Cổ phiếu không có quyền biểu quyết: Cân nhắc

Cổ phiếu không có quyền biểu quyết: Cân nhắc

(ĐTCK) Sự thành công của hình thức cổ phiếu không có quyền biểu quyết rất khác nhau tại một số TTCK trrên thế giới, khiến việc áp dụng tại TTCK Việt Nam nên được cân nhắc.

Nhằm thu hút vốn ngoại, cơ quan quản lý đang cân nhắc xem xét thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép NĐT chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết (non voting share- NVS) vượt tỷ lệ trên 49%. Tuy nhiên, theo khảo sát của ĐTCK tại một số TTCK trên thế giới, sự thành công của hình thức này rất khác nhau, khiến việc áp dụng tại TTCK Việt Nam nên được cân nhắc.

Cổ phiếu không có quyền biểu quyết: Cân nhắc ảnh 1Cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết thường bị định giá thấp hơn cổ phiếu phổ thông

Thế giới: Đa dạng

Thực tế, hình thức NVS trước đây khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các công ty lớn ở nhiều TTCK phát triển. Chẳng hạn, Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett có hai loại cổ phiếu, loại A (class A) có quyền biểu quyết với mã niêm yết là BRKA và loại B (class B) hạn chế quyền biểu quyết, mã niêm yết là BRKB. Loại B có quyền biểu quyết chỉ tương ứng 1/10.000 quyền biểu quyết của loại A, nhưng hàng năm được lĩnh cổ tức ưu đãi tương ứng 1/1.500 cổ tức của loại A.

Một trường hợp khác là cổ phiếu của Tập đoàn dược phẩm và chăm sóc sức khỏe Roche. Số chứng khoán có quyền biểu quyết và không có quyền biểu quyết của tập đoàn Thụy Sỹ này đang được niêm yết song song tại TTCK Thụy Sỹ và London . Trong đó, Roche chỉ có 160 triệu cổ phiếu không ghi tên có thể tự do chuyển nhượng nhưng có tới 702,56 triệu chứng khoán ghi tên hạn chế chuyển nhượng, chỉ có thể lĩnh cổ tức mà hoàn toàn không có quyền biểu quyết.

Trong khi đó, Comcast, một trong những nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất Hoa Kỳ lại có tới 3 loại chứng khoán khác nhau. Loại thứ nhất gồm 2.118,9 triệu cổ phần phổ thông, ký hiệu là CMCSA đang niêm yết trên sàn Nasdaq, mỗi cổ phần tương ứng với 1.374 phiếu bầu. Loại hai, gồm 528,9 triệu cổ phiếu có mã niêm yết trên Nasdaq là  CMCSK nhưng hoàn toàn không có quyền biểu quyết. Loại thứ ba, gồm 9,4 triệu phiếu không được niêm yết và không được chuyển nhượng, mỗi cổ phần chỉ có số quyền biểu quyết tượng trưng là 15 phiếu bầu.

Nhìn chung, cổ phiếu không có quyền biểu quyết trên thế giới khá đa dạng, thường là cổ phiếu ưu đãi về lợi tức, xuất hiện khá nhiều ở thị trường Đức. Ở những thị trường phát triển khác như Bắc Mỹ, cổ phiểu ưu đãi không quyền biểu quyết thực chất giống trái phiếu. Theo moneyterms.co.uk, mục đích chính của các cổ phiếu không có quyền biểu quyết là cho phép những người nắm giữ cổ phần phổ thông có thể duy trì trạng thái kiểm soát công ty, chống lại hoạt động thâu tóm. Những người nắm giữ cổ phần phổ thông thường là các cổ đông sáng lập với xuất phát điểm là công ty gia đình. Với các công ty khác, NVS phụ thuộc vào đặc thù và chiến thuật của từng công ty mà cho ra các cổ phiếu không có, ít quyền biểu quyết hoặc có quyền chuyển đổi vào thời gian nào đó sang cổ phiếu phổ thông. Những điều khoản gắn với những loại cổ phiếu này cũng rất đặc biệt theo từng công ty.

