi sát như tình hình xung đột Nga - Ukraine, rủi ro về suy giảm kinh tế toàn cầu trước diễn biến lạm phát và lãi suất, giá năng lượng...
Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, năm 2022, ngay cả khi hoạt động cho vay chủ đầu tư bất động sản bị hạn chế thì nhu cầu tín dụng từ các lĩnh vực khác đủ để các ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Sang năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, khoảng 13 - 14%. Hoạt động cho vay tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu dùng nhiều khả năng suy giảm. Lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023, đồng nghĩa chi phí đầu vào của ngân hàng tăng lên.
Hệ số P/B thường được sử dụng trong định giá cổ phiếu ngân hàng, vì sự thay đổi trong chất lượng tài sản sẽ kéo theo lợi nhuận thay đổi rất lớn. Thông thường, những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản càng tốt. Tính đến cuối quý II/2022, đa số ngân hàng đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định nên lợi nhuận sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu các khoản nợ chuyển thành nợ xấu.
Trong báo cáo chiến lược tháng 9/2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, so với mức P/B lịch sử, cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang được giao dịch dưới mức trung bình 5 năm. Do đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn, đặc biệt là các nhà băng có chất lượng tài sản tốt, triển vọng tăng trưởng bền vững.
Theo báo cáo cập nhật cổ phiếu ngân hàng ngày 12/9/2022 của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, một số mã có triển vọng tăng giá đáng quan tâm là TCB, VPB, MBB, ACB, VIB, TPB.