Cổ phiếu lớn làm trụ cột trên sàn
Bước chân vào trụ sở mới Tòa nhà Sở GDCK TP. HCM (HOSE), hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng với du khách là 30 khối tròn như 30 chiếc đồng hồ cổ, gắn trên bước tường chính của Sở. Ở đó, Sở GDCK ghi danh 30 mã cổ phiếu được chọn trong rổ tính chỉ số VN30 - chỉ số của những cổ phiếu hàng đầu TTCK Việt Nam. MBB là Ngân hàng TMCP thứ 8 lên niêm yết và chỉ sau 6 tháng đầu tiên trên sàn, cổ phiếu này đã được Sở GDCK TP. HCM chọn vào rổ tính VN 30. Ngân hàng mới nhất lên sàn là BIDV, hiện cổ phiếu BID chưa có tên trong danh sách này. 4 cổ phiếu ngân hàng khác có tên trong VN-30 là VCB, CTG, STB, EIB.
Thống kê của ĐTCK kể từ ngày chào sàn đến nay (xem bảng) cho thấy, trong 9 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội, trải qua những lần chia, tách, hiện giá của 8 mã cổ phiếu có sự sụt giảm mạnh so với thời điểm chào sàn, chỉ duy nhất MBB vững giá. Kể từ khi chào sàn, trải qua một số đợt chia tách, MBB vẫn luôn duy trì mức giá ổn định. Trong 1 năm trở lại đây, MBB duy trì mức giá trên dưới 13.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản trung bình trên 1 triệu đơn vị/phiên.
Trong 1 tháng qua, từ 23/6 - 22/7, trong 6 cổ phiếu niêm yết trên HOSE, chỉ có MBB tăng giá với mức tăng 2,22%, 5 mã còn lại đều giảm từ gần 0,7% đến hơn 3%, trong đó EIB giảm mạnh nhất với 3,01%. Trên HNX, cả ACB và SHB đều đứng giá.
Hiện các ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm, nhưng theo CTCK Bảo Việt (BVSC), kết quả hoạt động kinh doanh của MBB trong năm 2014 sẽ thuận lợi hơn năm 2013.
Cũng theo BVSC, MBB hiện là một trong những ngân hàng có hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời tốt nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Đồng thời, Ngân hàng cũng có quan điểm thận trọng trong việc phân loại và trích lập dự phòng nợ xấu thể hiện qua tỷ lệ NPL, LLC và tài sản thế chấp/dư nợ tín dụng đều ở mức tốt so với bình quân ngành. Rủi ro từ nợ xấu khi áp dụng Thông tư 02 đối với MBB không quá cao.
So với mặt bằng chung các ngân hàng niêm yết, MBB nổi bật ở sự phát triển ổn định và hiệu quả kinh doanh tính trên đồng vốn của cổ đông ngày càng cao. Năm 2012, MBB đứng đầu khối các ngân hàng TMCP không có vốn Nhà nước chi phối về lợi nhuận đạt được; năm 2013, vị thế này tiếp tục giữ vững, mặc dù MBB không phải là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất khối này. So với các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV, thì MBB có khả năng sinh lời tốt hơn, khi chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phần của MBB hiện là 1.910 đồng/CP, trong khi với VCB là 1.660 đồng/cổ phần và BID là 1.580 đồng/cổ phần.
“MBB đang được giao dịch tại mức P/E và P/B 2014 là 6,6 và 1,0 lần, khá thấp so với trung bình các ngân hàng đang niêm yết. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích lũy với cổ phiếu MBB với mức giá kỳ vọng vào khoảng 17.460 đồng/cổ phần”, BVSC khuyến nghị.
Sau tái cấu trúc, ngành ngân hàng sẽ được đánh giá đúng hơn
Cổ phiếu ngân hàng từng được tôn vinh là “cổ phiếu vua” khi thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng đầu tư với kỳ vọng ngành này sẽ dẫn trước, phát triển mạnh hơn sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, khiến khối ngành tài chính ngân hàng chịu tổn thương sâu sắc. Không ít ngân hàng đã phải rời bỏ đường đua, chấp nhận xóa tên trên thương trường trong cuộc tái cấu trúc của toàn ngành. Không hiếm ngân hàng, sau một quá trình dài thể hiện sự phát triển nhanh chóng, đã bục vỡ những vấn đề về quản trị, lộ diện nhiều hành vi kinh doanh sai trái, gây tổn thương cho nền kinh tế. Những hiện tượng này ít nhiều đã làm giảm vị thế vua của cổ phiếu ngân hàng, đưa mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng xuống mức thấp so với nhiều ngành cơ bản có cổ phiếu niêm yết trên sàn.
Trong cuộc họp báo công bố Diễn đàn M&A 2014 ngày 17/7 vừa qua, khi nhận câu hỏi của phóng viên rằng, hoạt động tái cấu trúc ngành ngân hàng dường như khá trầm lắng, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hòa cho biết, thực tế không phải như vậy. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thu hồi 7 giấy phép trong đó có 5 giấy phép hoạt động của ngân hàng, 2 giấy phép hoạt động của công ty tài chính. Từ nay đến cuối năm sẽ có một số thương vụ M&A lớn trong ngành ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thực thi.
“Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng là giải pháp cần thiết và hiệu quả mà Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực thực hiện. Nó không chỉ hiệu quả với các tổ chức yếu kém, mà còn mang lại những lợi thế cho các tổ chức đang hoạt động lành mạnh”, bà Hòa nói.
Đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, về dài hạn, tầm quan trọng của hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng được khẳng định, do đây là được coi là huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống trung gian tài chính. Nếu quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, được tiến hành thành công, những chủ thể yếu kém sẽ dần bị loại khỏi thương trường. Cổ phiếu và uy tín của những ngân hàng hoạt động vững mạnh sẽ được đánh giá đúng và hấp dẫn các dòng tiền đầu tư.
TS. Marc Faber - nhà tư vấn huyền thoại thế giới, trong lần nói chuyện về cơ hội đầu tư toàn cầu tháng 6 vừa qua nhận định, tại Việt Nam, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và giá trị cổ phiếu đang rất tốt. Dù vậy, chứng khoán Việt Nam cần có thời gian để phục hồi trở lại do biến động trên Biển Đông gần đây đã tạo ra bóng mây bao phủ lên thị trường tài sản Việt Nam. TS. Marc Faber từng chia sẻ, tại TTCK Việt Nam, ông rất thích 2 DN là Ngân hàng TMCP Quân đội và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), vì sự phát triển ổn định và khả năng tăng trưởng vững vàng ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông thể hiện niềm tin rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới là rất tốt, những DN lành mạnh sẽ tiếp tục phát triển và xứng đáng là điểm đến cho các dòng vốn đầu tư.
Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội
Giai đoạn 2014 - 2019, MB hướng đến mục tiêu đứng vững chắc trong Top 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, với định vị là một ngân hàng thuận tiện, trên cơ sở mô hình hoạt động là một tập đoàn tài chính đa năng, với trung tâm là hoạt động ngân hàng thương mại, kết hợp với phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tài chính, đầu tư thuộc các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản, quản lý quỹ…
MB phấn đấu vào năm 2018 nâng tổng tài sản riêng Ngân hàng lên 320.000 tỷ đồng, hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt tối thiểu 5.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hàng năm duy trì ở mức < 3%. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến cao hơn lãi suất huy động tiền gửi bình quân của MB khoảng 30%. |