Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thế giới đều ghi nhận các mức tăng “ấn tượng”. Chỉ số Shanghai Composit (Trung Quốc) tăng gần 1/3 trong cùng kỳ. Chỉ số Nikkei (Nhật Bản) tăng gần 18%, trong khi chỉ số DAX (Đức) cũng tăng gần 30%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những biến động đa chiều giữa chứng khoán Mỹ và phần còn lại này. Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 vào cuối năm nay. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương chủ chốt khác tiếp tục nới lỏng tiền tệ hoặc có dự định triển khai các biện pháp giảm lãi suất. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng USD cũng là một nhân tố tác động tới các số liệu kinh tế “tiêu cực” của Mỹ và “tích cực” từ châu Âu.
Trên lý thuyết, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp mới chính là động lực kéo giá cổ phiếu Mỹ. Sau khi ghi nhận mức lợi nhuận tăng vọt sau giai đoạn suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp và tập đoàn hiện nay phải vượt qua một số tác động tiêu cực như đồng USD lên giá (nhân tố ảnh hưởng tới lợi nhuận tại thị trường nước ngoài), giá nhiên liệu thấp (nhân tố xói mòn tăng trưởng của các công ty dầu mỏ và khí đốt) và sự thắt chặt trên thị trường lao động (tác nhân có thể dẫn tới gia tăng sức ép về lương cuối năm nay).
Hãng phân tích và tư vấn kinh tế Capital Economics lưu ý rằng, tổng biên độ lợi nhuận hoạt động của các công ty niêm yết trên chỉ số S&P 500 đã giảm từ mức cao kỷ lục 10,1% trong quý III/2014 xuống 9% trong quý IV/2014. Con số này có thể tiếp tục giảm nếu đồng USD vẫn mạnh và thị trường lao động Mỹ không sáng sủa.
Vậy mà, giá trị cổ phiếu nhiều công ty trên sàn chứng khoán Mỹ vẫn tăng, bất chấp lợi nhuận doanh nghiệp chậm lại, đã thúc đẩy các thước đo giá trị mới. Biểu đồ trên đây cho thấy, tỷ lệ giá cổ phiếu/lợi nhuận của chỉ số S&P 500 đã lần đầu tiên quay trở lại mức “ấn tượng” kể từ năm 2004.
Chuyên gia Ed Yardeni tại Công ty tư vấn Yardeni Research cho rằng, các dữ liệu kinh tế ghi nhận nói trên đã cho thấy, cổ phiếu Mỹ hiện đang được định giá cao quá mức. Hơn nữa, hầu như không có cổ phiếu nào được đánh giá dựa trên các giá trị như nhân tố cấu trúc, tỷ lệ lạm phát dưới ngưỡng mục tiêu và lãi suất “cực thấp”. Thay vào đó, các yếu tố lịch sử đã khiến chính giá trị các cổ phiếu trở nên thu hút hơn và đắt đỏ hơn.
Hiện tại, nhiều người tin rằng, nếu giá cổ phiếu Mỹ tăng cao hơn so với hiện tại, có thể đó là do bắt đầu bong bóng cổ phiếu hoặc chính các công ty tìm cách mua lại cổ phiếu của mình. Ước tính, các công ty đã mua lại số cổ phiếu trị giá trên 2.000 tỷ USD trong giai đoạn năm 2009 đến 2014. Riêng trong năm nay, các công ty có thể đã mua lại lượng cổ phiếu trị giá 1.000 tỷ USD so với mức tươtng ứng 553 tỷ USD của năm 2014.
Liệu những nhà đầu tư cổ phiếu có thể vượt qua những lực cản từ lợi nhuận công ty thấp hơn hay rủi ro từ việc tăng lãi suất hay không vẫn là một câu hỏi mở. Trong thời điểm hiện tại, cuộc chiến của chỉ số Dow Jones sẽ vẫn tiếp tục gần ngưỡng 18.000 điểm, cho đến khi thời điểm Fed tăng lãi suất được hé mở rõ ràng hơn.