 

Cổ phiếu không có quyền biểu quyết: Cân nhắc ảnh 2Cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết thường do các doanh nghiệp lớn phát hành

 

NVS: Chịu chiết khấu giá

Một hiện tượng phổ biến với các cổ phiếu NVS là chịu việc chiết khấu về giá. Ví dụ tiêu biểu là cổ phần của hãng xe hơi Đức BMW. Vào cuối năm 2011, Tập đoàn này đang niêm yết 602 triệu cổ phần phổ thông và 52,2 triệu cổ phần ưu đãi về cổ tức nhưng không có quyền biểu quyết. Hai cổ phiếu này không có quy định chuyển đổi, nên loại NVS chịu mức chiết khấu rất lớn về giá. Trong 5 năm gần đây, vào cuối năm, mức chiết khấu dao động từ 14,3% - 36,1% tùy thời điểm (xem bảng).

Cổ phiếu không có quyền biểu quyết: Cân nhắc ảnh 3

Để không bị chiết khấu giá cổ phần NVS, Roche cho phép, sau một thời gian nhất định, số cổ phần NVS được chuyển đổi thành cổ phần có quyền biểu quyết. Vì thế, cả hai loại cổ phần của Tập đoàn Thụy Sỹ hiện có giá giao dịch xoay quanh mức 212 EUR/cổ phần. Tương tự, để thu hẹp mức chiết khấu này, Tập đoàn Berkshire Hathaway cho phép cổ phiếu loại A có thể chuyển đổi sang cổ phiếu loại B theo tỷ lệ 1 cổ phiếu BRKA quy đổi lấy 1.500 cổ phiếu loại B nhưng không được thực hiện theo chiều ngược lại. Vì vậy, loại cổ phiếu hạng A và B của Berkshire Hathaway luôn xoay quanh tỷ lệ 1: 1.500. Hiện tại, thị giá BRKA đang là 143.502 USD/cổ phần, còn BRKB đang là 95,16 USD/cổ phần.

Theo moneyterms.co.uk, xu hướng chung của cổ phiếu NVS hiện tại là chịu sự chiết khấu về giá so với cổ phiếu có quyền bỏ phiếu và đây là lý do chính yếu hiện tại hình thức phát hành này ngày càng ít được ưa chuộng và có xu hướng thu hẹp. Nhưng hiện một số nhỏ những công ty lớn, có truyền thống lâu dài, đạt được thành tựu đáng kể và tạo dựng được niềm tin tuyệt đối với giới đầu tư, vẫn duy trì và phát hành loại cổ phiếu này. 

 

NVS ở Việt Nam : Liệu có phù hợp?

Ngay sau kiến nghị của cơ quan quản lý, đa số giới đầu tư đã đón nhận thông tin một cách khá hồ hởi. Tâm lý này khá dễ hiểu vì cầu ngoại đang đóng một vai trò khá lớn, góp phần phục hồi TTCK thời gian vừa qua, đặc biệt là các cổ phiếu nằm trong danh sách VN30. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, đa phần NĐT trên TTCK Việt Nam đang hiều lầm về kỹ thuật phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết: theo thông lệ trên thế giới, NVS là loại cổ phiếu có mã niêm yết riêng, chủ yếu được thực hiện qua hình thức phát hành riêng lẻ. Vì vậy, kỳ vọng về về cầu ngoại hỗ trợ các cổ phiếu hết “room” được niêm yết hiện nay là không có cơ sở.

Ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc tư vấn tài chính CTCK Bản Việt (VCSC) nêu ví dụ, ở Vinamilk hiện nay, NĐT nước ngoài đã đạt giới hạn “room” ngoại 49%, nếu phát hành cổ phiếu VNM theo hình thức NVS, sẽ có một mã mới là VNM1 chẳng hạn và niêm yết song song với VNM. Ông Hoàn nhận xét, với hình thức này, các NĐT tài chính lớn có thể sẽ không mấy mặn mà, vì dù có thể trở thành cổ đông lớn nắm giữ trên 50% cổ phần, nhưng thực tế không thể tham gia, hay có tác động gây ảnh hưởng tới đường lối hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, TTCK Việt Nam được khối ngoại coi là chưa đáp ứng các tiêu chí minh bạch như tại các quốc gia phát triển.

Rõ ràng, với hơn 700 mã cổ phiếu niêm yết hiện nay, chỉ một số cổ phiếu đã hết “room” khối ngoại và đa phần cầu ngoại cũng chỉ tập trung vào các công ty lớn nhất thị trường như Vinamilk. Với đa số công ty còn lại, việc phát và lưu hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết có lẽ không phù hợp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp lớn, việc phát hành NVS chịu kịch bản chiết khấu so với giá thị trường là không mong muốn, nhưng phải tiên liệu trước.