Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và dầu khí sẽ “dẫn dắt” thị trường

(ĐTCK) Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, TTCK tiềm ẩn không ít rủi ro và thách thức, nhưng vẫn có nhiều cơ hội nếu có chiến lược đầu tư phù hợp. Trong đó, 3 nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và dầu khí dự báo sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2016.
Ông Trần Anh Tuấn

Ông Trần Anh Tuấn

VCBS đưa ra hướng tiếp cận mang tính thận trọng với xu hướng chung của thị trường trong năm 2016. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về quan điểm này?

Năm 2016 dự báo là một năm có nhiều sóng gió đối với TTCK Việt Nam. Ngay từ đầu quý I, thị trường đã chứng kiến những diến biến ảm đạm. Tuy nhiên, thị trường vẫn có thể chờ đợi các chu kỳ tăng vào thời điểm ghi nhận kết quả kinh doanh của các DN, cộng hưởng với các yếu tố thông tin tích cực.

VCBS vẫn cho rằng, trong năm 2016, TTCK sẽ chịu nhiều yếu tố bất lợi. Xét về các yếu tố kinh tế vĩ mô, tuy nhiều số liệu kinh tế vĩ mô ở mức ổn định, nhưng động lực tăng trưởng chưa xuất phát từ các yếu tố nội tại nền kinh tế như sản xuất trong nước hay cầu tiêu dùng nội địa, mà chủ yếu đến từ các DN FDI, cũng như ngành công nghiệp khai khoáng. Thêm vào đó, chúng tôi không loại trừ khả năng chỉ số kinh tế vĩ mô trong năm 2016 sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực rõ nét hơn từ nền kinh tế Trung Quốc lao dốc.

Những ảnh hưởng này có thể bắt đầu được bộc lộ rõ nét ngay trong quý I. Nếu xét đến yếu tố dòng tiền, cả dòng vốn nội lẫn vốn ngoại đổ vào thị trường đều có xu hướng suy giảm trong năm 2015. Dòng vốn nội trước xu hướng thu hẹp và bị phân tán do TTCK sẽ phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác, đặc biệt là bất động sản và ngoại tệ.

Nguồn lực của các NĐT nội vào thị trường cũng bị phân tán do sẽ có thêm nhiều DN phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Thêm vào đó, tốc độ phát hành pha loãng cổ phiếu của nhiều DN không tương xứng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Tổng hợp các yếu tố trên khiến thanh khoản trong năm vừa qua không có nhiều cải thiện. Trong khi đó, dòng vốn ngoại chảy vào thị trường dự báo sẽ không còn dồi dào, thậm chí có xu hướng rút ròng khi các rủi ro đến từ bên ngoài trở thành các yếu tố lấn át, chi phối thị trường như Fed tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên, kinh tế Trung Quốc lao dốc cùng với khả năng đồng nhân dân tệ có tục mất giá và dòng vốn ngoại có thể tìm đến các TTCK mới nổi như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, những nước đã sớm đưa ra mức phá giá đồng tiền mạnh mẽ và chiếm ưu thế trong việc hạn chế rủi ro tỷ giá.

Với quan điểm thận trong đó, theo ông, đâu sẽ là chiến lược đầu tư phù hợp?

Chúng tôi đưa ra chiến lược đầu tư trong đó lấy trọng tâm là các cổ phiếu, các nhóm ngành sau: các cổ phiếu chủ chốt trong nhóm ngân hàng, bất động sản - nhiều khả năng trở thành nhóm ngành dẫn dắt; nhóm DN đem lại tỷ suất cổ tức cao; nhóm DN được hưởng lợi từ xu hướng giá cả các loại mặt hàng nguyên nhiên vật liệu tiếp tục suy giảm; các DN có thông tin hỗ trợ cá biệt như mua bán, tái cấu trúc M&A, thoái vốn nhà nước…

Theo nhóm ngành dẫn dắt, chúng tôi cho rằng, trong năm 2016, có 3 nhóm ngành tác động lớn tới thị trường. Thứ nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, với đặc thù vốn hóa thị trường, kết quả kinh doanh ổn định. VCBS kỳ vọng, nhóm này, đặc biệt là các ngân hàng đã hoàn thành quá trình tái cấu trúc và xử lý xong nợ xấu sẽ có kết quả kinh doanh đột biến trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, các cổ phiếu trong ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ nét và khó có cơ hội bứt phá mạnh như năm 2015.

Thứ hai là nhóm cổ phiếu bất động sản. Chúng tôi dự đoán, giá cổ phiếu sẽ tăng cao khi có nhiều DN đạt “điểm rơi” về kết quả kinh doanh, nhưng cũng có sự phân hóa đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ pha loãng nhanh và không tương xứng với tăng trưởng lợi nhuận sẽ là yếu tố cản trở sự bứt phá của nhóm này.

Thứ ba là nhóm cổ phiếu dầu khí, với chu kỳ suy giảm của giá dầu chưa thể sớm chấm dứt, chúng tôi cho rằng, triển vọng ngành dầu khí trong năm 2016 sẽ ở mức tiêu cực, đặc biệt tại các cổ phiếu chủ chốt và vốn hóa lớn.

Mặt bằng lãi suất ổn định và giảm nhẹ trong năm 2015, nhưng nhiều dự báo cho thấy, trong năm 2016, lãi suất sẽ chịu áp lực tăng. Quan điểm của ông như thế nào?

Nhìn lại diễn biến lãi suất trong năm 2015 cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định. Trong năm 2016, chúng tôi đánh giá, lãi suất sẽ chịu áp lực tăng do: sức ép từ rủi ro tỷ giá; quyết định tăng lãi suất của Fed; lạm phát dù kỳ vọng ở mức thấp, nhưng nhiều khả năng cao hơn đáng kể so với năm 2015; tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức khá (16%).

Tuy nhiên, với những phân tích kể trên về cầu tiêu dùng và cầu đầu tư nội địa chỉ phục hồi ở mức vừa phải, chúng tôi duy trì kỳ vọng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng. Theo đó, các biện pháp và chính sách nhiều khả năng sẽ được đưa ra theo hướng cân bằng các yếu tố để đảm bảo mục tiêu này.

Nói cách khác, việc giải tỏa các áp lực từ phía bên ngoài bằng công cụ lãi suất sẽ bị hạn chế. Động thái mới nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước với việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá ngay từ đầu năm 2016 theo hướng linh hoạt cũng đã ủng hộ nhận định và kỳ vọng kể trên của chúng tôi.

Theo đó, chúng tôi dự báo, trong năm 2016, lãi suất huy động nhiều khả năng chỉ tăng tối đa 50 điểm cơ bản (0,5%/năm), trong khi lãi suất cho vay thường có biến động sau lãi suất huy động khoảng vài tháng.

Tin bài liên quan