Sau phiên lao dốc 6,8% trong phiên đầu tuần, cổ phiếu Facebook tiếp tục giảm 2,6% trong phiên thứ Ba, gây áp lực lên thị trường, dù mức giảm này đã được hãm đi khá nhiều so với đầu phiên.
Facebook cho biết, họ đã đối mặt với những câu hỏi của Ủy ban Thương mại liên bang về các các dữ liệu cá nhân của người sử dụng bị một công ty phân tích mà chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump thuê đã đánh cắp và sử dụng.
Cả các nhà lập pháp của Mỹ và châu Âu đều yêu cầu Facebook giải thích về các thức Công ty Cambridge Analytica truy cập vào được dữ liệu và vì sao mạng xã hội này lại không thông báo cho người dùng.
Diễn biến này khiến nhiều người dự đoán sẽ có các quy định chặt chẽ hơn được đưa ra với các mạng xã hội. Do đó, Facebook không phải là cổ phiếu mạng xã hội duy nhất giảm trong phiên thứ Ba, mà còn có Snap giảm 2,56%, Twiter giảm tới 10,38%, XF cũng giảm 0,9%.
Dù nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chịu áp lực lớn, nhưng phố Wall vẫn đảo chiều tăng trở lại trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô tăng mạnh 2%, lên mức cao nhất 3 tuần, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Dow Jones tăng 116,36 điểm (+0,47%), lên 24.727,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,02 điểm (+0,15%), lên 2.716,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,06 (+0,27%), lên 7.364,30 điểm.
Cũng giống như phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt phục hồi trở lại trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chịu áp lực lớn.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 18,34 điểm (+0,26%), lên 7.061,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 90,31 điểm (+0,74%), lên 12.307,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 29,60 điểm (+0,57%), lên 5.252,43 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ phiên giảm mạnh trước đó của phố Wall, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm điểm trong phiên thứ Ba, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục duy trì sắc xanh khi Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục mở rộng thị trường khi đề cập đến cuộc chiến thương mại, xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch đánh thuế mạnh với các hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 99,93 điểm (-0,47%), xuống 21.380,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 36,17 điểm (+0,11%), lên 31.549,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,39 điểm (+0,35%), lên 3.290,64 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi giảm 0,52% trong phiên đầu tuần mới, giúp giá vàng hồi phục nhẹ trở lại, đồng USD đã tăng vọt trở lại trong phiên thứ Ba với mức tăng 0,69%, lên mức cao nhất 3 tuần, khiến giá kim loại đảo chiều giảm khá mạnh trở lại.
Kết thúc phiên 20/3, giá vàng giao ngay giảm 5,8 USD/ounce (-0,44%), xuống 1.310,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 5,9 USD/ounce (-0,45%), xuống 1.311,9 USD/ounce.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ đầu tuần, giá dầu thô đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba lên mức cao nhất 3 tuần do căng thẳng ở Trung Đông khi Ả Rập Xê út muốn Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran và khả năng giảm sản lượng từ Venezuela.
Kết thúc phiên 20/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,34 USD (+2,11%), lên 63,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,37 USD (+2,03%), lên 67,42 USD/thùng.