Cổ phiếu mía đường, vui được mấy ngày...?

Cổ phiếu mía đường, vui được mấy ngày...?

(ĐTCK) Các cổ phiếu ngành mía đường vừa bật tăng khi giá đường thô tăng phi mã trên thị trường thế giới, ngay khi bước vào giai đoạn bỏ áp thuế nhập khẩu mía đường theo hạn ngạch vào Việt Nam.

Giá đường thô thế giới tăng phi mã

Gần đây, thị trường hàng hóa chứng kiến sự tăng phi mã của giá đường thô. Cụ thể, từ giữa tháng 9 tới nay, giá đường đã tăng từ 10,75 cents/pound lên 15,78 cents/pound, tức tăng 46,6%, trong khi từ đầu năm 2020 tới nay, tăng 19%. Có thể thấy giá đường thô đã tăng khá mạnh bất chấp những bất ổn thế giới từ Trung Đông, tới dịch cúm do virus COVID - 19 gây ra tại Trung Quốc. 

Được biết, trong năm 2018, 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất chiếm tới 67,9% tổng sản lượng toàn thế giới như Brazil ,Thái Lan, Pháp, Ấn Độ, Đức. Các quốc gia nhập khẩu lớn như Indonesia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Malaysia, Ý…. 

Có nhiều lý do khiến giá đường thế giới tăng. Trong đó, Thái Lan - quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, năm 2020 dự báo sản lượng vụ tới giảm 28%, đạt khoảng 10,5 triệu tấn, thấp nhất trong 9 năm qua do mùa khô kéo dài tới tháng 6, thay vì kết thúc tháng 4 như mọi năm. Lượng đường xuất khẩu của Thái Lan dự kiến giao động 6-7 triệu tấn, thay vì 11 triệu tấn năm 2019, tức giảm 36% - 45% so với cùng kỳ. 

Thêm vào đó, Ấn Độ cũng là một quốc gia phải đối mặt với tình hình hạn hán, sản lượng niên vụ 2019/2020 dự báo giảm 18%. Trong khi tại Brazil, nông dân đang chuyển dịch trồng mía sang nguyên liệu sinh học do hạn hán, tỷ lệ đường trong mía ngày một thấp hơn các năm trước.

Đối với ngành mía đường trong nước cũng chịu áp lực cạnh tranh khá lớn bởi từ năm 2020, Việt Nam sẽ không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các quốc gia ASEAN.

Cổ phiếu mía đường nhảy múa

Trên sàn chứng khoán Việt hiện nay có 4 cổ phiếu ngành mía đường. Tuần qua (từ ngày 10-14/2), nhóm cổ phiếu này đã bất ngờ bật tăng mạnh. Cụ thể, cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La tăng 32,2%; cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon Tum tăng 33,3%; cổ phiếu LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn tăng 31,3%; cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa tăng 17,7%... 

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) có tỷ suất lợi nhuận gộp trong 4 quý là 12,79%, so với trung bình ngành là 9,83%. Biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính 10,61%, cao hơn trung bình ngành hiện 5,04% và biên lợi nhuận ròng là 6,8% cao hơn trung bình ngành 3,35%. 

Trong khi đó, SBT là cổ phiếu có hiệu quả kinh doanh thấp hơn trung bình ngành trong 4 quý vừa qua.

Theo tìm hiểu, niên vụ 2018-2019, SLS khai thác 9.381 ha đất, sản xuất ra 625.892 tấn mía, trong đó sản xuất mía chế biến là 619.566 ha. Doanh nghiệp hiện đang sở hữu 7.800 ha, tương ứng 3,3% vùng nguyên liệu mía cả nước, đảm bảo nguyên liệu ổn định. 

Nhà máy hiện đại và giá thu mua thấp, giao động 9.600 đồng/kg, thấp hơn trung bình ngành 26% là lợi thế của SLS.

Đối với KTS, Công ty chủ yếu thu mua nguyên liệu từ bà con nông dân, nên dễ gặp rủi biến động giá. Trong năm vừa qua, doanh nghiệp này tự chủ được 80.654 tấn mía, mua ngoài 60.649 tấn mía chỉ đạt 43,57% kế hoạch sản lượng mía mua ngoài. Trong khi đó KTS tiếp tục tăng công suất.  

Tính tới 31/12/2019, KTS có tổng tài sản 317 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng dở dang là 202,6 tỷ đồng, chiếm 64% tổng tài sản, là công trình nâng cấp nhà máy, sửa chữa lớn, nâng cấp công suất từ 1.800 tấn mía ngày lên 2.500 tấn mía ngày. 

Còn tại LSS, Công ty có vùng nguyên liệu có tới 70% diện tích là mía đồi, manh mún, nhỏ lẻ khó áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nên hiệu quả và sự ổn định nguyên liệu không cao. Giá mía đường giảm khiến doanh thu lao dốc và lợi nhuận giảm mạnh từ 102 tỷ đồng năm 2015, tới năm 2018 chỉ còn 1,3 tỷ đồng. 

Tin bài liên quan