Năm 2023, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664 MW, chiếm tỷ trọng 26,9%

Năm 2023, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664 MW, chiếm tỷ trọng 26,9%

Cổ phiếu năng lượng tái tạo thêm động năng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo đang lọt vào nhóm săn hàng tích lũy bởi kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng dài hạn theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia vừa được phê duyệt.

Động lực chính sách

Ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược nêu rõ, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện.

Mục tiêu cụ thể là đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 170 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 260 - 280 triệu TOE; tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và 65 - 70% năm 2045.

Thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương đã tạo điều kiện phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Mới đây, Quảng Nam ban hành kế hoạch ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp với điều kiện của tỉnh, cụ thể là phát triển điện gió ngoài khơi, hiện đại hoá nhà máy nhiệt điện, nghiên cứu và sản xuất các vật tư, thiết bị.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh đến đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Quảng Nam có tiềm năng về điện gió ngoài khơi, đặc biệt là tại Cù Lao Chàm do những vùng có độ cao từ 100 m trở lên so với mặt nước biển được đánh giá có tiềm năng về nguồn năng lượng gió và vùng có độ cao càng lớn thì tiềm năng gió càng lớn.

Tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư phát triển mạnh về kinh tế biển như năng lượng tái tạo. Đầu tháng 3/2024, đoàn lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã đi xúc tiến kêu gọi đầu tư tại Nhật Bản và làm việc với doanh nghiệp năng lượng tái tạo nước này. Tham gia cùng đoàn xúc tiến có Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, doanh nghiệp có 4 dự án điện năng lượng tái tạo tại Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Trà Vinh. Doanh nghiệp này đang phát triển thêm một số dự án điện mặt trời, điện gió mới và điện khí, đồng thời nghiên cứu mở rộng hướng hoạt động sang lĩnh vực điện sinh khối và hydrogen.

Bên cạnh động lực từ chính sách, nhu cầu điện cho sản xuất công nghiệp được kỳ vọng gia tăng trong năm 2024 cùng đà phục hồi của nhóm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Công ty Chứng khoán MB dự báo, tăng trưởng nhu cầu điện năm nay có thể đạt 8,4%, hỗ trợ cải thiện sản lượng huy động các nguồn điện. Theo đó, triển vọng cho nhóm cổ phiếu năng lượng tích cực hơn.

Ngoài ra, khung giá mới cho năng lượng tái tạo theo Thông tư 19/2023/TT-BCT của Bộ Công thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió cũng mở ra cơ hội phát triển các dự án từ năm 2024.

Lọc tìm cơ hội

Theo Kirin Capital (một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân), trên sàn chứng khoán có 2 doanh nghiệp đang thuần vận hành và khai thác dự án năng lượng tái tạo bao gồm Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán GEG), công suất 489 MW và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã chứng khoán TTA), công suất 137 MW.

Một số doanh nghiệp khác có mảng năng lượng tái tạo như Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG), công suất 542 MW; Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG), công suất 148 MW; Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán PC1), công suất 144 MW; Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán ASM), công suất 210 MW. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vận hành các dự án có quy mô nhỏ, công suất khoảng 50 MW.

Phân tích triển vọng cổ phiếu BCG, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, mảng năng lượng của Bamboo Capital được kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan trong nửa đầu năm 2024, nhờ công suất mới từ các dự án Phú Mỹ. Tuy nhiên, Chứng khoán Yuanta Việt Nam giảm nhẹ dự báo trong nửa cuối năm do xác suất La Nina xảy ra trở lại từ tháng 6/2024 tăng cao trở lại và điều này sẽ phần nào tác động đến sản lượng điện của các nhà máy năng lượng mặt trời. Dự kiến, doanh thu mảng năng lượng của Bamboo Capital năm nay đạt 1.105 tỷ đồng, giảm 1% so với năm ngoái, do xác suất La Nina quay lại tăng lên và giá bán điện của 114 MW mới (Phú Mỹ) có giá bán FIT thấp hơn.

Tính chung, doanh thu và lợi nhuận năm 2024 của Bamboo Capital ước đạt lần lượt 4.356 tỷ đồng và 284 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 51% so với năm 2023.

Lãnh đạo Bamboo Capital chia sẻ, trong quý I/2024, Công ty ước đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng (lần lượt tăng 43% và 182% so với cùng kỳ năm 2023). Ngoài ra, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư mảng điện rác, trong bối cảnh nhiều địa phương có nhu cầu xử lý rác triệt để nhằm bảo vệ môi trường.

Giới đầu tư kỳ vọng, Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho các dự án năng lượng mới sớm được triển khai. Những doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm triển khai dự án, sở hữu những dự án có sản lượng tốt, suất đầu tư hợp lý, cũng như khả năng huy động vốn rẻ sẽ hưởng lợi trong giai đoạn tới bao gồm (xét mã chứng khoán) BCG, PC1, HDG, GEG, REE.

Nhìn lại giai đoạn 2010 - 2015, biên lợi nhuận gộp mảng điện mặt trời luôn ở mức cao, khoảng 50%, thậm chí GEG đạt 55% và TTA đạt hơn 60%, nhờ tận dụng được ưu đãi chính sách cùng với chi phí đầu vào giảm dần. Giai đoạn 2019 - 2021, mảng điện mặt trời giúp kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp như GEG, BCG, TTA tăng trưởng mạnh. Đà tăng sau đó chững lại bởi giá bán điện mới thấp hơn so với trước đây, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án chuyển tiếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn đang được đánh giá cao.

“Chúng tôi đánh giá tích cực đối với ngành năng lượng tái tạo trong năm 2024, khi giá điện chuyển tiếp đã được thống nhất trong thời gian vừa qua. Quy hoạch Điện VIII được thông qua đã cho thấy động lực tăng trưởng bền vững và dài hạn đối với ngành năng lượng tái tạo. Ngoài ra, hiện tượng El Nino dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ với xác suất khoảng 70 - 80% cũng sẽ góp phần đẩy mạnh huy động từ năng lượng tái tạo, qua đó tác động tích cực tới các doanh nghiệp năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp này đang sở hữu lợi thế dài hạn khi các dự án đều vận hành trước và được hưởng giá bán cao sẽ ảnh hưởng tích cực tới kết quả kinh doanh sắp tới”, Kirin Capital nhận định.

Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư đang lọc tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu nhóm năng lượng tái tạo dựa trên các yếu tố cơ bản của ngành và nội lực doanh nghiệp. Nhìn về dài hạn, cổ phiếu nhóm này có triển vọng tăng trưởng khi Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tin bài liên quan